Biến "nguy" thành "cơ", thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc sau dịch


Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19 ngày 10/4.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ứng phó với dịch Covid-19. Nguồn: VGP.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ứng phó với dịch Covid-19. Nguồn: VGP.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, tất cả các nước trên thế giới gần như đều đưa ra gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp mạnh để kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay.

Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng của sự suy thoái kinh tế trên toàn cầu hiện nay. Đối với nước ta, dịch Covid-19 tác động mạnh và sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong quý I, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011. Tuy nhiên, đây là mức tăng cao nhất khu vực.

Một số ngành quan trọng bị suy giảm, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, hoạt động cầm chừng và nguy hiểm hơn nếu dịch bệnh kéo dài. Đặc biệt, một số lĩnh vực như: du lịch, hàng không, vận tải, khách sạn, ăn uống, giải trí bị ảnh hưởng rất nặng nề, tiếp theo là các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng... Do vậy, cần có thêm một Nghị quyết chuyên đề với ba nội dung chính là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19.

Tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu cần đưa ra được các đề xuất về cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống trong thời gian có dịch, đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch, “như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, phải bật ra, đuổi kịp với thời gian”.

Hiện nay, Việt Nam đã chuẩn bị các gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực. Đó là, gói hỗ trợ về tiền tệ khoảng 300.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ về tài khóa khoảng 180.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội khoảng 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ giá điện khoảng 12.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ giá viễn thông khoảng 15.000 tỷ đồng. Ngoài ra, số vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng cần giải ngân hết trong năm nay.

Trong đó, về chính sách tài khóa, trong điều kiện kinh tế khó khăn, cần tập trung thực hiện hiệu quả kích cầu nội địa thông qua chính sách này. Đây là biện pháp các nước áp dụng rất rộng rãi. Với gói hỗ trợ này, 98% số doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi.

Về gói chính sách tiền tệ với tổng số 300.000 tỷ đồng, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện trên tinh thần "không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay, cả khoản vay hiện có và vay mới. Ngành Ngân hàng cả nước phải đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn".

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312.000 tỷ đồng). Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Bộ Tài chính cam kết bảo đảm đủ nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công nêu trên.

Việt Nam đã chuẩn bị các gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực. Đó là, gói hỗ trợ về tiền tệ khoảng 300.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ về tài khóa khoảng 180.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội khoảng 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ giá điện khoảng 12.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ giá viễn thông khoảng 15.000 tỷ đồng. Ngoài ra, số vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng cần giải ngân hết trong năm nay.