Mua sắm tập trung: Hướng đi tất yếu

PV.

Phương thức mua sắm tài sản nhà nước truyền thống đang phổ biến ở Việt Nam hiện nay đã dần bộc lộ nhiều hạn chế. Lời giải cho việc khắc phục những tồn tại và nâng cao hiệu quả quản lý tài sản nhà nước chính là phương thức mua sắm tài sản nhà nước tập trung.

Mua sắm công theo phương thức tập trung là xu hướng chung của nhiều quốc gia hiện nay. Nguồn: internet
Mua sắm công theo phương thức tập trung là xu hướng chung của nhiều quốc gia hiện nay. Nguồn: internet

Sự cần thiết

Ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại hai phương thức mua sắm tài sản nhà nước là mua sắm phân tán và mua sắm tập trung. Trong đó, mua sắm phân tán là phương thức truyền thống đang được áp dụng phổ biến. Tuy nhiên, phương thức này hiện đang bộc lộ nhiều hạn chế như: không chuyên nghiệp và chưa tách bạch được nhiệm vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong quản lý tài sản công; gây tốn kém vì có tới hơn 100.000 đầu mối đơn vị đang cùng thực hiện một quy trình đấu thầu mua sắm đối với cùng một hoặc một số loại tài sản như nhau.

Bên cạnh đó, phương thức mua sắm này cũng khiến cho chi phí mua cao hơn do mua sắm nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không được tối ưu do chưa có điều kiện để chọn lựa các nhà cung cấp tốt nhất; đồng thời gây khó khăn trong việc giám sát và kiểm soát việc thực hiện phòng chống tham nhũng, lãng phí. Bởi vậy, việc áp dụng mua sắm công theo phương thức tập trung - xu hướng chung của nhiều quốc gia hiện nay sẽ khắc phục được những hạn chế trong phương thức mua sắm phân tán ở Việt Nam.

Nhận thức được sự cần thiết của phương thức này, Chính phủ đã yêu cầu ban hành quy định về mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung để thay thế cho Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, dự thảo về mua sắm tập trung thay thế cho Quyết định 179 do Bộ Tài chính soạn thảo sẽ quy định đơn vị mua sắm tập trung cơ bản chỉ thực hiện nhiệm vụ tổng hợp nhu cầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng khung với nhà thầu về số lượng, chất lượng và giá cả hàng hóa dịch vụ, góp phần đẩy mạnh tiết kiệm chi tiêu ngân sách, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Triển vọng tích cực

Những tác động tích cực của việc thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung đã được minh chứng thực tế trong 5 năm thí điểm thực hiện phương thức này (2008-2012) và hứa hẹn sẽ mang lại nhiều triển vọng tích cực khi được triển khai trên toàn quốc.

Trước hết, mua sắm công theo phương thức tập trung sẽ góp phần tiết kiệm chi ngân sách nhà nước do giảm giá mua và giảm chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu. Nếu triển khai phương thức mua sắm tập trung tốt, số tiền tiết kiệm được có thể chiếm đến khoảng 15%/tổng giá trị mua sắm. Chi mua sắm tài sản nhà nước hàng năm của Việt Nam chiếm khoảng 20% chi ngân sách, tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng/năm. Như vậy, nếu triển khai mua sắm tập trung toàn bộ các hàng hóa, dịch vụ như ở một số nước thì hàng năm dự kiến sẽ tiết kiệm chi ngân sách là 30.000 tỷ đồng/năm.

Thêm vào đó, phương thức này còn khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ, không hiệu quả. Đồng thời, hạn chế tiêu cực, sai phạm trong việc mua sắm công do việc thực hiện mua sắm được chuyên nghiệp hóa, công khai, minh bạch.

Khi phương thức mua sắm tập trung đi vào vận hành một cách chuyên nghiệp sẽ làm giảm bộ máy và biên chế trong mua sắm công. Theo phương án như hiện nay, từ hàng chục nghìn đầu mối mua sắm sẽ giảm còn khoảng 170 đầu mối mua sắm tập trung, gồm: 02 đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia, 42 đầu mối thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và 126 đầu mối của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng chống tham nhũng, lãng phí trong mua sắm công nhờ đó cũng được tăng cường do số lượng cơ quan, đơn vị thực hiện mua sắm công giảm lớn. Qua đó, góp phần giải quyết được các mục tiêu kinh tế vĩ mô thông qua chính sách và thực hiện gắn với mua sắm công tập trung.