Sẽ phối hợp sửa quy định về lệ phí cho các phương tiện thủy nội địa nếu cần thiết

PV.

Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải sửa đổi quy định liên quan đến lệ phí đăng ký và chi phí kiểm định lần đầu cho các phương tiện thủy nội địa trong trường hợp cần thiết.

Cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét miễn lệ phí đăng ký và chi phí kiểm định lần đầu cho các phương tiện thủy gia dụng loại nhỏ.
Cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét miễn lệ phí đăng ký và chi phí kiểm định lần đầu cho các phương tiện thủy gia dụng loại nhỏ.

Gửi kiến nghị tới Bộ Tài chính, cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét miễn lệ phí đăng ký và chi phí kiểm định lần đầu cho các phương tiện thủy gia dụng loại nhỏ (phương tiện có động cơ công suất máy chính từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người) đang hoạt động tại các sông, suối, lòng hồ thủy điện không sử dụng để kinh doanh dịch vụ vận tải

Trả lời cử tri, Bộ Tài chính cho biết, về lệ phí, tại Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí quy định lệ phí đăng ký phương tiện thủy nội địa và lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy, thiết bị, phương tiện thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

Căn cứ quy định này, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 198/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực đường thủy nội địa và đường sắt và Thông tư số 199/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn.

Tại khoản 1, Điều 10 Luật Phí và lệ phí quy định các đối tượng thuộc diện miễn, giảm phí, lệ phí bao gồm trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không phải tất cả các đối tượng này đều sử dụng các dịch vụ thu phí, lệ phí nên tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 10 Luật Phí và lệ phí giao các cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải không đề xuất miễn lệ phí đối với các trường hợp như cử tri tỉnh Thanh Hóa phản ánh. Mặt khác, khi Bộ Tài chính xây dựng để ban hành hai thông tư nêu trên đã xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương thì Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng không có ý kiến tham gia nên tại Thông tư số 198/2016/TT-BTC và Thông tư số 199/2016/TT-BTC không quy định miễn lệ phí đối với các trường hợp này.

Vì vậy, căn cứ quy định tại Điều 20 Luật Phí và lệ phí nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải, để Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 198/2016/TT-BTC và Thông tư số 199/2016/TT-BTC.

Đối với nội dung liên quan tới giá dịch vụ (chi phí) kiểm định, Luật Giao thông đường thủy nội địa quy định: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định và tổ chức thực hiện thống nhất việc đăng kiểm phương tiện trong phạm vi cả nước trừ phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tàu cá (Điều 26) và Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa (khoản 2 Điều 99).

Cùng với đó, Luật Giá và các văn bản hướng dẫn quy định: Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải trên cơ sở kết quả thẩm định và đề xuất của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, hiện nay giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng phương tiện thủy nội địa thực hiện theo quy định tại Thông tư số 237/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng phương tiện thủy nội địa.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa đề xuất Bộ Giao thông vận tải đối với nội dung về trợ giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng phương tiện. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách trong trường hợp cần thiết.