Bộ Tài chính giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp


Tại Quyết định số 281/QĐ-BTC ngày 02/3/2020, Bộ Tài chính đã công bố cụ thể kế hoạch giám sát hoạt động đầu tư vốn vào doanh nghiệp trong năm 2019 (triển khai thực hiện trong năm 2020). Theo đó, Bộ Tài chính thực hiện giám sát 6 cơ quan đại diện chủ sở hữu gồm: Bộ Quốc Phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Bình, UBND tỉnh Quảng Trị.

Có 4 đơn vị DNNN thuộc Bộ Giao thông vận tải sẽ thực hiện giám sát gián tiếp trong Quý II/2020.
Có 4 đơn vị DNNN thuộc Bộ Giao thông vận tải sẽ thực hiện giám sát gián tiếp trong Quý II/2020.

Giám sát 6 cơ quan đại diện chủ sở hữu

Cụ thể đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính sẽ giám sát trực tiếp 5 doanh nghiệp, bao gồm: Công ty TNHH MTV Cao su, Công ty TNHH MTV Cơ khí hóa chất 14, Công ty TNHH MTV Điện cơ Hóa chất 15, Công ty TNHH MTV Cơ khí hóa chất 13, TCT Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng.

Đối với Bộ Giao thông vận tải, trong Quý II/2020, Bộ thực hiện giám sát gián tiếp, trong đó tập trung vào nội dung: Đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho 05 DN: 04 DNNN (Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, miền Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải) từ quỹ Đầu tư phát triển và đánh giá lại tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải (nguồn khác); 01 Công ty CP (Bệnh viện giao thông vận tải) từ xác định lại giá trị vốn nhà nước.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính thực hiện giám sát trực tiếp trong Quý II/2020.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, Bộ sẽ thực hiện giám sát gián tiếp trong quý II/2020. Trong đó, tập trung vào hoạt động đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho 02 DNNN là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ nguồn thanh toán trái phiếu đặc biệt (theo Thông tư 100/2002/TT-BTC), Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) từ Quỹ thực hiện Chính sách tiền tệ Quốc gia (theo Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 27/11/2019 của Thanh tra Chính phủ).

Ngoài ra, đối với các cơ quan đại diện chủ sở hữu như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ... không gửi báo cáo phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện giám sát theo quy định, Bộ Tài chính không lập Kế hoạch giám sát.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát đối với các trường hợp phát sinh hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2019 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; phát sinh hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2019 của các địa phương (nguồn từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp).

Bộ Tài chính không thực hiện giám sát, các cơ quan đại diện chủ sở hữu tự chịu trách nhiệm thực hiện giám sát và gửi báo cáo theo quy định đối với các trường hợp: phát sinh hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2019 của các địa phương (nguồn không phải từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp); không phát sinh hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2019 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương.

Đối với các trường hợp đến thời điểm ngày 19/02/2020 chưa gửi Bộ Tài chính Báo cáo tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2019 và Kế hoạch giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2019 (triển khai thực hiện trong năm 2020) theo đề nghị tại công văn số 15711/BTC-TCDN ngày 25/12/2019 của Bộ Tài chính: các cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm về việc không gửi báo cáo về Bộ Tài chính theo quy định, Bộ Tài chính không có căn cứ lập và công bố kế hoạch giám sát.

Nội dung và kế hoạch giám sát

Về nội dung giám sát, Bộ Tài chính thực hiện giám sát theo các nội dung quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 51 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Điều 6 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; Điều 4 Thông tư số 200/2015/TT-BTC ngày 15/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Về phương thức giám sát, đối với các trường hợp phát sinh hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2019 của các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp.

Đối với các trường hợp phát sinh hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2019 của các địa phương (nguồn từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp): Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát trực tiếp.

Căn cứ Kế hoạch giám sát đề xuất gửi Bộ Tài chính, các cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm giám sát trực tiếp hoặc giám sát gián tiếp theo các nội dung, mẫu biểu quy định, hướng dẫn tại Khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 51 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Điều 6 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư số 200/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Về tổ chức thực hiện, các cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát theo Kế hoạch giám sát đã đề xuất, hoàn thiện và gửi Báo cáo tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2019 về Bộ Tài chính trước ngày 31/5/2020 theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP, trong đó báo cáo đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư số 200/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Các cơ quan đại diện chủ sở hữu phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện Kế hoạch giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong năm 2019 (triển khai thực hiện trong năm 2020).