Sự kiện kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 28/3 - 1/4/2016

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

GDP quý 1/2016 tăng 5,46%, thấp hơn tốc độ tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015, cao hơn mức tăng cùng kỳ của các năm 2012, 2013 và 2014. Trong đó:

- Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ở mức tăng trưởng âm, với giá trị tăng thêm chỉ đạt 98,77% so với cùng kỳ năm 2015.

- Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,72%, thấp hơn mức tăng 8,47% của cùng kỳ năm 2015.

- Khu vực dịch vụ trở thành lĩnh vực có đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung, tăng 6,13% so với cùng kỳ năm 2015, cao nhất kể từ quý 1/2012.

(Theo Tổng cục Thống kê)

GDP của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, sau đó tăng chậm lại ở mức 6,5% vào năm 2017, nhờ 3 động lực chính: (i) Vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2016, vốn giải ngân sẽ giảm nhẹ vào năm 2017; (ii) Niềm tin người tiêu dùng và tín dụng được củng cố. Tăng trưởng tín dụng năm 2016 đạt mức 18% và ADB dự báo mức tăng trưởng này sẽ đạt khoảng 15 - 16% nhờ tiêu dùng từ khu vực tư nhân tăng cao; (iii) Chính phủ tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ cho tăng trưởng, gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Lạm phát ở mức thấp, lãi suất ở mức khích lệ để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư. (Theo báo cáo “Triển vọng Phát triển châu Á 2016” do ADB công bố ngày 30/3)

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI)

PMI tháng 3/2016 của Việt Nam đã tăng lên 50,7 điểm từ mức 50,3 điểm của tháng 2. Các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện; số lượng đơn hàng mới và số đơn hàng xuất khẩu đều tăng.

(Theo Nikkei ngày 01/4)

Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1/2016 tăng 6,3%, đây là mức tăng thấp so với mức tăng 9,1% của cùng kỳ năm 2015, do khai thác dầu thô giảm và nhóm ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học, sản xuất thiết bị điện có xu hướng tăng chậm lại so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương)

Đến nay, cả nước mới có 1.383 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (chia làm 3 nhóm ngành sản xuất: cơ khí, điện tử, nhựa và cao su), chỉ chiếm 0,3% trong tổng số 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Với số lượng doanh nghiệp ít ỏi này, Việt Nam khó có thể tiến hành công nghiệp hóa. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và đến năm 2025, số lượng sẽ tăng lên mức 10.000 - 20.000 doanh nghiệp, lúc đó mới có thể có ngành công nghiệp hỗ trợ.

(Theo ông Phan Đăng Tuất - Vụ trưởng - Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương tại “Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” ngày 30/3)

Du lịch

Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2016 ước tính đạt 820,5 nghìn lượt người, giảm 1,6% so với tháng 2/2016 nhưng tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 3 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 2.459,2 nghìn lượt người, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó:

- Khách đến từ châu Á chiếm 68,5% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 25% so với cùng kỳ 2015. Các thị trường chính đều tăng như Trung Quốc (tăng 65,9%), Hàn Quốc (tăng 30,2%), Nhật Bản (tăng 11,8%)...

- Khách đến từ châu Âu chiếm khoảng 18% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khách Nga tăng 13,5%, Anh tăng 23,3%, Pháp tăng 11%...

- Khách đến từ châu Mỹ đạt 220,8 nghìn lượt người, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó khách đến từ Hoa Kỳ đạt 164,7 nghìn lượt người, tăng 14,3%.

(Theo Tổng cục Thống kê)

Doanh nghiệp

Trong quý 1/2016, hầu hết các ngành, lĩnh vực hoạt động có xu hướng tăng về doanh nghiệp thành lập mới so với cùng kỳ năm 2015 như:

- Kinh doanh bất động sản đăng ký 596 doanh nghiệp tăng 146,3%;

- Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đăng ký 115 doanh nghiệp tăng 113%;

- Giáo dục và đào tạo đăng ký 500 doanh nghiệp cũng tăng 37,7%;

- Hoạt động dịch vụ khác đăng ký 197 doanh nghiệp tăng 35,9%;...

Tính chung trong cả nước, quý 1/2016 đã có thêm 23.767 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 186.013 tỷ đồng, tăng 24,8% về số doanh nghiệp và tăng 67,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong quý 1/2016 đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2015.

(Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 29/3)

Từ tháng 01/2016 tới nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã huy động được hơn 170 triệu USD từ các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Việt Nam đang dẫn đầu khối ASEAN về chỉ tiêu này, so với mức 160 triệu USD của Malaysia, gần 40 triệu USD của Thái Lan và 10 triệu USD của Indonesia.

