So sánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa
Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước được xem là giải pháp tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp này, đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập với kinh tế thế giới. Từ việc nghiên cứu xu hướng tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước trên thế giới, bài viết phân tích tác động của cổ phần hóa đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, từ đó đi đến khẳng định, cổ phần hóa giúp tăng khả năng sinh lời của các doanh nghiệp nhà nước, doanh thu và lợi nhuận cũng cao hơn.
Các nghiên cứu về xu hướng tư nhân hóa trên thế giới
Các nghiên cứu về cổ phần hóa cho thấy, việc chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thành DN tư nhân, DN cổ phần (tức việc chuyển đổi từ DN thuộc sở hữu nhà nước sang loại hình DN thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân hoặc thuộc sở hữu tư nhân) đem lại nhiều lợi ích cho DN. Có nhiều nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới cho thấy hiệu quả hoạt động của DN tăng lên sau khi tư nhân hóa (La Porta và ctg, 1999; Claessens và Djankov, 1999a,b; Vining và Boardman, 1992; Dewenter và Malatesta, 2001 và Tian, 2000)...
Phương pháp phân tích so sánh hiệu quả hoạt động của các DNNN trước và sau được đề cập và áp dụng nhiều cho đến hiện nay được thực hiện đầu tiên bởi Megginson và ctg (1994). Các tác giả sử dụng thông tin kế toán trên các báo cáo tài chính của 61 DN ở 18 quốc gia thuộc 32 ngành khác nhau được tư nhân hóa trong giai đoạn 1961-1990 và thực hiện so sánh tình hình tài chính trước (năm t-3 đến năm t-1) và sau khi tư nhân hóa (năm t+1 đến năm t+3). Kết quả cho thấy, tỷ suất lợi nhuận, năng suất lao động (doanh thu trên mỗi lao động), doanh thu, vốn đầu tư và đòn bẩy tài chính của các DN đã được cải thiện đáng kể sau tư nhân hóa.
Sử dụng phương pháp tương tự, nghiên cứu của La Porta và ctg (1999) cho thấy lợi nhuận hoạt động, sản lượng của các DN ở Mexico đều gia tăng cũng như giảm đáng kể số lao động giữa DN đã cổ phần hóa và trước cổ phần hóa. Nghiên cứu của Harper (2002) trên 101 DN được tư nhân hóa ở Cộng hòa Séc cho thấy khả năng sinh lời, hiệu quả hoạt động của DN tăng lên và số lượng lao động giảm xuống.
Wei và ctg (2003) đã phân tích hiệu quả hoạt động của 208 DN được tư nhân hóa tại Trung Quốc trong giai đoạn 1990-1997, kết quả cho thấy tỷ suất sinh lời, hiệu quả hoạt động, đầu ra và chi trả cổ tức của các DN tăng. Trong khi đó, chi đầu tư không đổi và đòn bẩy tài chính có khuynh hướng giảm xuống.
Phương pháp, dữ liệu và kết quả nghiên cứu
Bài nghiên cứu sử dụng phương pháp MNR (Megginson và ctg, 1994) để đánh giá hiệu quả của các DN cổ phần hóa trước và sau khi cổ phần hóa. Các chỉ số sau được dùng để đo hiệu quả tài chính và hiệu quả hoạt động của các DN cổ phần hóa gồm:
- Khả năng sinh lời (profitability):
ROS (return on sales): Tỷ số lợi nhuận trên doanh thu = Lợi nhuận ròng/Doanh thu.
ROA (return on assets): Tỷ số lợi nhuận trên tài sản = Lợi nhuận ròng/Tổng tài sản.
ROE (return on equity): Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu = Lợi nhuận ròng/Vốn chủ sở hữu.
- Sản lượng (output):
SAL (Real Sales): Doanh thu điều chỉnh theo lạm phát.
- Đòn bẩy tài chính (leverage):
LEV (Debt to Assets) = Tổng nợ/Tổng tài sản
LEV2 (Long-term Debt to Equity) = Tổng nợ dài hạn/Vốn chủ sở hữu.
- Chi trả cổ tức (payout):
DIVSAL (Dividends to Sales) = Cổ tức tiền mặt/doanh thu.
PAYOUT (Dividend Payout) = Cổ tức tiền mặt/Lợi nhuận ròng
Các chỉ số trên được tính cho các DNNN đã cổ phần hóa trong khoảng thời gian 3 năm trước và 3 năm sau khi cổ phần hóa. Từ 155 DNNN đã cổ phần hóa, niêm yết trên 2 sàn HoSE và HNX, sau khi chọn lọc các DN có dữ liệu 3 năm trước và 3 năm sau cổ phần hóa, bộ dữ liệu thu được bao gồm 33 DN.
Kết quả cho thấy, khả năng sinh lời tăng, có ý nghĩa thống kê, trong cả 1, 2 và 3 năm trước và sau khi cổ phần hóa. Tỷ lệ DN có khả năng sinh lời tăng sau khi cổ phần hóa cũng rất cao, đạt khoảng 80% nếu xét 1 năm trước và sau cổ phần hóa, đạt 75% nếu xét trung bình 2 năm trước và sau cổ phần hóa, khoảng 70% nếu xét trung bình 3 năm trước và sau cổ phần hóa. Điều này cho thấy, cổ phần hóa giúp tăng khả năng sinh lời của các DNNN.
