Số hóa doanh nghiệp để bứt phá
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay với xu hướng “số hóa” mọi lĩnh vực, các doanh nghiệp (DN) không thể ngồi yên mà cần phải hòa mình vào dòng chảy đó để bứt phá.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã bước đầu tiếp cận dòng chảy số hóa của cuộc cách mạng 4.0. Song, để có thể trở thành đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế – xã hội thì số hóa DN cần thêm cú hích từ chính sách.
Nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp
Kể câu chuyện ứng dụng công nghệ của DN mình, ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hải Âu, cho rằng áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất chính là yếu tố sống còn của DN.
“Dù số tiền đầu tư cho công nghệ không hề nhỏ, nhưng chúng tôi vẫn mạnh dạn ứng dụng các dây chuyền công nghệ hiện đại của Italia, cũng như nhập khẩu nhiều linh kiện theo tiêu chuẩn châu Âu để sản xuất ra các sản phẩm. Vì vậy, giá thành một số sản phẩm như máy làm kem, máy làm đá, máy đun nước nóng… do Hải Âu sản xuất có cao hơn so với các thương hiệu khác, nhưng sản phẩm vẫn có tính cạnh tranh cao, bởi người sử dụng có thể thu được nhiều lợi ích kinh tế lâu dài”, ông Quân chia sẻ.
Khẳng định công nghệ, số hóa là “xương máu” của DN, kỹ sư Nguyễn Tiến Khoa, Trưởng phòng Kỹ thuật, CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, cho biết: “Có những dây chuyền sản xuất nếu không trang bị hệ thống điều khiển tự động thì không thể hoạt động được hoặc không mang lại lợi nhuận. Công nghệ tự động hóa còn thực hiện những công việc mà con người không thể thực hiện”.
Đánh giá về tình hình số hóa của DN, ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng các DN đều ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu của Chính phủ trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0, phát triển của internet và nền kinh tế số tại Việt Nam, đồng thời đảm bảo an ninh dữ liệu và bảo vệ người sử dụng internet.
“Việt Nam đã tiếp cận đúng hướng, qua đó có thể thu hút đầu tư nhiều hơn, cũng như mở đường cho DN khởi nghiệp. Thời gian qua, từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đến các DN lớn đã bắt nhịp với sự chuyển đổi của kinh tế số”, ông Ousmane Dione nhận xét.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, nhận định: “Nhu cầu sử dụng các thiết bị, máy móc hiện đại, tiên tiến của người dân ngày càng tăng, đó chính là cơ sở thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số. Chính bởi vậy, các DN cần chớp thời cơ mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số đang đưa đến để có thể tận dụng và tạo đà bứt phá, hướng đến sự phát triển bền vững”.
Cần cú hích về chính sách
Báo cáo của e-Conomy SEA 2018 do Google và Temasek thực hiện cho thấy nền kinh tế số của Việt Nam đạt mức 9 tỷ USD trong năm 2018. Xét về quy mô, Việt Nam đang xếp thứ ba trong khu vực ASEAN, sau Indonesia và Thái Lan.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù đứng thứ ba nhưng Việt Nam sẽ phải cố gắng rất nhiều mới có thể đuổi kịp Indonesia, khi nước này đang bỏ xa về quy mô (gấp 3 lần) lẫn tốc độ tăng trưởng kinh tế số.
Hiện nay, số lượng DN nhỏ và vừa ở Việt Nam chiếm khoảng 98%, trong đó tỷ lệ DN ứng dụng công nghệ vào sản xuất rất thấp. Theo các chuyên gia, để thúc đẩy việc áp dụng công nghệ ở bộ phận DN vừa và nhỏ cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ và các DN lớn.
TS. Brian Hull, Tổng Giám đốc ABB Việt Nam, cho rằng: “Khi công nghệ mới xuất hiện, những DN này sẽ khó có đủ tiềm lực để tìm hiểu và triển khai. Nên Chính phủ hay những DN lớn cần xây dựng những cơ chế tư vấn, hỗ trợ để giúp các DN nhỏ tìm hiểu, đưa ra những lời khuyên miễn phí để công nghệ đi vào sản xuất”.
Ông Brian Hull đưa ra giải pháp: Việt Nam nên tổ chức những cuộc thi hàng năm để tìm ra những nhà sản xuất tốt nhất, công nghệ, nhân lực giỏi nhất. Đây là cách để mọi người hiểu rằng công nghệ số đang hiện diện, những kỹ sư trẻ có cơ hội tốt để nâng cao kinh nghiệm trong sản xuất.
Bên cạnh đó, yếu tố về nhân lực cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia nhắc đến như một tiền đề cho sự phát triển. “Những nhà máy thông minh cũng không thể tự vận hành, chúng ta cần những kỹ sư. Vậy nguồn lực này đến từ đâu? Tôi nghĩ việc phát triển cơ sở nhân lực cũng là điều quan trọng. Nguồn nhân lực đảm bảo sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế số”, một chuyên gia nhận xét.
Trong khi đó, ông Ousmane Dione nhấn mạnh đến câu chuyện chính sách. “Cách mạng 4.0 tác động đáng kể làm chuyển dịch nền kinh tế số trên toàn cầu. Với Việt Nam, nếu điều chỉnh chính sách phù hợp sẽ giúp tăng cường tác động của kinh tế số tới sự phát triển kinh tế, tạo ra nhiều việc làm và nâng cao chất lượng tăng trưởng”, ông Ousmane Dione nói.
Các chuyên gia cho rằng Chính phủ có thể dẫn dắt, làm gương trong hoạt động này. Những sáng kiến, dự án lớn được đưa ra cần đảm bảo Chính phủ sử dụng những công nghệ, những hạ tầng hiện đại nhất.