Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến
Dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước hiện đã được triển khai thí điểm tại 5 đơn vị (Kho bạc Nhà nước Hà Nội, Kho bạc Nhà nước Hải Phòng, Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng, Kho bạc Nhà nước Cần Thơ và Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh). Về cơ bản hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoạt động thông suốt, đảm bảo an toàn, quy định chi tiết cho từng dịch vụ, dễ dàng cho các đơn vị tham gia dịch vụ. Nhờ đó, các đơn vị đã truyền được chứng từ sang Kho bạc Nhà nước để hoàn thiện chứng từ trên dịch vụ công và giao diện truyền vào hệ thống Hệ thống thông tin Quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS), trả báo nợ cho đơn vị theo đúng quy định.
Một số kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2011- 2015 theo Quyết định 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ là “cung cấp thông tin, dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ cao trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp (DN), góp phần làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân và DN tốt hơn” và Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020, đặt ra mục tiêu là các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng CNTT hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử.
Trên cơ sở Quyết định 2700/QĐ-BTC ngày 30/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án “Nâng cấp Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính và tích hợp DVC điện tử” và Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, KBNN đã phối hợp với nhà thầu xây dựng và cung cấp 3 DVC trực tuyến gồm: (i) Khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với KBNN; (ii) Giao diện thông tin yêu cầu thanh toán qua mạng và chương trình kê khai yêu cầu thanh toán; (iii) Đăng ký mở và sử dụng tài khoản các đơn vị sử dụng ngân sách phục vụ các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và các đơn vị sử dụng ngân sách (gọi tắt là đơn vị) trên Cổng Thông tin điện tử KBNN, góp phần quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác kiểm soát chi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị.
Đến nay, DVC trực tuyến KBNN đã được triển khai thí điểm tại 5 đơn vị KBNN (KBNN Hà Nội, KBNN Hải Phòng, KBNN Đà Nẵng, KBNN Cần Thơ và KBNN TP. Hồ Chí Minh). Kết quả bước đầu đạt được như sau:
Với việc triển khai tốt công tác tuyên truyền về mục đích, lợi ích DVC và tập trung tổ chức tập huấn về quy trình nghiệp vụ, nên trong quá trình triển khai thí điểm DVC trực tuyến KBNN đã nhận được sự ủng hộ, phối hợp rất tốt từ phía các đơn vị tham gia. Thông qua đó, cán bộ nghiệp vụ KBNN cũng đã dần quen với việc triển khai các chương trình ứng dụng có độ phức tạp cao, nên đối với ứng dụng DVC họ không cảm thấy bỡ ngỡ, thao tác và xử lý trên chương trình khá thuần thục.
Về cơ bản, hệ thống DVC trực tuyến đã hoạt động thông suốt, đảm bảo an toàn, quy định chi tiết cho từng dịch vụ, dễ dàng cho các đơn vị tham gia. Các đơn vị đã truyền được chứng từ sang KBNN, KBNN đã thực hiện hoàn thiện chứng từ trên DVC và giao diện truyền vào hệ thống TABMIS, trả báo nợ cho đơn vị theo đúng quy định, nhất là các hồ sơ chứng từ đơn giản như chi thường xuyên áp dụng trên DVC, do đơn vị chỉ thực hiện giao nhận hồ sơ và thực hiện thanh toán qua DVC, không phải đến KBNN.
Từ tháng 3/2016 đến ngày 31/8/2017, KBNN các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 3.739 hồ sơ trên DVC, trong đó các hồ sơ đã giải quyết là 3.683 bộ (xử lý thành công là 3.380 hồ sơ, từ chối thanh toán là 303 hồ sơ), 56 hồ sơ đang chờ xử lý trong thời gian quy định.
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai thí điểm DVC tại 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc do cơ chế chính sách, chủ quan từ phía đơn vị giao dịch với KBNN...
Để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị triển khai DVC, KBNN đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư nắm bắt tình hình triển khai DVC để kịp thời tháo gỡ. Đặc biệt là quy trình đăng ký chứng thư số cho các đơn vị thực hiện theo quy định tại thời điểm triển khai thí điểm DVC trực tuyến (Thông tư 05/2010/TT-BNV ngày 01/7/2010 của Bộ Nội vụ và từ ngày 17/3/2016 áp dụng theo Thông tư 08/2016/TT-BQP ngày 1/2/2016 của Bộ Quốc phòng) gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tham gia triển khai thí điểm DVC trực tuyến. Nguyên nhân chủ yếu là do phải thực hiện qua rất nhiều bước như: Các đơn vị phải báo cáo gửi công văn tới đơn vị chủ quản; đơn vị chủ quản tập hợp lại danh sách để đăng ký xin cấp chữ ký số với Ban Cơ yếu Chính phủ.
Từ phản ánh của các đơn vị cung cấp DVC trực tuyến, ngày 21/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 156/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 (có hiệu lực từ ngày 10/01/2017), theo đó ngoài chứng thư số hiện nay.
Lợi ích của dịch vụ công trực tuyến
Từ kết quả triển khai thí điểm DVC có thể khẳng định, lợi ích mà DVC mang lại là rất lớn, thể hiện ở một số khía cạnh sau:
Một là, về phía đơn vị giao dịch với KBNN: Khi tham gia DVC sẽ thực hiện kê khai và tải hồ sơ pháp lý định dạng ảnh (pdf) và lập chứng từ thanh toán theo mẫu trên DVC, ký số gửi KBNN. Theo đó, DVC đã cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và giảm thời gian đi lại cho các đơn vị, giảm chi phí hoạt động, hạn chế việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu của đơn vị do kế toán trưởng và thủ trưởng đơn vị ký duyệt bằng chữ ký số; thông tin thanh toán được bảo mật.
