Sắp xếp chi cục thuế đảm bảo tinh gọn, hiệu quả
Theo dự kiến của Tổng cục Thuế, trước 1/7/2018, 192 chi cục thuế sẽ được ghép thành 90 chi cục thuế khu vực (giảm 102 chi cục). Thời gian còn không nhiều, toàn ngành Thuế đang gấp rút triển khai việc sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế đảm bảo tinh gọn, giảm đầu mối, đồng thời nâng cao hiệu quả, hiệu lực.
Ngay từ khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW và chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chủ động nghiên cứu, xây dựng đề án sắp xếp, sáp nhập. Theo đó, Tổng cục Thuế đã ban hành kế hoạch triển khai chi tiết; thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thành lập từ cấp Tổng cục đến 63 cục thuế tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài chính tiến hành khảo sát tại cục thuế đại diện cho các vùng, miền trong cả nước để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Để các địa phương triển khai thuận lợi, Tổng cục Thuế đã có hướng dẫn các cục thuế xây dựng đề án thành lập chi cục thuế khu vực.
Theo thông tin từ Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Thuế, đến ngày 20/5/2018, 63 cục thuế đã trình Tổng cục Thuế để thẩm định trình Bộ Tài chính phê duyệt đề án thành lập chi cục thuế khu vực. Việc xây dựng đề án nhằm đảm bảo việc chi cục thuế mới phải hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn cả về tổ chức bộ máy, kết hợp sắp xếp lại nguồn nhân lực để tinh giản biên chế, giảm chi phí hành thu của cơ quan Thuế đồng thời vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Thông qua việc sắp xếp, sáp nhập để thành lập chi cục thuế khu vực sẽ giải quyết được việc giảm đầu mối chi cục thuế, tinh giản biên chế, giảm chi phí hành thu, tạo điều kiện cho người nộp thuế, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; là cơ sở sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy. Đồng thời, việc sắp xếp thu gọn đầu mối chi cục thuế, đội thuế sẽ là nhân tố tác động trở lại đối với ngành Thuế, qua đó, đặt ra bài toán cho ngành Thuế là phải đẩy mạnh hơn nữa công tác ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức quản lý…
Qua tìm hiểu, hiện nay các địa phương đang nỗ lực thực hiện các công việc liên quan như thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và chỉ đạo xây dựng đề án của cục thuế... theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế. Cùng với đó, đối với những đơn vị nằm trong kế hoạch sáp nhập, Các cục Thuế đã liên tục quán triệt tinh thần đến cán bộ chủ chốt, cán bộ công chức đang làm việc, tránh tâm lý hoang mang, bất ổn, đảm bảo việc sắp xếp nhân sự được công bằng, minh bạch.
Đặc biệt, công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện kế hoạch của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế luôn được các cục thuế chú trọng để đảm bảo không ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch thu ngân sách hàng năm.
Theo Tổng cục Thuế, cùng với việc sắp xếp các chi cục thuế, ngành Thuế sẽ phải thực hiện một lộ trình tích cực mạnh mẽ và đề ra các giải pháp hữu hiệu để chi cục thuế khu vực đi vào hoạt động thực sự hiệu quả và từng bước tinh giản biên chế. Đây mới là mục tiêu và cái đích của công tác cải cách sắp xếp, tổ chức bộ máy quản lý thuế tinh gọn, hiệu quả.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính vừa có công văn số 6129/BTC - TCCB truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về triển khai kế hoạch sắp xếp, sáp nhập chi cục thuế quận, huyện thị xã, thành phố theo khu vực. Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế khẩn trương triển khai thực hiện và chỉ đạo cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo đề án sắp xếp, sáp nhập chi cục thuế đúng kế hoạch, thời gian và nội dung quy định tại Quyết định số 520/QĐ-BTC ngày 13/4/2018 và Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 9/5/2018. Công văn cũng nêu rõ, đối với các cục thuế đã hoàn thành việc xây dựng đề án, thì Tổng cục Thuế khẩn trương rà soát, thẩm định, báo cáo Bộ về đề án chính thức của từng đơn vị để Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt theo thẩm quyền.