Sẽ bị phạt tới 200 triệu đồng, nếu không giám sát đặc biệt đối với các giao dịch có giá trị lớn bất thường

PV (t/h)

Tạp chí Tài chính vừa tiếp nhận phản ánh của độc giả liên quan đến vấn đề ban hành Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền của các tổ chức tín dụng, trong đó bạn đọc thắc mắc: Cơ quan Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành Thanh tra Ngân hàng X và phát hiện Ngân hàng X tuy có ban hành Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền nhưng thiếu nội dung về cách thức giao tiếp với khách hàng thực hiện giao dịch đáng ngờ. Đối với trường hợp này, độc giả băn khoăn: Ngân hàng X sẽ bị xử lý như thế nào? Mức phạt vi phạm hành chính là bao nhiêu?Hoặc trong quá trình hoạt động, nếu Ngân hàng X không kịp thời báo cáo các giao dịch đáng ngờ cho cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Trên cơ sở phối hợp, tham khảo tư vấn của các chuyên gia pháp luật trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền, Tòa soạn gửi tới bạn đọc câu trả lời cụ thể như sau:

Theo quy định tại Điều 20 Luật Phòng chống rửa tiền 2012 thì Ngân hàng X phải ban hành Quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền có đầy đủ các nội dung như: Chính sách chấp nhận khách hàng; Quy trình, thủ tục nhận biết khách hàng, xác minh và cập nhật thông tin khách hàng; Giao dịch phải báo cáo; Quy trình rà soát, phát hiện, xử lý và báo cáo giao dịch đáng ngờ; Cách thức giao tiếp với khách hàng thực hiện giao dịch đáng ngờ; Lưu giữ và bảo mật thông tin; Áp dụng biện pháp tạm thời, nguyên tắc xử lý trong các trường hợp trì hoãn thực hiện giao dịch; Chế độ báo cáo, cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền; Kiểm soát và kiểm toán nội bộ việc tuân thủ các chính sách, quy định, quy trình và thủ tục liên quan đến hoạt động phòng chống rửa tiền; Trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền.

Ngân hàng X tuy đã ban hành Quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền nhưng thiếu một trong các nội dung trên sẽ bị coi là có hành vi vi phạm quy định về ban hành Quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền. Theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, thì Ngân hàng X có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính từ 40 – 80 triệu đồng.

Còn nếu trong quá trình hoạt động, Ngân hàng X không kịp thời báo cáo các giao dịch đáng ngờ cho cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Điều 44 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về báo cáo giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử, báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố như sau:

- Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo đúng thời hạn quy định tại Điều 26 Luật Phòng chống rửa tiền.

- Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như:  Không báo cáo các giao dịch có giá trị lớn; Không báo cáo các giao dịch đáng ngờ; Không báo cáo các giao dịch chuyển tiền điện tử.

- Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố quy định tại Điều 30 Luật Phòng chống rửa tiền.

- Phạt tiền từ 150 – 200 triệu đồng đối với hành vi không giám sát đặc biệt đối với các giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp; giao dịch với tổ chức, cá nhân tại quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách do Lực lượng đặc nhiệm tài chính công bố nhằm chống rửa tiền hoặc danh sách cảnh báo theo quy định tại Điều 16 Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012.