Tới năm 2020, ước tính sẽ có 177 DNNN tham gia IPO, với các doanh nghiệp đáng chú ý như: MobiFone,Vinalines, Satra, Benthanh Group...

Trong năm 2016, Chính phủ có kế hoạch bán 40.000 tỷ đồng (1,8 tỷ USD)vốn nhà nước tại các DNNN.

(Theo thống kê của Bloomberg)

Thị trường bảo hiểm 3 tháng đầu năm duy trì tăng trưởng tích cực. Hiện có 61 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam. Trong đó, có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, 17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường trong 3 tháng đầu năm tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Tổng cục Thống kê)

Hiện có 199.500 doanh nghiệptham gia bảo hiểm xã hội; trong đó có 22.231 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, khoảng 20.000 doanh nghiệp không còn giao dịch bảo hiểm xã hội, dừng hoạt động, phá sản, giải thể. Thời gian qua cơ quan bảo hiểm xã hội đã khởi kiện 7.000 doanh nghiệp với số tiền 3.000 tỷ đồng. Ước tính trong quý 1/2016, tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 9,9 tỷ đồng. (Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

Lượng thép tiêu thụ trong tháng 3/2016 ước đạt 763.000 tấn, cao nhất trong lịch sử ngành thép, tăng 66% so với tháng 02/2015 và tăng 15% so với cùng kỳ năm 2015. Dù lượng thép tiêu thụ mạnh nhưng tính đến cuối tháng 3, lượng thép tồn kho vẫn còn khoảng 325.000 tấn. Thị trường sẽ có thêm nguồn cung khoảng 1 triệu tấn thép từ một loạt dự án mới được đưa vào vận hành trong năm 2016. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường nên các đại lý, nhà phân phối không cần phải gom hàng tích trữ thép.

Nguyên nhân khiến lượng thép tiêu thụ tăng cao kỷ lục trong tháng 3/2016: Do quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu của Bộ Công Thương (ngày 07/3) khiến các đại lý, nhà phân phối có tâm lý gom hàng để chuẩn bị cho nhu cầu xây dựng sắp tới.

(Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - VSA)

Ngành dệt Việt Nam hiện có quy mô lớn thứ 4 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh.

Việt Nam đã đủ các điều kiện để phát triển thành trung tâm dệt may của thế giới, do: Ngành dệt may sẽ tuyển dụng thêm 5 triệu lao động trong 10 - 15 năm tới; chuỗi cung ứng trong nước đã cung cấp được 35% nguyên liệu cho ngành dệt may và đủ khả năng tăng lên mức 50% trong 5 năm tới; Việt Nam cũng có thị trường quy mô khoảng 92 triệu dân, đặc biệt là rất thuận lợi cho xuất khẩu đường biển…

Năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu được 27,3 tỷ USD hàng dệt may, sử dụng trên 2,5 triệu lao động, tạo 1/5 số việc làm mới trên cả nước.

Để thành trung tâm sản xuất dệt may của thế giới, một ngành công nghiệp cần có khả năng cung ứng 10% trở lên nhu cầu của thế giới, có khả năng phát triển bền vững trong 20 - 30 năm, có chuỗi cung ứng và khả năng cung cấp nội tại 50 - 60% lượng nguyên phụ liệu, có thị trường trong nước quy mô đủ lớn, có hệ thống cảng biển thuận lợi cho xuất khẩu, cạnh tranh về thời gian giao hàng…

(Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam)

Bán và sáp nhập theo hướng doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm những doanh nghiệp Việt Nam có thị phần tiêu thụ lớn, sẽ gia tăng từ nay đến 2020. Các tập đoàn doanh nghiệp khu vực châu Á sẽ là chủ lực trong hoạt động thâu tóm này, bởi theo các hiệp định thương mại đã ký, 90% sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được áp dụng biểu thuế 0%.

Trong số 8 doanh nghiệp thâu tóm hệ thống phân phối tại Việt Nam thì có đến 3 doanh nghiệp Nhật Bản, 3 doanh nghiệp Thái Lan, 1 doanh nghiệp Hàn Quốc và 1 doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc). Những doanh nghiệp bị thâu tóm chủ yếu là hệ thống bán lẻ như siêu thị Nguyễn Kim, Citimart, Fivimart, Trần Anh, Diamond Plaza, Indochina.

