Tạo đà cho phát triển kinh tế đối ngoại trong bối cảnh mới

Hà Thu Huyền

Sau gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế đối ngoại nước ta đã phát triển nhanh và mạnh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và tạo đà phát triển trong giai đoạn mới.

Tính đến hết ngày 15/9/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 454.58 tỷ USD.
Tính đến hết ngày 15/9/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 454.58 tỷ USD.

Tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế đối ngoại

Chủ trương phát triển kinh tế đối ngoại đúng đắn đã đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đưa kinh tế nước ta vượt qua tác động của các cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế, tiếp tục phát triển, trở thành điểm sáng trong khu vực và trên thế giới.

Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 189 nước và có quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn trên thế giới, có quan hệ thương mại với 224 đối tác, trong đó có hơn 70 nước là thị trường xuất khẩu, có quan hệ hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều hiệp định hợp tác khác với các nước và tổ chức quốc tế.

Việt Nam cũng chủ động tham gia định hình các khuôn khổ, nguyên tắc hợp tác và đóng góp có trách nhiệm tại Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM, APEC...

Việc mở rộng hợp tác quốc tế đã tạo đà cho kinh tế đối ngoại tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 20/9/2021, cả nước có 34.141 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 403,2 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 245,14 tỷ USD, bằng 60,8% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Hiện có 141 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc, với tổng vốn đăng ký gần 73,8 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư); Nhật Bản đứng thứ hai, với gần 63,9 tỷ USD (chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư)...

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 238,2 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với gần 61,3 tỷ USD (chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với trên 33,9 tỷ USD (chiếm 8,4% tổng vốn đầu tư).

Bên cạnh đó, hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm như: Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Mỹ, Australia... Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, bình quân giai đoạn 2006-2019 đạt 16,7% từ 39,8 tỷ USD năm 2006 lên 264,2 tỷ USD năm 2019, trong khi nhập khẩu tăng 15,4% từ 44,9 tỷ USD năm 2006 lên 253,1 tỷ USD năm 2019.

Năm 2021, dù dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thời gian giãn cách xã hội áp dụng tại nhiều tại các tỉnh, thành phố lớn của cả nước, song tình hình xuất nhập khẩu ghi nhận nhiều điểm sáng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến hết ngày 15/9/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 454.58 tỷ USD.

Làm gì để phát triển kinh tế đối ngoại hiệu quả?

Trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến động mới, đặc biệt là tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp trên nhằm thúc đẩy, phát triển kinh tế đối ngoại hiệu quả trong thời gian tới, bao gồm:

Một là, nâng cao nhận thức cho các cơ quan, đội ngũ cán bộ liên quan đến kinh tế đối ngoại và cộng động DN về chiến lược kinh tế đối ngoại, đặc biệt là về những diễn biến mới, thách thức mới và các cách thức ứng phó như: Bảo hộ với thương mại quốc tế, đứt gãy chuối cung ứng, các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá...

Hai là, tiếp tục sửa đổi và ban hành các quy định pháp luật phục vụ cho hoạt động kinh tế đối ngoại, phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế.

Ba là, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu.

Bốn là, xây dựng và phát triển các cơ sở hạ tầng để mở rộng kinh tế đối ngoại.

Năm là, đổi mới cơ cấu nhập khẩu theo hướng gia tăng nhập khẩu bằng phát minh sáng chế, các công nghệ mới...; chú trọng nhập khẩu các dịch vụ cần cho phát triển kinh tế đối ngoại, trước mắt như: Các dịch vụ tư vấn, các dịch vụ cung ứng vốn, các dịch vụ bảo hiểm, các dịch vụ viễn thông; tăng tỷ trọng nhập khẩu hàng tiêu dùng, giảm bớt hàng rào bảo hộ.

Sáu là, nghiên cứu rà soát các chính sách hỗ trợ cho DN tham gia vào hoạt động kinh tế đối ngoại. Về mặt vĩ mô, chủ động điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối hài hòa giữa yêu cầu xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu.

Bảy là, tăng cường hoạt động ngoại giao kinh tế để mở rộng thị trường xuất khẩu; phát triển hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại tại các khu vực thị trường lớn và tiềm năng; Tiếp tục phát huy vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài trong việc hỗ trợ tìm kiếm thị trường, chính sách của quốc gia sở tại, cũng như tăng cường bảo vệ hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới...

Tám là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho kinh tế đối ngoại. Trong thời gian tới, tiếp tục cử các cán bộ đi học các lớp ngắn hạn ở nước ngoài chuyên về các quan hệ kinh tế quốc tế, kỹ thuật đàm phán quốc tế và luật pháp quốc tế. Tăng cường đầu tư cho các trường đại học đào tạo các chuyên ngành quốc tế, cho các viện nghiên cứu quốc tế, cho các bộ phận nghiên cứu tìm hiểu thị trường, cho các trường dạy những nghề phục vụ cho hoạt động kinh tế đối ngoại...

Việc mở rộng hợp tác quốc tế đã tạo đà cho kinh tế đối ngoại tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 20/9/2021, cả nước có 34.141 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 403,2 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 245,14 tỷ USD, bằng 60,8% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Hiện có 141 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam.