Sữa Ensure "không được bán ở Việt Nam" tràn ngập thị trường
(Tài chính) Nhà sản xuất khẳng định việc dán nhãn hạn chế thị trường là nhằm chống buôn lậu, song kể từ khi việc này được thực hiện, tình trạng buôn lậu lại tăng lên.
Cục Điều tra Chống buôn lậu và Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh vừa cho biết trong tháng 12/2014, các đơn vị này đã phát hiện và tạm giữ 3 container sữa nước, vốn được khai báo trước đó là lưới thép, tại cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh).
Trong lô hàng này, hải quan phát hiện gần 8.000 thùng sản phẩm Abbott Ensure Nutrition Shake (loại 30 chai một thùng) và 200 thùng Abbott Glucerna (20 chai một thùng). Trên nhãn mặt hàng Ensure Nutrition Shake đều ghi dòng chữ “Not to be sold in Vietnam or Mexico” (Không bán tại Việt Nam và Mexico). Các sản phẩm dán nhãn này không được Bộ Y tế cho phép kiểm tra chất lượng để nhập khẩu vào thị trường Việt Nam
Trước đó trong cả năm 2014, Chi cục quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết trong số 272 vụ buôn bán thực phẩm nhập lậu bị phát hiện thì riêng đối với mặt hàng sữa, đơn vị này đã phát hiện gần 37.000 sản phẩm Ensure Nutrition Shake loại tương tự.
Không được phép nhập khẩu và bán trên thị trường Việt Nam, song theo khảo sát của VnExpress, sản phẩm nêu trên hiện được bán khá phổ biến tại các đại lý sữa trên địa bàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... với giá 35.000-38.000 đồng một chai Ensure Nutitrion Shake thể tích 237 ml. Ngoài ra, tại các cửa hàng cũng xuất hiện một sản phẩm có tên tương tự, nhưng không dán nhãn hạn chế thị trường với giá thấp hơn khá nhiều - khoảng 26.000 đồng mỗi chai.
Trao đổi với VnExpress, ông Đỗ Thái Vương - Giám đốc đối ngoại Abbott Việt Nam xác nhận cả 2 loại sản phẩm nêu trên cùng được hãng này sản xuất và có giá trị sử dụng như nhau. Tuy nhiên, loại không ghi nhãn hạn chế thị trường là sản phẩm được cấp phép tại Việt Nam và nhập khẩu chính hãng qua đơn vị ủy quyền là Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (đã được Abbott mua lại năm 2012). Trong khi đó, loại dán nhãn hạn chế được các doanh nghiệp khác nhập, hoặc là hàng "xách tay" nên phía Abbott Việt Nam không chịu trách nhiệm về những sản phẩm này, do không tham gia vào quá trình vận chuyển để đảm bảo chất lượng.
Lý giải trước đó với Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), đại diện Abbott cho biết việc ghi nhãn hạn chế nêu trên bắt đầu từ năm 2013 và không xuất phát từ vấn đề chất lượng, khi mà sản phẩm vẫn đang được lưu hành tự do tại Mỹ. Việc làm này chỉ nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp khác (ngoài 3A) nhập khẩu sản phẩm cùng loại để cạnh tranh và chống việc buôn lậu.
Theo ông Lê Nam, chuyên gia về marketing, việc ghi thêm dòng chữ giới hạn lưu thông thị trường, ngoài cảnh báo về chất lượng, nhà sản xuất và đơn vị phân phối có thể có mục đích riêng. Theo đó, Abbott từng cung cấp sản phẩm Ensure thông qua 3A và một số công ty khác. Tuy nhiên, từ tháng 8/2012, khi hãng này mua lại 3A, việc thu hẹp hệ thống phân phối về riêng cho doanh nghiệp này có thể giúp Abbott gia tăng sức mạnh thị trường, đồng thời tránh rủi ro, không phải chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm có ghi nhãn hạn chế, lại được bán trên thị trường Việt Nam.
"Đây có thể là cách làm của một doanh nghiệp khi muốn tạo dựng vị thế độc quyền trên thị trường. Còn về giá trị sử dụng, do mặt hàng này vẫn đang được bán phổ biến ở Mỹ nên tôi không thấy có vấn đề gì về chất lượng với các sản phẩm được dán nhãn hạn chế thị trường”, vị này nhận định.
Theo báo cáo vừa được Ban chỉ đạo 389 gửi tới các cơ quan chức năng về tình hình nhập lậu sữa, kể từ khi phía Abbott dán loại nhãn trên lên sản phẩm và không được Bộ Y tế cho phép nhập khẩu (tháng 8/2014), tình trạng nhập lậu sản phẩm Ensure Nutrition Shake lại có dấu hiệu gia tăng.
Cụ thể, Ban chỉ đạo cho biết một số doanh nghiệp đã lợi dụng sơ hở trong việc hướng dẫn hồ sơ xin cấp xác nhận công bố chất lượng sản phẩm để làm giả chứng từ, tài liệu công bố chất lượng cũng như bản chứng nhận lưu hành sản phẩm tự do tại Mỹ. "Khi đến Việt Nam trong thời gian đợi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra, không ít doanh nghiệp đã tự ý giải tỏa lô hàng để cung cấp sản phẩm ra thị trường”, Ban chỉ đạo 389 cho hay.
Việc gia tăng nhập lậu mặt hàng sữa nước Ensure như hiện nay, theo tính toán của cơ quan này, đã làm Nhà nước thất thu khoảng 40-50 tỷ đồng tiền thuế mỗi năm. Đây là sản phẩm mà người tiêu dùng không được đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Do đó, Ban chỉ đạo 389 đã yêu cầu một số bộ, ngành liên quan rà soát sửa đổi bổ sung quy định trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thực phẩm nhập khẩu, trong đó có sản phẩm chất dinh dưỡng Ensure nước. Đồng thời đề nghị Bộ Y tế làm rõ với công ty Abbott tại Mỹ về chất lượng của loại sản phẩm Ensure trên bao bì có in nhãn hạn chế thị trường.
"Nếu chỉ nhằm mục đích chống nhập lậu và sản phẩm này vẫn đang được lưu hành tại nước sản xuất thì Abbott cần thay đổi việc ghi dòng chữ mang tính kỳ thị phân biệt bằng biện pháp quản lý khác phù hợp hơn. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam để chống tình trạng buôn lậu mặt hàng Ensure nước", đại diện Ban chỉ đạo 389 khẳng định.