(Theo các chuyên gia kinh tế)

Tổng cầu


Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Doanh thu thị trường bán lẻ của Việt Nam năm 2015 là 102 tỷ USD. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên mức 179 tỷ USD. Hiện các kênh mua sắm hiện đại mới chỉ chiếm 25% thị trường, với 700 siêu thị và 132 trung tâm thương mại; các kênh bán lẻ hiện đại này sẽ tăng lên mức 45% vào năm 2020, với 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Dư địa phát triển các chuỗi, hệ thống bán lẻ còn rất lớn, đặc biệt là ở vùng nông thôn.

Thị phần chuỗi bán lẻ hiện đại của Việt Nam còn ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, tỷ lệ này tại Philippines là 33%, Malaysia là 60%, Thái Lan 34%, Singapore 90% và Trung Quốc 51%.

(Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường BMI)

Ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách quý 1/2016 đạt 230.500 tỷ đồng, bằng 22,7% dự toán cả năm, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2015.

- Tổng thu nội địa ước đạt 193.800 tỷ đồng, tương đương 24,7% dự toán, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2015, nếu không kể tiền sử dụng đất, thu nội địa chỉ tăng khoảng 9,3% so với cuối quý 1/2015.

- Thu ngân sách từ dầu thô chỉ đạt 16,4% dự toán, chưa đạt 46% so với cùng kỳ năm 2015.

- Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 20,2% dự toán, giảm 11,5% so với cuối tháng 3/2015.

- Nếu trừ đi khoản hoàn thuế, thu từ xuất nhập khẩu thực tế chỉ bằng 16% dự toán và bằng hơn 81% so với cùng kỳ năm 2015.

Tổng chi ngân sách quý 1/2016 đạt hơn 277.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2015.

- Chi đầu tư phát triển là 46.670 tỷ đồng, bằng 18,3% dự toán, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2015.

- Chi trả nợ và viện trợ ước đạt 39.200 tỷ đồng (gấp 4,4 lần so với thu từ dầu thô), bằng 25,2% dự toán, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2015.

- Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ước đạt 191.800 tỷ đồng, bằng 23,1% dự toán, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Như vậy, bội chi ngân sách trong quý 1/2016 là hơn 47.000 tỷ đồng, bằng 18,5% dự toán.

(Theo Bộ Tài chính ngày 31/3)

Trong 5 năm (từ 2011 - 2015), ngân sách nhà nước đã đầu tư 135.800 tỷ đồng (chiếm 12,8% kinh phí đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn) để thực hiện các chính sách ở vùng dân tộc và miền núi. Riêng kinh phí bố trí thực hiện các chương trình, chính sách do Ủy ban Dân tộc trực tiếp quản lý là 27.144 tỷ đồng, chiếm 2,55% kinh phí đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

(Theo Văn phòng Chính phủ)

Xuất nhập khẩu


Xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,59 triệu tấn trị giá 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

+ Indonesia là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 31,42% thị phần.

+ Trung Quốc đứng vị trí thứ 2 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 17,15% thị phần.

+ Philippines đứng thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 13,75% thị phần.

(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tháng 3/2016 ước đạt gần 2,54 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2016 đạt 6,73 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó:
+ Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 3,41 tỷ USD, tăng 8,6%;
+ Giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,36 tỷ USD, tăng 1,7%;
+ Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1,57 tỷ USD, giảm 1,1%.

Ngược lại, ước giá trị nhập khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản trong tháng 3/2016 ước đạt 1,97 tỷ USD, đưa giá trị nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2016 đạt 5,31 tỷ USD, giảm 3,9% so với năm cùng kỳ năm 2015. Trong đó, nhập khẩu một số mặt hàng chính đạt khoảng 3,77 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2015.

(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Trong 2 tháng đầu quý 1/2016, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Mexico (giá CIF tại cảng Việt Nam) lên tới hơn 63 triệu USD, tăng gần 4,5% so với hơn 60 triệu USD cùng kỳ năm 2015. Giá trị trao đổi thương mại 2 chiều 2 tháng đầu năm 2016 lên hơn 320 triệu USD, tăng trên 32% so với con số hơn 242 triệu USD của cùng kỳ năm 2015. (Theo Văn phòng Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico - ngày 29/3)

Trong quý 1/2016, kim ngạch xuất nhập khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng khoảng 6,5% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là mức tăng khá thấp so với năm 2015 vì một số hàng có tốc độ tăng trưởng khá trong năm như điện thoại, các loại và linh kiện, máy tính, linh kiện điện tử đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại. (Theo Bộ Công Thương)

