Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách

PV.

Tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực, trong đó có quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách (NSNN) là một trong những nội dung trọng tâm trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN được hình thành từ chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Nguồn lực tài chính của các quỹ về cơ bản được hình thành từ các nguồn chính như: nguồn độc lập với NSNN, có nguồn thu và nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu và nhiệm vụ chi của ngân sách; NSNN cấp vốn điều lệ ban đầu khi thành lập, không hỗ trợ kinh phí hoạt động; NSNN hỗ trợ kinh phí hoạt động và vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, còn có các quỹ xã hội, quỹ từ thiện do các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và địa phương thành lập nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khuyến học, từ thiện, nhân đạo, phát triển cộng đồng, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện được Nhà nước cấp kinh phí hỗ trợ đối với những hoạt động gắn với các nhiệm vụ của Nhà nước giao.

Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện nay, có khoảng trên 40 quỹ/loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở trung ương và địa phương. Các loại quỹ rất đa dạng và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, được quản lý bởi nhiều bộ, ngành, địa phương và có quy mô khác nhau.

Các quỹ hiện nay được tổ chức chủ yếu theo 3 phương thức: hoạt động theo mô hình kiêm nhiệm được quản lý bởi các cơ quan nhà nước, đơn vị, tổ chức có hoạt động hỗ trợ của ngân sách nhà nước; hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập; hoạt động theo mô hình chuyên biệt (công ty TNHH một thành viên).

Trong nhiều năm qua, việc thành lập và hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN đã góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN đã được quan tâm, góp phần chấn chỉnh các sai phạm và tăng cường hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng của một số quỹ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hệ thống pháp luật và việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN quy định về nguồn tài chính hình thành, mô hình tổ chức, hoạt động của các quỹ còn phức tạp, thiếu thống nhất và chưa có một văn bản pháp luật mang tính khuôn khổ pháp lý chung để quản lý các quỹ một cách thống nhất...

Trong Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1845/QĐ-TTg ngày 2/11/2021 vừa được ban hành, Chính phủ đề ra chỉ tiêu đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp và tăng cường quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo quy định tại Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 ngày 22/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 27/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ để giảm dần số lượng, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực tài chính quốc gia.

Bên cạnh đó, rà soát các văn ban quy phạm pháp luật có liên quan trong quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tế và hệ thống pháp luật. Tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Nhằm tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 đối với các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, Chính phủ đề ra giải pháp đẩy mạnh rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Xây dựng lộ trình cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giám sát hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; xây dựng, kiện toàn bộ máy quản lý và nâng cao năng lực cán bộ nhằm quản lý, sử dụng nguồn lực của các quỹ có hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, công khai trong xây dựng; thực hiện kế hoạch tài chính của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan.

Liên quan đến các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, ngày 13/10/2021, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 90/2021/TT-BTC hướng dẫn kế toán áp dụng cho quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Tại Thông tư này, Bộ Tài chính đã có những quy định, hướng dẫn chi tiết về chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính... cho hoạt động của các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.