Nhiều khoản chi ngân sách sẽ được xử lý trong ngày
Từ tháng 10/2017, Kho bạc Nhà nước chính thức thực hiện thống nhất đầu mối kiểm soát chi ngân sách nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Đề án này giúp công tác kiểm soát chi được thực hiện theo hướng tập trung, thống nhất vào một đầu mối nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng, đồng thời đảm bảo tính minh bạch trong quản lý các nguồn lực tài chính của Nhà nước.
Rút ngắn thời gian xử lý chi đầu tư từ 7 ngày xuống 3 ngày
Đây là bước cải cách quan trọng để tháng 11/2017, Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẽ triển khai hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến, và tiến tới lộ trình từ nay đến năm 2020, nhiều khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ được xử lý trong ngày...
Trước khi triển khai Đề án, công tác kiểm soát chi NSNN trong hệ thống KBNN chưa tập trung vào một đầu mối mà được phân công cho 2 bộ phận để thực hiện (phòng, bộ phận kiểm soát chi thực hiện kiểm soát chi vốn đầu tư; phòng bộ phận kế toán thực hiện kiểm soát chi các khoản chi thường xuyên).
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, với mô hình này, mặc dù tương đối phù hợp với đặc thù của KBNN nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc giao dịch thanh toán với các đơn vị KBNN, chưa đảm bảo nguyên tắc tách bạch giữa nghiệp vụ kiểm soát chi và nghiệp vụ kế toán. Thời gian xử lý kiểm soát chi còn dài: 3 ngày khi xử lý chi thường xuyên, 7 ngày đối với chi đầu tư…
Nói về những thay đổi khi triển khai Đề án, ông Vũ Đức Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, KBNN cho biết, việc triển khai thực hiện Đề án sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong hoạt động giao dịch, thanh toán các khoản chi NSNN với KBNN. Do đó, các đơn vị, khách hàng chỉ gửi hồ sơ đề nghị thanh toán đến một công chức làm nhiệm vụ kiểm soát chi của KBNN nơi đơn vị mở tài khoản (bao gồm cả hồ sơ chi đầu tư và chi thường xuyên) theo đúng quy định: “một cửa, một giao dịch viên”, đồng thời nhận lại kết quả từ chính công chức kiểm soát chi đó khi nộp hồ sơ.
Ngoài ra, việc tập trung nhiệm vụ kiểm soát các khoản chi NSNN vào một đầu mối còn là cơ sở thuận lợi cho KBNN trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, mở tài khoản, giao nhận hồ sơ, thanh toán qua mạng. Đây còn là bước cải cách mạnh mẽ của KBNN khi đơn giản hồ sơ, chứng từ kiểm soát chi bằng cách giảm bớt và lồng ghép một số hồ sơ, chứng từ có cùng chỉ tiêu về chi thường xuyên và chi đầu tư thành một chứng từ.
Như vậy, mỗi đơn vị chỉ lập một hồ sơ, như thế sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí liên quan đến hồ sơ, chứng từ... Bước cải cách này sẽ tạo tiền đề thuận lợi để KBNN triển khai dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi toàn quốc từ tháng 11/2017, tiến tới thực hiện kiểm soát chi điện tử theo đúng tinh thần Nghị quyết số 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, chứng từ chi NSNN tại hệ thống KBNN.
“Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là cơ sở để tiến tới rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, chứng từ chi NSNN tại hệ thống KBNN. Đối với chi đầu tư, theo Nghị định 37 của Chính phủ, thời gian xử lý hồ sơ là 7 ngày. Năm 2016, Nghị quyết số 70 của Chính phủ yêu cầu cơ quan Kho bạc và Bộ Tài chính rút ngắn thời gian xuống còn 4 ngày. Tuy nhiên, trên thực tế trước khi triển khai Đề án, lãnh đạo KBNN đã quán triệt và chỉ đạo toàn hệ thống Kho bạc xử lý chi đầu tư rút xuống còn 3 ngày - giống chi thường xuyên. Đối với chi thường xuyên có rất nhiều khoản như: Chi an sinh xã hội, chi lương, chi cho con người, chi những việc cấp bách…, chúng tôi chỉ xử lý trong 1 ngày, khách hàng không phải chờ đợi nữa... Và đây sẽ là lộ trình mà Bộ Tài chính và Chính phủ đặt ra cho KBNN tiến tới từ nay đến 2020, nhiều khoản chi NSNN sẽ được xử lý trong ngày…” – ông Hiệp cho biết.
