Sau kiểm toán lợi nhuận của nhiều ngân hàng giảm mạnh
Mới đây, nhiều ngân hàng đã bắt đầu công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Kết quả sơ bộ cho thấy, đó lợi nhuận của một số ngân hàng giảm mạnh, cụ thể, OCB giảm 875 tỷ đồng, VietABank 11 tỷ đồng hay như VPBank giảm 183 tỷ đồng...
Không ít ngân hàng gây bất ngờ khi công bố báo cáo kiểm toán ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh so với báo cáo tự lập trước đó.
Đầu tiên phải kể đến, Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã ck: OCB), khi mà ngân hàng này vừa công bố báo cáo tài chính năm 2023 sau kiếm toán. Theo đó, lợi nhuận ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 3.303 tỷ đồng, so với báo cáo ngân hàng tự lập, lợi nhuận ngân hàng này đã giảm tới 875 tỷ đồng, tương đương mức giảm 20,9%.
Lý giải cho sự chênh lệch trước và sau kiểm toán, OCB cho biết, nguyên nhân đến từ việc điều chỉnh giảm một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 chuyển sang hạch toán trong năm 2024 và tăng chi phí dự phòng. Đồng thời, ngân hàng cũng phân loại lại phần lớn giá trị khoản mục "tài sản gán nợ đang chờ xử lý" thuộc mục "tài sản có khác" sang khoản mục "các khoản nợ chờ xử lý khác đã có tài sản xiết nợ, gán nợ". Việc phân loại này kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được trích bổ sung tăng 44,4% (lên hơn 1.627 tỷ đồng).
Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), trong báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 917 tỷ đồng, giảm 11 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Trong khi đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 tự lập, lãi sau thuế năm 2023 đạt tới 758,3 tỷ đồng. Như vậy, sau kiểm toán, lợi nhuận tại VietABank giảm hơn 14 tỷ đồng.
Theo nhà băng này, số liệu thay đổi đến từ biến động trong trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Cụ thể, sau kiểm toán, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng thêm 12 tỷ đồng, lên gần 687 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng bị giảm tương ứng.
Lợi nhuận cũng “bốc hơi” sau kiểm toán cũng phải kể đến Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của VPBank bị điều chỉnh giảm 183 tỷ đồng (từ 10.987 tỷ đồng xuống còn 10.804 tỷ đồng), tương đương giảm 1,67%. Lợi nhuận sau thuế cũng bị giảm 146 tỷ đồng từ 8.640 tỷ đồng xuống còn 8.494 tỷ đồng sau kiểm toán.
Theo VPBBank thì nguyên nhân chủ yếu là do trích lập dự phòng của ngân hàng này đã bị tăng thêm 150 tỷ đồng. Việc trích lập dự phòng được thực hiện trên cơ sở dư nợ tín dụng và phân loại nợ của khách hàng theo quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng của NHNN có hiệu lực tại thời điểm lập BCTC, trong đó đã bao gồm chi phí dự phòng trích lập bổ sung theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN và Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của NHNN.
Nhận định về triển vọng của ngành Ngân hàng năm 2024, nhóm nghiên cứu của FiinGroup cho rằng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng niêm yết năm nay chỉ 12-15%. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng đến từ tín dụng - dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại khi hoạt động sản xuất, kinh doanh dần hồi phục - và sự phục hồi của biên lãi ròng nhờ giá vốn giảm. Đáng lưu ý là, tín dụng tiêu dùng bất động sản bắt đầu tăng trở lại.
Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) cũng đưa ra kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành Ngân hàng sẽ phục hồi với động lực chính đến từ sự nở ra của tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM), tuy nhiên tốc độ nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào diễn biến của cầu tín dụng và chất lượng tài sản.
Theo BSC, yếu tố bất ngờ đối với dự báo của trên sẽ đến từ tốc độ phục hồi của nhu cầu tín dụng, đặc biệt là những chuyển biến tích cực trên thị trường bất động sản, từ đó giúp các ngân hàng cải thiện được lãi suất đầu ra.
Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, 2024 vẫn tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng về chất lượng tài sản. Mặc dù vậy, tình hình chung sẽ có sự cải thiện so với năm 2023, phần lớn là nhờ vào chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với 2023 và lợi nhuận trước dự phòng (PPOP) có sự cải thiện giúp các ngân hàng có dư địa để tạo một bộ đệm dự phòng tốt hơn.