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Nga chưa tương xứng với tiềm năng và mối quan hệ hợp tác giữa 2 quốc gia. Tính tổng thể trong năm 2015, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 22 trong tổng số khoảng 200 đối tác thương mại của Việt Nam và chiếm 0,7% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong giai đoạn 2010 - 2015 đạt bình quân 2,29 tỷ USD/năm, với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 3,6%/năm. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 11,6%/năm, trong khi nhập khẩu giảm bình quân 5,7%/năm. Năm 2015, cán cân thương mại Việt Nam với Nga thặng dư gần 700 triệu USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 28/3)

Cân đối vĩ mô


Lạm phát

CPI tháng 4/2016 sẽ tăng nhẹ so với tháng 3/2016 do sự biến động theo chiều hướng tăng của một số mặt hàng như nguyên vật liệu, nông sản, năng lượng...

Nguyên nhân:

- Giá một số mặt hàng nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng do tác động của chính sách quản lý nhà nước đối với những mặt hàng này.

- Chi phí sản xuất của một số mặt hàng nông sản tăng do tác động tiêu cực của hạn hán, xâm ngập mặn do đó sẽ làm tăng chỉ số hàng hóa thời gian tới.

(Theo dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước - Bộ Công Thương)

Tăng trưởng tín dụng/huy động

Tính đến ngày 21/3:

+ Tăng trưởng tín dụng cả nước đạt 1,54%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2015 là 1,25%.

+ Tổng phương tiện thanh toán tăng 3,08% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 2,09%).

+ Huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 2,26% (cùng kỳ năm trước tăng 0,94%).

(Theo Tổng cục Thống kê)

Cho vay hỗ trợ mua nhà

Thực hiện Công văn số 1953/NHNN-TD ngày 28/3/2016 của Ngân hàng Nhà nước, 19 ngân hàng thương mại tham gia cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyếtsố02/NQ-CP (gói 30.000 tỷ đồng) sẽ dừng ký hợp đồng mới với toàn bộ các khách hàng của chương trình kể từ ngày 31/3/2016 (do tính đến ngày 10/3/2016, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 30.122 tỷ đồng đối với 46.246 khách hàng).

Giá vàng

Trong tuần qua, vàng SJC đã có 3 phiên giảm giá và 2 phiên tăng giá. Tính chung cả tuần, giá vàng đã tăng 70 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và giảm 50 nghìn đồng/lượng chiều bán ra. Trong phiên giao dịch cuối tuần (02/4), giá vàng giao dịch ở mức:

- Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thành phố Hồ Chí Minh: 33 - 33,27 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội: 33 - 33,29 triệu đồng/lượng, giảm 80 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 60 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

- Công ty DOJI: 33,13 - 33,20 đồng/lượng, giảm 60 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

- Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu: 32,14 - 33,19 triệu đồng/lượng, giảm 60 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Tỷ giá

Tỷ giá trung tâm đã chững lại trong phiên giao dịch cuối tuần (02/4/2016) sau 4 phiên liên tiếp được điều chỉnh giảm.Như vậy, tính từ đầu tuần, tỷ giá trung tâm đã giảm 41 đồng. Trong phiên giao dịch cuối tuần, tỷ giá mua - bán tại các ngân hàng không thay đổi so với ngày 01/4/2016:

- Vietcombank và BIDV: 22.255 - 22.325 đồng.

- Vietinbank: 22.257 - 22.327 đồng.

- ACB, Eximbank và DongABank: 22.260 - 22.320 đồng.

- Techcombank: 22.230 - 22.340 đồng.

Thị trường tài sản


Trái phiếu

Ngày 30/3, HNX đã tổ chức đấu thầu TPCP do KBNN phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 9.600 tỷ đồng, gồm 3 loại kỳ hạn: 3 năm (2.600 tỷ đồng); 5 năm (5.000 tỷ đồng) và 20 năm (2.000 tỷ đồng).

- Kỳ hạn 3 năm: Huy động được 2.252 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 5,55%/năm.

- Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 2.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,38%/năm.

- Kỳ hạn 20 năm: Huy động được 174,48 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 7,75%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 30/3/2016, KBNN đã huy động thành công 73.366,41 tỷ đồng TPCP.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 29/3 - 01/4/2016, thị trường chứng khoán đã chứng kiến những đợt bán tháo ồ ạt khiến cả hai chỉ số giảm mạnh. Không chỉ dừng lại ở các cổ phiếu bluechip, nhiều mã chứng khoán cũng chịu sức ép bán ra và giảm mạnh như TSC, HAR, PPI, HNG...

