Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp: Những sai phạm và hình thức xử lý
Thực tế cho thấy, có nhiều dạng sai phạm về hóa đơn bất hợp pháp cũng như sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (lỗi vô tình hoặc lỗi cố ý). Bài viết trao đổi về sử dụng hóa đơn tài chính bất hợp pháp cũng như một số sai phạm hình sự trong việc sử dụng hóa đơn tài chính, qua đó giúp cho kế toán nói riêng và các bộ phận khác của doanh nghiệp nói chung hiểu rõ hơn hai vấn đề này để tránh sai sót khi sử dụng hoặc tiếp nhận hóa đơn tài chính.
Các hình thức sai phạm về hóa đơn tài chính
Khi nhận hóa đơn tài chính (hóa đơn GTGT, hóa đơn bán hàng thông thường) từ bên bán, rất nhiều kế toán và cán bộ thuộc các phòng ban khác nhau của doanh nghiệp (DN) thường đối mặt với nhiều lo lắng. Sở dĩ có điều này là bởi người nhận chưa hiểu rõ ràng về hóa đơn tài chính, mặt khác hiện nay trên thị trường vẫn còn nhiều hóa đơn bất hợp pháp của DN ma. Hậu quả pháp lý khi DN sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là DN bị xử phạt về hóa đơn, bị loại thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ và bị loại chi phí (không được quyết toán vào chi phí được trừ trong năm tài chính có hóa đơn sai). Bên cạnh đó, còn có những sai phạm trong việc sử dụng hóa đơn tài chính tại DN, song người sử dụng hóa đơn tài chính lại chưa lường trước được hậu quả và chỉ đến khi bị pháp luật kết tội hình sự thì đã quá muộn…
Theo khoản 1 điều 23 Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc lập khống hóa đơn, cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn theo mẫu hướng dẫn tại Thông tư này); cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, kê khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc, lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác.
Thực tế cho thấy, có nhiều dạng sai phạm về hóa đơn bất hợp pháp cũng như sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (lỗi vô tình hoặc lỗi cố ý):
Thứ nhất, các dạng sai phạm về việc sử dụng hóa đơn tài chính bất hợp pháp theo quy định pháp luật năm 2015:
- Hóa đơn đầu vào giả là hóa đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của các DN, hộ cá thể kinh doanh;
- Hóa đơn đầu vào được in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn;
- Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng là hóa đơn đã được tạo theo quy định của pháp luật nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành;
- Hóa đơn hết giá trị sử dụng là hóa đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân nhận phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa;
- Hóa đơn đầu vào của bên bán bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp;
- Hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (đóng mã số thuế).
Thứ hai, các dạng sai phạm về việc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn tài chính 2015:
- Hóa đơn đầu vào có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ;
- Hóa đơn đầu vào được sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán ra, để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra để gian lận thuế, để bán hàng hóa nhưng không kê khai nộp thuế;
- Hóa đơn đầu vào để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ;
- Hóa đơn đầu vào có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn;
- Hóa đơn đầu vào mua hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (phần mềm tra soát hóa đơn của cơ quan thuế thông báo về DN hay biên bản kết luận của cơ quan thuế).
