Tỉnh Đồng Nai:

Giải ngân dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Chạy đua để về đích

Theo Phạm Tùng/Báo Đồng Nai

Hơn 2 tháng là quỹ thời gian còn lại để Đồng Nai giải ngân nguồn vốn đối với công tác giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành.

Đồng Nai đang tăng tốc để hoàn thành phê duyệt phương án và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân vùng dự án Sân bay Long Thành. Ảnh: P.Tùng
Đồng Nai đang tăng tốc để hoàn thành phê duyệt phương án và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân vùng dự án Sân bay Long Thành. Ảnh: P.Tùng

Hết tháng 1/2022, nguồn vốn sẽ khóa sổ

Theo Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành thì việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021.

Như vây, việc thực hiện giải ngân nguồn vốn để phục vụ công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân vùng dự án Sân bay Long Thành sẽ kéo dài đến ngày 31/1/2022. Sau thời điểm này, nguồn vốn phục vụ công tác chi trả tiền đền bù, hỗ trợ sẽ “khóa sổ”.

Với quỹ thời gian còn lại chỉ còn 2 tháng, áp lực đối với Đồng Nai trong việc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án bồi thường cho toàn bộ các hộ dân trong vùng dự án là rất lớn. Bởi theo UBND H. Long Thành, đến thời điểm này, toàn bộ dự án vẫn còn 1.512 trường hợp với diện tích đất hơn 547ha chưa thể hoàn thành phương án bồi thường hỗ trợ.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, để có thể giải ngân được nguồn vốn phục vụ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân có đất bị thu hồi thuộc dự án, tất cả phương án bồi thường, hỗ trợ phải được phê duyệt trước ngày 31/1/2022. “Sau thời điểm này thì sẽ không có nguồn tiền để thực hiện chi trả cho người dân”  Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết.

Theo UBND tỉnh, hiện nay, Đồng Nai đã đăng ký làm việc với Chính phủ để xin điều chỉnh dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành, trong đó có việc xin gia hạn thời gian thực hiện dự án. Nếu được Chính phủ đồng ý việc điều chỉnh, dự án sẽ được trình Quốc hội thông qua. Như vậy, sớm nhất, dự án sẽ được chấp thuận điều chỉnh vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, nếu được Quốc hội đồng ý cho điều chỉnh dự án, quãng thời gian từ cuối tháng 1 đến tháng 6/2022, Đồng Nai vẫn phải đối mặt với nguy cơ không có nguồn vốn để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân.

“UBND H. Long Thành phải nghiên cứu, khẩn trương phê duyệt hồ sơ trước thời điểm cuối tháng 1/2022 để đảm bảo có nguồn vốn phục vụ việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh.

Cần tháo gỡ “nút thắt” lớn nhất

Một trong những khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ công tác giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành hiện nay là xử lý hồ sơ của các trường hợp cho tặng, mua bán, chuyển nhượng bằng giấy tay (đất giấy tay).

Trên thực tế, đối với 1.512 trường hợp còn lại của dự án chưa hoàn thành phương án bồi thường, hỗ trợ có 507 trường hợp với diện tích đất hơn 379ha đang được các cơ quan chức năng của H.Long Thành tập trung nguồn nhân lực thực hiện công tác xác nhận, thẩm tra nguồn gốc đất. Chính vì vậy, vướng mắc lớn nhất của dự án hiện nay vẫn “nằm” ở 1.005 trường hợp đất giấy tay. 

Để xử lý đối với các trường hợp đất giấy tay, tháng 9/2021, UBND tỉnh Đồng Nai đã thành lập Tổ công tác xử lý vướng mắc đối với các trường hợp chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc dự án Sân bay Long Thành.

Ông Nguyễn Hồng Quế - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN&MT), Tổ trưởng Tổ công tác xử lý vướng mắc đối với các trường hợp chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc dự án Sân bay Long Thành cho biết, thời gian qua, tổ công tác đã tiến hành làm việc với các đơn vị có liên quan thuộc UBND H. Long Thành và UBND xã Bình Sơn. Qua quá trình làm việc, rà soát, tổ công tác đã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất H. Long Thành tiến hành sàng lọc, phân loại các dạng chuyển quyền. Qua đó, xem xét hồ sơ của từng trường hợp để đề xuất xử lý.

Theo ông Nguyễn Hồng Quế, khó khăn lớn nhất đối với việc xử lý các hồ sơ đất giấy tay hiện nay tập trung ở 182 trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện chuyển nhượng bằng giấy tay nhưng không có công chứng chứng thực. “182 trường hợp này qua quá trình chuyển nhượng đã phát sinh thành 644 trường hợp sử dụng đất. Đây là số lượng lớn và là những hồ sơ khó xử lý nhất hiện nay” - ông Nguyễn Hồng Quế cho biết.

Để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư cũng như đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tổ công tác đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND H Long Thành khẩn trương thực hiện ngay việc kiểm kê tài sản đối với các đối tượng đang sử dụng đất theo quy định tại Khoản 5, Điều 8 Quyết định số 41/2019/QĐ-UBND (Quyết định ban hành quy định về việc phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ngày 16/10/2019) của UBND tỉnh để làm cơ sở lập, phê duyệt phương án bồi thường.