Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả máy móc, thiết bị mua sắm từ vốn NSNN
Tình trạng mua sắm, quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải điểu chỉnh, tăng cường giám sát và nghiên cứu, xây dựng các chính sách chế độ để đưa công tác này vào nề nếp, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước
Thực trạng sử dụng máy móc, thiết bị mua sắm từ nguồn vốn của Nhà nước
Lâu nay Nhà nước đã ban hành rất nhiều quy định để các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập chấp hành khi thực hiện trang bị và sử dụng tài sản mua sắm bằng nguồn vốn NSNN, tuy nhiên, hiện tượng sử dụng sai mục đích, sử dụng lãng phí… vẫn còn rất nhiều tồn tại.
Vẫn có nhiều cơ quan đơn vị đã dùng tài sản của Nhà nước trang bị để bán, trao đổi, tặng cho, cho mượn, cầm cố, thế chấp hoặc điều chuyển từ nơi nọ sang nơi kia chưa đứng mục đích….
Nhiều bộ, ngành trang bị cho thủ trưởng, lãnh đạo các cấp vượt mức quy định, sai mục đích và gần như chưa xây dựng tiêu chuẩn định mức mua sắm phù hợp và chưa thực hiện nghiêm việc trang bị theo định mức, tiêu chuẩn đề ra (báo của Kiểm toán nhà nước).
Nhiều cơ quan, đơn vị chưa coi trọng việc quản lý nguồn vốn cũng như hiện vật tài sản máy móc, thiết bị, chưa theo dõi, phản ánh vào sổ kế toán và báo cáo quyết toán; Còn để tài sản máy móc, thiết bị hư hại, khấu hao quá lâu…
Nhiều nơi, chưa có tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng các loại máy móc, thiết bị sát với thực tế. Có nơi, chỉ thực hiện theo đúng tiêu chuẩn định mức quy định của Nhà nước nhưng chưa quan tâm tính toán hiệu quả sử dụng.
Tình trạng trang bị máy móc, thiết bị nơi dư thừa, nơi thiếu, đặc biệt ở các cùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn thì việc trang thiết bị càng yếu kém.
Thất thoát NSNN do công tác mua sắm, quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị lãng phí... tính đến hàng trăm triệu mỗi năm.
Trước thực trạng này, Nhà nước đã ban hành rất nhiều các văn bản để quản lý, điều hành như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước số 09/2008/QH12 của Quốc hội; Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành; Các bộ, ngành cũng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành... Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 58/2015/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.
Một số nội dung cụ thể của Quyết định 58/2015/QĐ-TTg
Nghiêm cấm việc sử dụng thiết bị vào việc riêng
Quyết định quy định, máy móc, thiết bị văn phòng của cơ quan, tổ chức, đơn vị được trang bị, bố trí sử dụng theo đúng tiêu chuẩn, định mức và các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Trường hợp một cán bộ giữ nhiều chức danh thì được áp dụng định mức trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến theo chức danh cao nhất. Khi người tiền nhiệm nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác mà các máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến đã trang bị chưa đủ điều kiện thay thế theo quy định thì người mới được bổ nhiệm tiếp tục sử dụng máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến đã trang bị cho người tiền nhiệm, không trang bị mới.
Máy móc, thiết bị được thay thế theo yêu cầu công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị khi đã sử dụng vượt quá thời gian theo chế độ quy định hoặc bị hư hỏng không thể tiếp tục sử dụng và được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; trường hợp không có nguồn máy móc, thiết bị để điều chuyển thì cơ quan, tổ chức, đơn vị được mua mới theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định tại Quyết định này.
Nghiêm cấm việc sử dụng máy móc, thiết bị vào việc riêng; bán, trao đổi, tặng cho, cho mượn, cầm cố, thế chấp hoặc điều chuyển cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Tiêu chuẩn, định mức trang bị máy móc, thiết bị cụ thể cho các đối tượng
Tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến cho chức danh và phòng làm việc của chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số lương từ 10,4 trở lênthì mức giá mua trang thiết bị trong phòng làm việc tối đa 179,5 triệu đồng
Tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến cho chức danh và phòng làm việc của chức danh Trưởng Ban của Đảng ở Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng các đoàn thể ở Trung ương, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số lương từ 9,7 đến dưới 10,4 thì mức giá mua trang thiết bị trong phòng làm việc tối đa 151,5 triệu đồng.
Tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến cho chức danh và phòng làm việc của chức danh Phó Trưởng Ban của Đảng ở Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Thứ trưởng, Phó các đoàn thể Trung ương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Cục trưởng, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên thì mức giá mua trang thiết bị trong phòng làm việc tối đa là 114,5 triệu đồng.
Tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến cho chức danh và phòng làm việc của chức danh Phó Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,00 đến dưới 1,25 thì mức giá mua trang thiết bị trong phòng làm việc tối đa là 71,5 triệu đồng.
Tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến cho chức danh và phòng làm việc của chức danh Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 đến dưới 1 thì mức giá mua trang thiết bị trong phòng làm việc tối đa là 66,5 triệu đồng…
Tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến của cán bộ, công chức và phòng làm việc của cơ quan, tổ chức, tổ chức thuộc Trung ương được quy định như sau: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,2 đến 0,6 và cán bộ, công chức, viên chức khác thì mức giá trang thiết bị trong phòng làm việc tối đa 23,3 triệu đồng.
Tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến của Ủy viên thường vụ chuyên trách đảng ủy khối, Ủy viên chuyên trách Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, Trưởng Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, Trưởng phòng của Sở, cơ quan chuyên môn thuộc Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các chức danh tương và các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7; cán bộ, công chức, viên chức khác cấp tỉnh; Trưởng Ban Đảng, Phó Trưởng Ban Đảng, Chủ tịch, Bí thư các đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phó Bí thư các đoàn thể, Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn cấp huyện, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,6; cán bộ, công chức, viên chức khác cấp huyện thì mức giá trang thiết bị trong phòng làm việc tối đa 23,3 triệu đồng.
Tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến của cán bộ, công chức, viên chức cấp xã có mức giá trang thiết bị trong phòng làm việc tối đa là 16 triệu đồng.
Xiết chặt công tác quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị
Vấn đề quan trọng, không phải chỉ là tính đúng và đưa ra các định mức, mà là phải thực hiện đúng trình tự và thủ tục trong quá trình mua sắm máy móc, thiết bị từ khâu đầu xây dựng, mua sắm, thuê tài sản đến chế độ bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị và thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý; Thực hiện chế độ báo cáo, công khai, kiểm tra tài sản nhà nước; sắp xếp lại, xử lý tài sản nhà nước đồng thời, thực hiện đồng bộ phần mềm quản lý tài sản nhà nước tai các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập.
Thực hiện triệt để Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như Luật Xử lý vi phạm hành chính do Quốc hội ban hành trong các vấn đề liên quan.