Từ năm 2015, khi DN vi phạm các dạng sai phạm hóa đơn bất hợp pháp nêu trên đều bị xử phạt. Cụ thể, theo khoản 2 điều 12 Thông tư số 10/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, xử phạt từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một hành vi liên quan đến vi phạm chế độ quản lý và sử dụng hóa đơn tài chính 2015. Bên cạnh đó, theo khoản 10 điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC (khoản 9 điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC) và theo Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 16/11/2013 của Bộ Tài chính thì mức xử phạt về vi phạm chính sách thuế GTGT năm 2015 như sau: Tính tiền chậm nộp: 0,05%/mỗi ngày tính trên số tiền chậm nộp đối với hành vi chậm nộp tiền thuế, tiền phạt; Phạt 20% số tiền thuế thiếu đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn; Phạt từ 1 đến 3 lần số thuế trốn đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
Xử phạt hình sự đối với việc quản lý hóa đơn tài chính
Trong Bộ luật Hình sự hiện hành, quy định về sai phạm hình sự đối với việc quản lý hóa đơn tài chính, nếu DN mắc sai phạm về hình sự trong việc sử dụng (thanh quyết toán) hóa đơn tài chính thì Nhà quản lý (ban giám đốc) và những người có liên quan trong DN như phòng kế toán, phòng kinh doanh, phòng đầu tư… đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sai phạm hình sự trong việc sử dụng (thanh quyết toán) hóa đơn tài chính là các sai phạm mang tính cố ý làm sai (cố tình mua bán hóa đơn, gửi giá, lập hóa đơn khống, lập các hóa đơn, chứng từ giả để thanh quyết toán…). Việc quản lý hóa đơn tài chính bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì hành vi đó phải có đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm hình sự (khách thể, mặt khách quan, chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm). Như vậy, theo quy định của Bộ Luật Hình sự thì hành vi của một cá nhân hay một nhóm cá nhân sử dụng hóa đơn để thanh quyết toán đã gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự phải bao gồm 4 yếu tố cấu thành tội phạm như trên thì khi đó cá nhân hay nhóm cá nhân đó mới bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử.
Thông thường, các dạng sai phạm hình sự điển hình về quản lý (thanh quyết toán) hóa đơn tài chính mà các DN có thể gặp phải:
Thứ nhất, sai phạm trong việc quản lý hóa đơn dẫn đến truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội in, phát hành, mua bán hóa đơn trái phép”. Cụ thể, theo khoản 1 điều 164 a Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2009 thì xử phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, theo khoản 2,3 Điều 164 a Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2009 thì xử phạt tù từ 01 năm đến 5 năm tù giam.
Thứ hai, sai phạm trong việc quản lý hóa đơn dẫn đến truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội bảo quản, quản lý hóa đơn chứng từ”. Cụ thể, theo khoản 1 điều 164 b Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2009 thì xử phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, theo khoản 1,2,3 Điều 164 b Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2009 thì xử phạt tù từ 03 tháng đến 5 năm tù giam.
Thứ ba, sai phạm trong việc quản lý hóa đơn dẫn đến truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội trốn thuế”. Cụ thể, theo khoản 1 điều 161 Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2009 thì xử phạt từ 1 đến 5 lần số tiền thuế trốn. Theo khoản 1,2,3,4 điều 161 Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2009 thì xử phạt tù từ cải tạo không giam giữ đến 7 năm tù giam.
Thứ tư, sai phạm trong việc quản lý hóa đơn dẫn đến truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cố ý làm trái các qui định quản lý kinh tế nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”. Cụ thể, theo khoản 4 điều 165 Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2009 thì người phạm tội bị tịch thu toàn bộ hay một phần tài sản. Ngoài ra, theo khoản 1,2,3 điều 165 Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2009 thì xử phạt tù từ 01 năm đến 20 năm tù giam.
Thứ năm, sai phạm trong việc quản lý hóa đơn dẫn đến truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội tham ô tài sản”. Theo khoản 5 điều 278 Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2009 thì xử phạt từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tịch thu toàn bộ hay 1 phần tài sản phạm tội mà có. Ngoài ra, theo khoản 1,2,3 điều 278 Bộ Luật Hình sự sửa ðổi bổ sung 2009 thì xử phạt tù từ 2 năm tù giam đến chung thân hoặc tử hình.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Hình sự năm 2009/QH của Quốc hội;
2. Nghị định 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ;
3.Thông tư số 39/2014/TT – BTC, Thông tư số 78/2014/TT-BTC, Thông tư số 119/2014/TT-BTC, Thông tư số 10/2014/TT-BTC, Thông tư số 96/2015/TT-BTC, Thông tư số 26/2015/TT-BTC .