- VN-Index: Giảm 2,4%, xuống 558,43 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 731,8 triệu cổ phiếu (giảm 4,15%), tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 11.836 tỷ đồng (giảm 0,01%).

- HNX-Index: Giảm 1,6%, xuống 78,47 điểm vớitổng khối lượng giao dịch đạt hơn 260,2 tỷ đồng (giảm 11,8%), tương ứng giá trị giao dịch đạt trên 2.831,2 tỷ đồng (giảm 2,91%).

Trong tuần 29/3 - 01/4/2016, giao dịch của khối ngoại khá tích cực. Nếu loại trừ những giao dịch bán ròng thỏa thuận đột biến các cổ phiếu VIC, EVE thì khối ngoại có tuần mua ròng mạnh. Tính chung trên hai sàn,khối ngoại đã mua ròng 16,83 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng 17,09 tỷ đồng, tăng 26,35% về lượng, nhưng giảm 93,47% về giá trị so với tuần từ 21 - 25/3/2016.

- HOSE: Tính chung cả tuần, khối ngoại đã mua vào khối lượng 55,66 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng 1.462,29 tỷ đồng, tăng 15,56% về lượng và 11,13% về giá trị so với tuần trước.

- HNX: Tính chung cả tuần, khối ngoại đã mua vào 9,39 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 118,01 tỷ đồng, tăng 6,42% về lượng nhưng giảm 10,3% về giá trị so với tuần trước.

Đàm phán - Ký kết

Việt Nam và Nga

Theo Nghị định thư hợp tác về ô tô vừa được ký kết ngày 23/3/2016 giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải gắn động cơ trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam, một số dòng xe nguyên chiếc và linh kiện phụ tùng của Nga sẽ vào Việt Nam với mức thuế suất 0% trong vòng 5 năm tới. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nga (KAMAZ, GAZ, UAZ...) sẽ cùng các đối tác Việt Nam thành lập một số liên doanh để sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe từ 10 chỗ trở lên, xe địa hình (UAZ) và một số loại xe chuyên dụng tại Việt Nam. Ô tô do liên doanh sản xuất phải phù hợp với các định hướng trong quy hoạch phát triểnngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Chính phủ vừa ban hành.

Dự kiến Nga sẽ xuất khẩu sang ViệtNam2.550 xe trong 3 năm đầu và 13.500 phụ kiện trong 5 năm đầu. Cho tới năm 2025, việc nội địa hóa sản xuất tại ViệtNamcó thể đạt 40 - 50%. Trong năm 2016, Nga có thể sẽ xuất sang ViệtNam 800 chiếc xe hơi được miễn thuế.

FPT và Quỹ đầu tư Dragon Capital Group

Ngày 30/3, Tập đoàn FPT và Quỹ đầu tư Dragon Capital Group đã ký thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) - một quỹ mở, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó FPT và Dragon Capital Group là hai nhà sáng lập.

VIISA sẽ tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp mới nhằm hưởng ứng chương trình quốc gia Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam do Bộ Khoa học - Công nghệ khởi động, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 5.000 công ty công nghệ.

Chính sách

Thông tư số 53/2016/TT-BTC

Thông tư số 53/2016/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 21/3/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.

- Các chứng từ kế toán ghi bằng tiếng nước ngoài, khi sử dụng để ghi sổ kế toán ở Việt Nam phải được dịch ra tiếng Việt. Riêng với các tài liệu kèm theo chứng từ kế toán như các loại hợp đồng, hồ sơ kèm theo chứng từ thanh toán, hồ sơ dự án đầu tư, báo cáo quyết toán và các tài liệu liên quan khác, không phải dịch ra tiếng Việt trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Về nguyên tắc kế toán: Khi thanh lý, nhượng bán chứng khoán kinh doanh, giá vốn của chứng khoán kinh doanh được xác định theo một trong các phương pháp nhập trước xuất trước hoặc bình quân gia quyền. Doanh nghiệp phải áp dụng nhất quán phương pháp đã chọn để tính giá vốn của chứng khoán kinh doanh trong năm tài chính; trường hợp thay đổi phải trình bày và thuyết minh theo quy định của chuẩn mực kế toán.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký; áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/01/2016.

Thông tư số 37/2016/TT-BTC

Từ ngày 15/4/2016, Thông tư số 37/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 29/02/2016 quy định lãi suất cho vay của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực.

Theo đó, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và được quy định như sau:

- Lãi suất cho vay ngắn hạn dưới 1 năm (không bao gồm vốn lưu động) là 5,5%/năm.

- Lãi suất cho vay vốn trung và dài hạn là 7%/năm.