Xây dựng nền tài chính công vững mạnh, mở rộng cơ sở thu bền vững

Việt Hoàng

Tại “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030” ban hành theo Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022, Chính phủ phấn đấu xây dựng nền tài chính công vững mạnh, mở rộng cơ sở thu bền vững để cải thiện các chỉ số nợ và thúc đẩy củng cố tài khóa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tại Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030, Chính phủ đề ra những mục tiêu quan trọng, trong đó, phấn đấu đến năm 2030 đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody's) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch) trở lên; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả giai đoạn đạt khoảng 7%/năm; GDP đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP.

Ngoài ra, phấn đấu bội chi ngân sách Nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP; nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu các ngân hàng thương mại giai đoạn 2021-2025 đạt 11-12%, đến năm 2030 duy trì tối thiểu 12%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%; giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính.

Để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn 5 năm; Cải thiện chất lượng thể chế, quản trị, tăng cường công khai, minh bạch dữ liệu phù hợp với thông lệ quốc tế; Xây dựng nền tài chính công vững mạnh, mở rộng cơ sở thu bền vững để cải thiện các chỉ số nợ và thúc đẩy củng cố tài khóa; Tăng cường hiệu quả, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tăng cường hợp tác với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các tổ chức quốc tế.

Trong đó, tập trung củng cố nền tảng tài khóa lành mạnh, tập trung cải thiện điểm số về thu ngân sách thông qua hoàn thiện hệ thống chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thực tiễn, các cam kết hội nhập và thông lệ quốc tế tốt. Cải thiện các chỉ số tài khóa, giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ so với GDP.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường minh bạch chính sách tài khóa; đẩy mạnh việc quản lý, điều hành tài chính ngân sách theo trung hạn, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn với kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm; thực hiện kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm theo quy định của luật pháp và thông lệ quốc tế; tăng cường áp dụng các thông lệ quốc tế tốt trong quản lý rủi ro danh mục nợ Chính phủ, đảm bảo vay nợ bền vững. 

Bên cạnh đó, tập trung cải thiện cơ cấu và chất lượng của khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước để giảm rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng đối với ngân sách nhà nước.

Cụ thể, tăng cường xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu phát sinh, tiếp tục tái cấu trúc ngành ngân hàng, giảm thiểu rủi ro nợ xấu thông qua các biện pháp tăng cường vốn hóa các ngân hàng thương mại, cải thiện chất lượng tài sản và các khoản cho vay của ngân hàng, cải thiện tỷ lệ tài sản và nợ, đẩy mạnh tiến độ xử lý các tài sản có vấn đề/nợ xấu còn lại.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp tín dụng, mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ vào các lĩnh vực rủi ro cao.

Ngoài ra, theo dõi sát, đảm bảo mọi khoản vay Chính phủ bảo đảm được thanh toán đầy đủ, đúng hạn; tiếp tục thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa; tăng cường tính minh bạch, công khai dữ liệu của ngân hàng và doanh nghiệp để cải thiện khả năng dự báo về hiệu quả tài chính.   

Đề án được thực hiện gắn với quá trình triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn 5 năm và hằng năm. Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm năm năm đầu thực hiện Đề án vào năm 2026; chủ trì, phối hợp với các cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mục tiêu, nội dung Đề án khi cần thiết.

Đồng thời giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tiếp nhận và xử lý các câu hỏi, đề nghị cung cấp thông tin liên quan từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tổ chức các hoạt động quảng bá tới nhà đầu tư, tổng hợp kết quả đánh giá báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Chủ trì kiện toàn Tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới hoạt động xếp hạng tín nhiệm quốc gia nhằm tăng cường công tác cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia.

Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phối hợp với Bộ Tài chính xử lý và giải trình các thông tin cho các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với các câu hỏi phát sinh sau các buổi làm việc với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hoặc khi có đề nghị từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý theo quy định, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và thời gian; đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai các nhiệm vụ của Đề án theo phân công.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan có trách nhiệm chỉ đạo, tham gia thực hiện các nội dung liên quan của Đề án; chủ động phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thực hiện các công việc liên quan đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia; chịu trách nhiệm cung cấp, giải trình đối với các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.