Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán

Theo Phùng Nguyên/baokiemtoannhanuoc.vn

Tổng Kiểm toán nhà nước đã có Công điện số 1138/CĐ-KTNN ngày 11/9/2019 gửi Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán thông qua việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện công vụ.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

Công điện nêu rõ: Thực hiện Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2019, đến ngày 9/9/2019 toàn ngành KTNN đã hoàn thành 146/213 cuộc kiểm toán đảm bảo mục tiêu, tiến độ đề ra, chấp hành tốt Luật KTNN, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước.

Để tiếp tục hoàn thành tốt toàn diện KHKT năm 2019, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thực hiện các nội dung sau: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý, lãnh đạo đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành. Trong đó, tiếp tục tổ chức học tập và quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/01/2016 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, đạo đúc, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của BCH Trung ương Đảng về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng KTNN nếu để xảy ra vi phạm thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý. Nếu công chức, viên chức và người lao động vi phạm bị xử lý kỷ luật thì tùy tính chất và mức độ của hành vi vi phạm của công chức, viên chức và người lao động, Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm liên đới (điều chuyển, miễn nhiệm, giáng chức, cách chức, cảnh cáo, khiển trách, phê bình).

Công điện cũng yêu cầu cán bộ, công chức, kiểm toán viên phải tuân thủ đầy đủ các quy định về Chuẩn mực Đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước; giữ gìn tác phong, đạo đức công vụ; giữ gìn uy tín, hình ảnh và nguyên tắc độc lập, khách quan và liêm chính của Kiểm toán viên nhà nước.

Thủ trưởng các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải chủ động báo cáo kịp thời hoạt động của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán và Kiểm toán viên đang trong quá trình thục hiện kiểm toán, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của KTNN và chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, như:

Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên không kịp thời báo cáo về các hành vi, dấu hiệu tham nhũng phát hiện qua kiểm toán để chuyển cơ quan điều tra theo quy định; Vi phạm Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn kiểm toán, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, đưa, nhận, môi giới hối lộ dưới mọi hình thức; Kiểm toán ngoài phạm vi theo kế hoạch đã được phê duyệt; báo cáo sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán và vi phạm các quy định khác về thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn kiểm toán; Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán, tiết lộ kết quả kiểm toán khi báo cáo kiểm toán chưa dược phát hành.

Công điện cũng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các công điện, chỉ thị và chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước trong mọi hoạt động của đơn vị, nhất là hoạt động kiểm toán.

Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Lãnh đạo các đơn vị được kiểm toán, các ban, bộ, ngành và địa phương giám sát hoạt động của Đoàn kiểm toán, các Kiểm toán viên trong suốt quá trình kiểm toán tại đơn vị. Nếu phát hiện có dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật hoặc có dư luận về tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán… thì đề nghị Lãnh đạo đơn vị được kiểm toán, Lãnh đạo các ban, bộ, ngành và địa phương thông báo ngay Tổng Kiểm toán nhà nước để có biện pháp xử lý kịp thời, đúng quy định.