SCIC dự kiến bán cổ phần tại Vinamilk trong tháng 12
Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa cho biết, SCIC sẽ bán trước 9% cổ phiếu của Tổng công ty sữa Việt Nam (Vinamilk – mã: VNM), thời gian dự kiến có thể kết thúc khâu chuẩn bị cuối tháng 11 và tháng 12 sẽ bán phần còn lại của VNM.
Tại “Hội nghị về thoái vốn Nhà nước và Đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán”, tổ chức ở Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) chiều ngày 25/10, ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết, trong tiến trình bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ, SCIC cũng phối hợp chặt chẽ với 2 Sở để thực hiện quy trình công khai, minh bạch và hiệu quả.
Theo ông Hiển trong quá trình thoái vốn thì SCIC vừa làm vừa tháo gỡ bởi vì trong quá trình làm xuất hiện những trường hợp khác nhau. Mới gần đây nhất SCIC đã được Bộ tài chính thông qua cơ chế cho phép bán vượt biên độ cổ phiếu niêm yết.
Tính thời điểm hiện nay, SCIC tiếp nhận 999 doanh nghiệp, bán được 928 doanh nghiệp, tương đương 90% tổng số lượng chào bán. Giá vốn 6.000 tỷ thu về hơn 14,000 tỷ, gấp 2,5 lần. Trong năm 2016, SCIC có hơn 100 doanh nghiệp cần bán. Trong đó, đã có 54 doanh nghiệp đã bán được sau 9 tháng, đạt 2,3 lần giá vốn.
Theo ông Hiển, điểm quan trọng giúp cho công tác bán vốn của SCIC mang lại hiệu quả cao là việc nghiên cứu kỹ thị trường và doanh nghiệp để xác định giá khởi điểm hợp lý, lựa chọn thời điểm bán phù hợp, xây dựng và duy trì mạng lưới các nhà đầu tư quan tâm, tổ chức bán công khai minh bạch.
Dù vậy, vấn đề bán cổ phần của SCIC không phải toàn bộ được suôn sẽ. Ông Hiển cho biết tốc độ bán vốn đang chậm lại do số lượng doanh nghiệp còn lại không còn nhiều, mặt khác số còn lại là những doanh nghiệp khó bán, bán 2, 3 lần chưa bán được. Những doanh doanh nghiệp tốt thì hầu như đã bán hết rồi.
Thực tế những trường hợp gần đây của SCIC không thành công do giá bán cao hơn so với giá giao dịch trên thị trường của cổ phiếu đó, nên khi đưa ra thị trường thì không bán được, giá trị doanh nghiệp ghi trên sổ sách thì cao nhưng hiệu quả hoạt động kém do tài sản đã không còn mang lại hiệu quả hoạt động kinh doanh. Thời gian càng kéo dài thì doanh nghiệp càng khó cơ cấu lại hoạt động và tìm đối tác chiến lược mới.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp được nhìn nhận là có giá trị doanh nghiệp cao hơn nhiều so với giá giao dịch trong thị trường cần phải tính toán phương thức thoái vốn làm sao để mang lại giá trị cao nhất cho doanh nghiệp.
Về trường hợp của Vinamilk, trước hết SCIC sẽ bán 9% cổ phiếu. Thời gian dự kiến có thể kết thúc khâu chuẩn bị cuối tháng 11và tháng 12 sẽ bán phần còn lại của VNM. Ông Hiển cho biết hiện có rất nhiều nhà đầu tư từ trong và ngoài nước quan tâm rất đến không chỉ VNM và một số doanh nghiệp khác trong số 10 doanh nghiệp lớn SCIC đang nắm giữ.
Mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã đưa ra ý kiến của mình về phương án bán gói 9% vốn của SCIC. Theo VAFI, cách thoái vốn theo từng gói 9% sẽ loại bỏ nhiều nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược tham gia đấu giá làm hạn chế sức cầu, hạn chế sự cạnh tranh trong việc đấu giá, từ đó giá bán VNM sẽ rất thấp.
VAFI cho rằng chọn phương án thoái vốn một lần tại doanh nghiệp nhà nước sẽ có lợi hơn so với cách làm của SCIC hiện tại. Riêng tại Vinamilk, nhà nước có thể sẽ thu được ít hơn so với phương án bán ngay 1 lần là 1 tỷ USD.