Doanh thu điều chỉnh theo lạm phát tăng, có ý nghĩa thống kê, trong cả 1, 2 và 3 năm trước và sau khi cổ phần hóa. Tỷ lệ DN có doanh thu điều chỉnh theo lạm phát tăng sau khi cổ phần hóa cũng rất cao, đạt khoảng 71% nếu xét 1 năm trước và sau cổ phần hóa, đạt 82% nếu xét trung bình 2 năm trước và sau cổ phần hóa, và khoảng 85% nếu xét trung bình 3 năm trước và sau cổ phần hóa.
Tỷ lệ tổng nợ trên tổng tài sản tăng nhưng không có ý nghĩa thống kê xét trong cả 3 trường hợp 1, 2 và 3 năm trước và sau khi cổ phần hóa. Tỷ lệ DN có tổng nợ trên tổng tài sản tăng chỉ khoảng 55%. Tuy nhiên, nợ dài hạn trên vốn chủ sở hữu tăng, có ý nghĩa thống kê, trong cả trong 1, 2 và 3 năm trước và sau khi cổ phần hóa, đạt khoảng 63% nếu xét 1 năm trước và sau cổ phần hóa, đạt 70% nếu xét trung bình 2 năm trước và sau cổ phần hóa và khoảng 75% nếu xét trung bình 3 năm trước và sau cổ phần hóa.
Đối với tỷ lệ chi trả cổ tức, kết quả cho thấy tỷ lệ chi trả cổ tức tăng, có ý nghĩa thống kê, trong cả trong 1, 2 và 3 năm trước và sau khi cổ phần hóa. Số DN có tỷ lệ trả cổ tức tăng sau khi cổ phần hóa cũng rất cao, đạt khoảng 82% nếu xét 1 năm trước và sau cổ phần hóa, đạt 91% nếu xét trung bình 2 năm trước và sau cổ phần hóa, và khoảng 94% nếu xét trung bình 3 năm trước và sau cổ phần hóa.
Cổ phần hóa - giải pháp tối ưu đổi mới doanh nghiệp nhà nước
Trong những năm qua, DNNN giữ vị trí quan trọng trong kinh tế Nhà nước. Dù đạt được nhiều thành tựu đáng kể, song khu vực DNNN vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, hiệu quả sản xuất kinh doanh không được như kỳ vọng. Vì vậy, việc cổ phần hóa các DNNN được xem là giải pháp tối ưu giúp đổi mới các DNNN tại Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập với kinh tế thế giới.
Kết quả phân tích cho thấy cổ phần hóa giúp tăng khả năng sinh lời của các DNNN do quá trình cổ phần hóa chuyển quyền quản lý DN, sử dụng vốn, dòng tiền từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân (những đối tượng quan tâm hơn đến lợi nhuận và hiệu quả). Thêm vào đó, sản lượng (doanh thu điều chỉnh theo lạm phát sau cổ phần hóa) và tỷ lệ chi trả cổ tức đều tăng và có ý nghĩa thống kê, kết quả này phù hợp với các nghiên cứu trước của MNR (1994), La Porta và ctg. (1999).
Kết quả phân tích cũng cho thấy nợ dài hạn trên vốn chủ sở hữu tăng, điều này có thể lý giải là sau khi cổ phần hóa, các DN có doanh thu, lợi nhuận cao hơn, vì thế sẽ vay nợ nhiều hơn nhằm phục vụ nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất. Những kết quả trong nghiên cứu này bổ sung thêm bằng chứng cho việc cải thiện hiệu quả hoạt động của các DNNN sau cổ phần hóa trên thế giới, đồng thời khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của khối DN này trong nền kinh tế.
Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ đề tài mã số B2015-34-01.
Tài liệu tham khảo:
1. Claessens, S., Djankov, S., 1999a. Enterprise performance and management turnover in the Czech Republic. European Economic Review, 43, 1115–1124;
2. Claessens, S., Djankov, S., 1999b. Ownership concentration and corporate performance in the Czech Republic. Journal of Comparative Economics, 27, 498–513;
3. Dewenter, K., Malatesta, P.H., 2001. State-owned and privately-owned firms: an empirical analysis of profitability, leverage, and labour intensity. American Economic Review, 91, 320–334;
4. Harper, J.T., 2002.The Performance of Privatized Firms in the Czech Republic. Journal of Banking and Finance, 26, pp. 621-649;
5. La Porta, R., & López-de-Silanes, F. (1999). The benefits of privatisation: Evidence from Mexico. Quarterly Journal of Economics, 114(4), 1193-1241;
6. Tian, G.L., 2000. State shareholding and corporate performance: a study of a unique Chinese data set. Working Paper. London Business School;
7. Vining, A.R., Boardman, A.E., 1992. Ownership versus competition: efficiency in public enterprise. Public Choice, 73, 205–239.