Bộ Tài chính trả lời cử tri về phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước


Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Long An gửi tới Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV liên quan đến phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước.

Các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long có mật độ dân số thấp được phân bổ thêm 9% số chi tính theo định mức dân số. Nguồn: internet
Các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long có mật độ dân số thấp được phân bổ thêm 9% số chi tính theo định mức dân số. Nguồn: internet

Gửi đến Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Long An kiến nghị xem xét lại việc phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo định mức tiêu chí dân số. Theo cử tri, mức phân bổ theo tiêu chí dân số chưa phù hợp, không công bằng đối với các tỉnh có nhiều đơn vị hành chính, mật độ dân số thấp.

Long An bao gồm 15 đơn vị hành chính cấp huyện (13 huyện, 01 thị xã, 01 thành phố) và 192 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 166 xã, 12 phường và 14 thị trấn) nên việc phân bổ định mức cho ngân sách các cấp ngân sách tỉnh, huyện, xã giai đoạn 2017-2020 là rất thấp so với những tỉnh có ít đơn vị hành chính, dẫn đến không công bằng giữa các vùng, miền.

Ngoài ra, phân bổ định mức vào năm đầu thời kỳ ổn định, các năm sau các khoản chi đều tăng cao so với năm đầu như: chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị, chế độ chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn; chế độ chính sách đảm bảo hoạt động của Hội đồng nhân dân ba cấp, chế độ chi xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân...; bên cạnh đó, giá cả dịch vụ phục vụ công tác văn phòng (điện, nước, xăng dầu, văn phòng phẩm...) đều tăng, phải bổ sung ngân sách, chưa phù hợp nhất là đối với các tỉnh chưa cân đối ngân sách, phải nhận bổ sung từ ngân sách Trung ương.

Trả lời kiến nghị trên của cử tri tỉnh Long An, Bộ Tài chính cho biết, theo Nghị quyết số 266/2016/UBTVQH 14 ngày 01/10/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017 (năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017 – 2020).

Theo đó, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ yếu được xác định theo tiêu chí dân số; ngoài ra, có các tiêu chí phụ đối với từng lĩnh vực như: số đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số, số vận động viên có thành tích cao, số đối tượng bảo trợ xã hội, số xã biên giới...

Riêng đối với định mức chi hành chính ngoài phân bổ theo tiêu chí dân số đã tính đến số lượng đơn vị hành chính huyện, xã, phân theo vùng (vùng cao – hải đảo; miền núi – vùng đồng bào dân tộc ở đồng bằng, vùng sâu; vùng còn lại). Trường hợp dự toán chi quản lý chi hành chính tính theo định mức (không bao gồm tiền lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương) nhỏ hơn 25% so với tổng chi quản lý hành chính, sẽ được bổ sung để đảm bảo đủ 25%, tỷ lệ chi lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương tối đa bằng 75%.

Bên cạnh đó, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long có mật độ dân số thấp được phân bổ thêm 9% số chi tính theo định mức dân số, trường hợp tính theo định mức mà thấp hơn dự toán chi năm 2016, sẽ được bổ sung đảm bảo tối thiểu bằng dự toán năm 2016. Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ chi tiết cho từng lĩnh vực như y tế, văn hóa – thể thao, an ninh quốc phòng... (riêng lĩnh vực chi sự nghiệp giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ không thấp hơn dự toán Thủ tướng Chính phủ giao).

Như vậy, định mức phân bổ theo Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg đã có thêm các tiêu chí nhằm phân bổ thêm cho các địa phương có nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, xã cũng như tiêu chí ưu tiên đối với vùng cao – hải đảo; miền núi – vùng đồng bào dân tộc ở đồng bằng, vùng sâu và ưu tiên những địa phương có mật độ dân số thấp.

Mặt khác, Luật Ngân sách nhà nước có quy định, hằng năm, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách cấp trên, cơ quan có thẩm quyền quyết định tăng thêm số bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới so với năm đầu thời kỳ ổn định.

Các địa phương được sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương hằng năm và số bổ sung cân đối tăng thêm (năm 2019 các địa phương trong đó có tỉnh Long An được bổ sung thêm 2% số bổ sung cân đối của năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách) để tăng chi thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Tỉnh sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương (nếu có) và số tăng bổ sung cân đối để thực hiện các nhiệm vụ chi tăng thêm.