Đồng thời, trên DVC cung cấp các thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát thanh toán thông qua các trạng thái như: “KBNN từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ”; “KBNN đang xử lý hồ sơ”; “KBNN đã thanh toán hoặc từ chối thanh toán”; điều này góp phần tăng tính minh bạch trong việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của KBNN và qua đó các đơn vị biết được tình trạng và kết quả xử lý hồ sơ thanh toán của đơn vị mình.
Hai là, về phía các đơn vị KBNN. DVC góp phần hiện đại hóa công tác kiểm soát chi theo hướng hồ sơ, chứng từ của đơn vị thực hiện kiểm soát chi qua KBNN sẽ được gửi trên DVC, từ đó giao diện vào hệ thống TABMIS bảo đảm minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, hình thành bước đi đầu tiên tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử. Qua DVC, lãnh đạo KBNN các cấp có thể kiểm tra, giám sát được tình trạng xử lý các hồ sơ kiểm soát chi qua các báo cáo thống kê trên DVC; từ đó làm tăng trách nhiệm của cán bộ kiểm soát chi trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Ba là, việc thực hiện thành công dự án trên là tiền đề chuẩn bị cho việc triển khai công tác kiểm soát chi theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 (nêu tại Quyết định 138/2007/QĐ-TTg ngày 21/08/2007 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), đó là cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN) của hệ thống KBNN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử.
Để tổng quan nhất về DVC, bài viết mô tả cụ thể quy trình thực hiện DVC và giới thiệu các bước thực hiện DVC tại Hình 1.
Bước 1: Đơn vị thực hiện kiểm soát chi NSNN qua KBNN quét (scan) Hồ sơ pháp lý từ tài liệu bản giấy (bản chính) và chuyển thành file điện tử định dạng .pdf; kê khai thông tin phiếu giao nhận tải hồ sơ pháp lý định dạng pdf lên DVC và lập chứng từ thanh toán theo mẫu trên DVC, ký số gửi KBNN.
Bước 2: Cán bộ KBNN tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ trên DVC. Sau khi kiểm tra xong, KBNN gửi trả thông báo kết quả tiếp nhận (hoặc từ chối) hồ sơ cho đơn vị trên DVC.
Bước 3: Cán bộ KBNN kiểm soát thanh toán.
Bước 4: Cán bộ KBNN thông báo kết quả kiểm soát thanh toán trên DVC cho đơn vị.
Bước 5: Đơn vị nhận thông báo kết quả kiểm soát thanh toán.
Góp phần triển khai hiệu quả, lộ trình dịch vụ công trực tuyến
Để triển khai DVC theo đúng kế hoạch và đạt được mục tiêu đề ra của dự án, công tác chuẩn bị triển khai DVC diện rộng là nhiệm vụ rất quan trọng và là điều kiện cần thiết để quyết định thành công của dự án. Theo đó, các công việc đang và sẽ được KBNN triển khai thuộc kế hoạch của dự án, cụ thể như:
Thứ nhất, để có căn cứ pháp lý cho các đơn vị có quan hệ với ngân sách, chủ đầu tư, các đơn vị KBNN triển khai diện rộng các DVC, KBNN đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ KBNN thay thế Quyết định 2704/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 17/12/2015 về việc thí điểm thủ tục giao dịch điện tử đối với DVC trên Cổng Thông tin điện tử KBNN.
Thứ hai, nâng cấp một số tính năng của ứng dụng để phù hợp với quy trình nghiệp vụ hơn, nhằm hạn chế các sai sót và giảm thiểu các bước trung gian trong quá trình sử dụng (như đăng ký DVC trực tuyến; Nâng cấp chức năng mã hóa chứng thư số từ chuẩn SHA1 lên chuẩn SHA2; Tích hợp chứng thư số công cộng của 4 nhà cung cấp dịch vụ chứng thư số; Nâng cấp chương trình đáp ứng theo đúng mô hình thống nhất đầu mối kiểm soát chi; Bổ sung phần đăng ký chi tiêu tiền mặt). Dự kiến, chương trình ứng dụng sẽ hoàn thiện và thực hiện kiểm thử trong thời gian tới để phục vụ triển khai trên diện rộng theo đúng kế hoạch.
Thứ ba, đối với các đơn vị tham gia DVC, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn 5608/BTC-KBNN gửi các bộ, địa phương về việc chuẩn bị các điều kiện để tham gia DVC trực tuyến của KBNN. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ chỉ đạo, phổ biến để các đơn vị thuộc và trực thuộc biết về các lợi ích khi tham gia DVC trực tuyến của KBNN, qua đó chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng tham gia DVC trực tuyến KBNN. Cụ thể, như kiện toàn lại nhân sự quản lý tài chính tại đơn vị; xác định thành phần tham gia để làm thủ tục cấp chứng thư số đảm bảo đúng quy định; đầu tư máy tính kết nối mạng internet; tạo lập thư điện tử liên lạc với KBNN để nhận thông tin và truyền hồ sơ chứng từ qua DVC đến KBNN nơi giao dịch...
Thứ tư, trước khi triển khai DVC trên phạm vi toàn quốc thời gian tới, KBNN sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình nghiệp vụ cũng như xây dựng phương án hỗ trợ vận hành, sử dụng DVC trực tuyến theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định 156/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2007/NĐ-CP ngày 23/2/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính;
2. Quyết định 2704/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 17/12/2015 về việc thí điểm thủ tục giao dịch điện tử đối với DVC trên Cổng Thông tin KBNN;
3. Quyết định 2700/QĐ-BTC ngày 30/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án “Nâng cấp Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính và tích hợp DVC điện tử”;
4. Quyết định 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015.