Độc lập, khách quan - Giá trị cốt lõi của kiểm toán

Theo daibieunhandan.vn

Khẳng định ngoài trình độ, năng lực chuyên môn đối với mỗi kiểm toán viên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, độc lập, khách quan là giá trị cốt lõi mà kiểm toán phải có, nhằm không bị chi phối, tác động ảnh hưởng đến hoạt động. Muốn vậy, khi tiến hành kiểm toán, kiểm toán viên chỉ tuân theo pháp luật.

Độc lập, khách quan - Giá trị cốt lõi của kiểm toán - Ảnh 1

Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Hồ Đức Phớc.

 

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hoạt động của Kiểm toán Nhà nước thời gian qua?

Ông Hồ Đức Phớc: Kiểm toán là nghề có chuyên môn sâu, với đội ngũ kiểm toán viên được đào tạo chính quy trong và ngoài nước; bởi nhiều ngành nghề khác nhau như luật, tài chính, kế toán, kiểm toán, giao thông, xây dựng, thủy lợi, đất đai, điện, công nghệ thông tin…

Năm vừa qua, với sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng như sự phối hợp của các bộ, ngành; các tỉnh, thành phố, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành, Kiểm toán Nhà nước đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Từ thực tiễn hoạt động, theo ông kiểm toán viên phải có những phẩm chất nào?

Trước hết, ngoài sự trung thực, bản lĩnh và phương pháp làm việc, kiểm toán viên nhà nước phải có phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp tốt. Đây là yêu cầu quan trọng nhất mà Kiểm toán Nhà nước đề cao. Bởi vì đạo đức của kiểm toán viên là một trong những điều kiện quan trọng để bảo đảm uy tín của Kiểm toán Nhà nước.

Bất kỳ vi phạm nào về tư cách đạo đức hay thái độ ứng xử chưa thỏa đáng cũng ảnh hưởng đến tính liêm chính, chất lượng và hiệu lực của hoạt động kiểm toán; ảnh hưởng đến uy tín, năng lực và độ tin cậy của Kiểm toán Nhà nước. Vì vậy, đạo đức nghề nghiệp là yêu cầu bắt buộc đối với kiểm toán viên.

Thứ hai là tính liêm chính, độc lập khách quan. Đây là giá trị cốt lõi mà kiểm toán viên phải có, thể hiện tính gương mẫu, bản lĩnh để không dẫn đến phải nhân nhượng trong kiểm toán.

Đồng thời phải độc lập, khách quan để không bị chi phối, tác động làm ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán. Khi tiến hành kiểm toán, kiểm toán viên chỉ tuân theo pháp luật; các chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán và các quy định khác.

Thứ ba là trình độ, năng lực và kỹ năng chuyên môn. Đây chính là chìa khóa để hoạt động kiểm toán có chất lượng, kết luận đúng đắn. Cùng với chuyên môn sâu theo chuyên ngành, kiểm toán viên phải am hiểu luật pháp, các quy định về kiểm toán, thực hiện thành thạo các phương pháp nghiệp vụ và có khả năng sử dụng phương tiện công nghệ hiện đại. Ngoài ra, kiểm toán viên phải có kỹ năng giao tiếp, có hiểu biết xã hội và văn hóa ứng xử để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ tư là kiểm toán viên phải thận trọng và bảo mật tốt thông tin. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, kiểm toán viên phải giữ bí mật về tài liệu, số liệu; thái độ, tác phong thận trọng, kỹ lưỡng để công việc đạt hiệu quả cao.

Để đáp ứng sự kỳ vọng của Quốc hội và nhân dân, thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước và cá nhân ông có những biện pháp, kế hoạch gì để nâng cao vai trò và chất lượng kiểm toán, thưa ông?

Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, từ đó nâng cao vai trò, vị thế của Kiểm toán Nhà nước.

Cụ thể, trong năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 276 cuộc kiểm toán và đã xử lý tài chính 38.776 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách 11.365 tỷ đồng; giảm chi 16.174 tỷ đồng.

Ngoài ra, được Thủ tướng giao, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán giá trị doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa xác định tăng thêm phần vốn nhà nước là 20.818 tỷ đồng; kiểm toán 27 dự án BOT giao thông, qua đó kiến nghị giảm thời gian thu phí là 107,4 năm.

Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 150 văn bản của cơ quan quản lý nhà nước nhằm tránh kẽ hở dẫn đến thất thoát tiền, tài sản công, trong đó có 4 nghị định, 20 thông tư, 9 nghị quyết, 28 quyết định và 89 văn bản.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đã ban hành Chỉ thị 873 và Chỉ thị 769 về nâng cao kỷ luật, kỷ cương và chất  lượng kiểm toán; phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán. Kết quả kiểm toán đã nói lên hiệu quả của việc thực hiện các giải pháp đồng bộ này.

Vai trò của Kiểm toán Nhà nước ngày càng được khẳng định. Vậy để hoàn thành tốt trọng trách của mình, thời gian tới, những giải pháp nào sẽ được triển khai thực hiện, thưa ông?

Kiểm toán Nhà nước luôn luôn nỗ lực hết sức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao.

Kiểm toán Nhà nước đang tích cực đổi mới, tăng cường thu hút, tuyển chọn, đào tạo đội ngũ kiểm toán viên “vừa hồng vừa chuyên”; cải tiến phương pháp, quy trình, áp dụng công nghệ thông tin trong kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện loại hình kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá hiệu quả, hiệu lực đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đặc biệt là các chương trình, dự án lớn, trọng điểm.

Đối với các lĩnh vực mới, Kiểm toán Nhà nước sẽ đẩy mạnh kiểm toán thuộc lĩnh vực quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, đất đai, môi trường, công nghệ thông tin, thu ngân sách và các lĩnh vực khác.

Xin cảm ơn ông!