Phát huy hiệu quả chính sách kinh tế


Trong 4 tháng còn lại của năm 2020, sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, nguy cơ nhiều việc làm bị mất, nhất là khu vực đô thị, điều đó đòi hỏi các nhà làm chính sách phải sớm có giải pháp hỗ trợ phù hợp, nhất là các chính sách kinh tế phải phát huy hiệu quả hơn nữa. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Điểm lại tình hình kinh tế trong tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tháng vừa qua, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; chính sách tiền tệ được thực hiện tương đối tốt; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 92 tỷ USD và dự kiến đến cuối năm có thể đạt con số 100 tỷ USD.

CPI tháng 8/2020 tăng 0,07% so với tháng trước, CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá ổn định. Lãi suất có xu hướng giảm để hỗ trợ sản xuất.

Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế trong lúc khó khăn. Năm nay, ngành Nông nghiệp phấn đấu giữ được mức tăng trưởng 2,6-2,8%, đặc biệt là nông nghiệp được mùa, được giá, kim ngạch xuất khẩu sẽ vẫn giữ được mục tiêu khoảng 41 tỷ USD. Trong đó, nguồn cung thịt lợn tăng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lợn hiện nay trung bình từ 77.000 - 83.000 đồng/kg, giảm 15.000 - 18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất.

Thủ tướng cho rằng, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, 8 tháng đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%. Xuất siêu trên 11,9 tỷ USD.

Giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ nét, tăng so với cùng kỳ gần 31%, mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Nhiều địa phương đã tuyên bố giải ngân đạt 100% trong năm nay.

Phát triển doanh nghiệp đạt một số kết quả tích cực. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng gần 30%.

Mặc dù đánh giá kinh tế tháng 8 có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, khó khăn, cần tập trung chỉ đạo khắc phục.

Đó là sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, IIP tháng 8 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước; 8 tháng chỉ tăng 2,2%. Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8 có xu hướng giảm do dịch Covid-19 quay trở lại.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị, trên góc độ chung, sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, nguy cơ nhiều việc làm bị mất, nhất là đô thị, điều đó đòi hỏi chúng ta phải sớm có giải pháp hỗ trợ phù hợp, nhất là các chính sách kinh tế phải phát huy hiệu quả hơn nữa.

Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận về các giải pháp, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể trong 4 tháng còn lại để phấn đấu không chỉ tăng trưởng dương mà còn đạt con số cần thiết, giữ được các cân đối lớn, giữ ổn định đời sống nhân dân.

Trong đó, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về các tồn tại, khó khăn, cần chỉ đạo khắc phục. Cụ thể là, cần sớm có chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các khu vực kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, FDI, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất cụ thể về chính sách tiếp tục hỗ trợ người lao động mất việc làm, giảm sâu về thu nhập, vì theo Thủ tướng "đây là việc xã hội rất mong”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị thảo luận về chính sách tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, cần giải pháp, chính sách đủ mạnh, cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để huy động các nguồn lực xã hội, góp phần tạo động lực phát triển.

Nhấn mạnh tinh thần quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế, Thủ tướng nêu rõ, các chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách tài khóa, tiền tệ phải phát huy hiệu quả hơn nữa đối với tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, đồng thời thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng cao năng suất, sức cạnh tranh, áp dụng những mô hình, phương thức mới đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong trạng thái bình thường mới.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên Hợp Quốc (GII) vừa công bố, năm 2020 ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam cũng thuộc tốp 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian.