Năm 2019, Chính phủ cần giải quyết tình trạng “tồn kho” chính sách

BD (T/h)

Đó là quan điểm của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn, bởi theo ông, có như vậy mới tăng hiệu quả thể chế, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Ông Nguyễn Quang Thuấn.
Ông Nguyễn Quang Thuấn.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019, Chính phủ cần chỉ đạo tập trung xây dựng và thực hiện cơ cấu lại ba trọng tâm trong cơ cấu nền kinh tế gồm cơ cấu lại đầu tư công; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, xúc tiến thương mại, mở rộng thị tường xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.

Đề cập tới giải pháp thúc đẩy thực thi chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn cho rằng, năm 2019, Chính phủ cần giải quyết tình trạng “tồn kho” chính sách để tăng hiệu quả thế chế.

Thông qua việc Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển mạnh kinh tế tư nhân, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp công nghệ. 

Đồng thời với việc giao các nhiệm vụ cụ thể, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; tổ chức giao ban hàng tháng/quý kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết 01 đồng thời, chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp nhằm xử lý kịp thời đối với những vấn đề phát sinh.

Theo đó, ông Nguyễn Quang Thuấn đề xuất Chính phủ cần giao cho Bộ Nội vụ hoặc thành lập một Tổ với nhiệm vụ giúp việc cho Thủ tướng rà soát các chính sách; trong đó chính sách nào tốt nhưng không được thực hiện, không bám sát được thực tiễn hay vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ. Đồng thời, Chính phủ giao trách nhiệm cho từng bộ, ngành trong thiết kế và triển khai chính sách. Từng bộ, ngành có bộ phận đánh giá hiệu quả, hiệu lực thực thi từng giải pháp, chính sách.

Sau khi đã giao trách nhiệm cho từng bộ, ngành, Chính phủ cần thông qua các kênh đa dạng khác nhau để lắng nghe phản hồi từ doanh nghiệp và người dân cũng như từ chính quyền cơ sở. Nếu các chính sách thực thi yếu thì người đứng đầu tổ chức ban hành các chính sách cần có trách nhiệm giải trình và có lộ trình cụ thể để giải quyết vấn đề.