Xóa bỏ cấp trung gian trong cơ cấu tổ chức KBNN cấp huyện
Cũng theo ông Hiệp, thời gian tới công tác kiểm soát chi sẽ được đặc biệt chú trọng và chuyên nghiệp hóa. Theo đó, trong hệ thống KBNN sẽ tổ chức điều chỉnh lại nhiệm vụ giữa các phòng/bộ phận nghiệp vụ trong nội bộ các đơn vị KBNN theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi phòng.
Bộ phận kiểm soát chi thực hiện kiểm soát toàn bộ các khoản chi NSNN, bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư; thực hiện chức năng, nhiệm vụ hạch toán kế toán thu chi NSNN, thực hiện báo cáo thu chi NSNN, báo cáo tài chính và thực hiện chức năng tổng quyết toán NSNN. Việc điều chỉnh này hoàn toàn không ảnh hưởng đến các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Ngược lại sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị trong giao dịch thanh toán các khoản chi NSNN với KBNN, thông qua việc chỉ giao dịch với một cán bộ của bộ phận kiểm soát chi (bao gồm cả chi đầu tư và chi thường xuyên).
Bên cạnh đó, khi thực hiện Đề án, tổ chức bộ máy của KBNN cấp huyện được tinh gọn hơn, không còn đơn vị cấp tổ trong cơ cấu tổ chức tại KBNN cấp huyện và sẽ giảm khoảng hơn 1.300 đơn vị cấp tổ, góp phần từng bước giảm dần số biên chế hiện có theo đúng chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính...
Để đạt được các mục tiêu đặt ra, hiện KBNN đã lên kế hoạch chỉ đạo và hỗ trợ các KBNN địa phương trong thời gian đầu thực hiện Đề án. Theo đó, Ban triển khai thực hiện Đề án sẽ theo dõi, giám sát, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương. Tại KBNN luôn có đội hỗ trợ giúp các đơn vị KBNN trong hệ thống (hỗ trợ cả về kỹ thuật thực hiện trên TABMIS và các phần mềm ứng dụng và hỗ trợ, hướng dẫn xử lý những vướng mắc về cơ chế chính sách-PV) đảm bảo công tác kiểm soát chi, thanh toán và chuyển tiền cho đơn vị thụ hưởng được diễn ra bình thường.
KBNN tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát các đơn vị KBNN trong việc triển khai thực hiện đề án, đảm bảo việc giao dịch thanh toán của đơn vị với KBNN theo đúng nguyên tắc “một cửa, một giao dịch viên”. Tức là đơn vị chỉ gửi hồ sơ đến 1 công chức kiểm soát chi của KBNN và nhận kết quả từ đúng công chức kiểm soát chi đó; kiểm tra việc chấp hành quy trình và thời gian kiểm soát chi tại các đơn vị KBNN để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Ngoài ra, để tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, KBNN sẽ tiếp tục cùng với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, và các bộ, ngành chức năng trong việc rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý tài chính nói chung, quản lý và kiểm soát thanh toán các khoản chi NSNN nói riêng, trên nguyên tắc giảm bớt và đơn giản hơn nữa các hồ sơ thủ tục kiểm soát chi các đơn vị phải gửi đến KBNN; thực hiện phân quyền nhiều hơn nữa cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc quyết định chi NSNN (cả chi thường thường xuyên và chi đầu tư). Qua đó, nâng cao tính chủ động tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, đồng thời giảm tải khối lượng công việc cho các cán bộ kiểm soát chi của KBNN.
Về vấn đề này, Phó Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Quang Vinh khẳng định, việc thống nhất đầu mối kiểm soát chi là bước cải cách lớn của hệ thống KBNN trong thực hiện kiểm soát chi NSNN. Đề án đã đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.