Giải pháp phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới:

Tác động của chính sách trong khuyến khích, hỗ trợ hoạt động

Theo Cẩm Trúc - Thanh Đồng/ Báo Đồng Khởi

Các chính sách ưu đãi của Nhà nước là động lực cho phát triển kinh tế tập thể (KTTT). Tuy nhiên, việc đưa chính sách vào thực tế để khuyến khích, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) vẫn còn nhiều bất cập.

Hợp tác xã Cây giống, hoa kiểng Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách. Ảnh: C. Trúc
Hợp tác xã Cây giống, hoa kiểng Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách. Ảnh: C. Trúc

Tạo điều kiện để phát triển

Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX phát triển, HĐND tỉnh Bến Tre đã ban hành nhiều chính sách. Cụ thể, Nghị quyết số 06/2013/NQ-HđND ngày 11/7/2013 về quy định mức chi hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX; Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 6/7/2018 về một số chính sách khuyến khích phát triển HTX trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND ngày 6-7-2018 về việc thông qua đề án thành lập Quỹ phát triển HTX tỉnh; Nghị quyết số 02/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển HTX, liên hiệp HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Qua đó, đã hỗ trợ thành lập mới, trang thiết bị văn phòng, thu hút nguồn nhân lực, đầu tư kết cấu hạ tầng cho các HTX. Ngoài ra, còn có các chính sách về đất đai, tài chính tín dụng, khoa học và công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, thuế và các chính sách khác dành cho HTX, THT.

Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, hàng năm, tỉnh Bến Tre đều có ưu tiên cân đối nguồn kinh phí cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ điều hành HTX, nhằm nâng cao năng lực quản trị, điều hành của cán bộ quản lý, xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh; tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, áp dụng các mô hình tiên tiến, điển hình vào thực tế hoạt động HTX.

Tại huyện Thạnh Phú, hiện nay, UBND tỉnh Bến Tre đã có quyết định cho thuê đất đối với 3 HTX (HTX Vận tải thủy bộ Thạnh Phú, HTX Lúa tôm Thạnh Phú, HTX dừa Phú Nông), còn lại HTX Nông nghiệp Thới Thạnh đang thực hiện thủ tục thuê đất theo quy định. Nguồn vốn khoa học công nghệ huyện Thạnh Phú hỗ trợ xây dựng và phát triển các nhãn hiệu tập thể như: chổi Mỹ An, lúa sạch Thạnh Phú, tép rang dừa Mỹ Hưng và nhãn hiệu chứng nhận xoài tứ quý Thạnh Phú; hỗ trợ HTX dừa Phú Nông xây dựng quy trình sản xuất nước chấm hữu cơ.

Công tác hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho khu vực KTTT, HTX rất được quan tâm thông qua nhiều nguồn vốn. Cụ thể, Dự án AMD đã hỗ trợ HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Phong xây dựng nhà xưởng chế biến sản phẩm xoài theo hình thức hợp tác công tư (PPP) với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ HTX dừa Phú Nông và HTX nông nghiệp Thới Thạnh thực hiện công trình đầu tư kết cấu hạ tầng với tổng kinh phí 1,9 tỷ đồng. Nguồn vốn khuyến công huyện đã hỗ trợ HTX dừa Phú Nông đầu tư máy rửa cơm dừa 30 triệu đồng, máy xay mụn dừa 60 triệu đồng; hỗ trợ HTX nông nghiệp Thới Thạnh trang bị dụng cụ sơ chế cơm dừa 20 triệu đồng. Hỗ trợ trang thiết bị văn phòng cho 8 HTX theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, với số tiền 160 triệu đồng.

Về tiếp cận vốn vay

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chính sách vào cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về tiếp cận vốn vay. Qua các đợt khảo sát thực tế cho thấy, đa số các HTX trên địa bàn tỉnh đều gặp khó về vốn sản xuất, kinh doanh nhưng lại khó tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp và phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.

Theo Phó chủ tịch UBND TP. Bến Tre Nguyễn Trúc Lâm, một trong những khó khăn của KTTT hiện nay là điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động của HTX còn thiếu, lạc hậu. Đa phần các HTX chưa có trụ sở làm việc, nhà kho, xưởng chế biến do chính sách giao đất, cho thuê đất đối với HTX nông nghiệp còn bất cập. Chính sách khuyến khích phát triển HTX được HĐND tỉnh ban hành mặc dù được triển khai nhưng các HTX chưa đủ điều kiện để tiếp nhận…

Ngoài ra, sự thiếu chủ động của đội ngũ quản lý, điều hành HTX, một bộ phận còn sự trông chờ, ỷ lại cũng là nguyên nhân các đơn vị không hiểu rõ để tiếp cận sự hỗ trợ từ chính sách. Như câu chuyện HTX Thủy sản Bình Minh, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú bị thua lỗ do ảnh hưởng của hạn mặn năm 2020 làm nghêu chết hàng loạt. Đến nay, HTX chưa được hỗ trợ về tiền thuê bãi nuôi nghêu được xác định nguyên nhân do HTX cũng như cán bộ quản lý HTX thiếu sự quan tâm để tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Theo Ban Chỉ đạo phát triển KTTT, HTX huyện Thạnh Phú, vốn từ khuyến công nên có ưu tiên hỗ trợ chuyển giao trang thiết bị. Quỹ Khoa học công nghệ cũng nên ưu tiên chuyển giao công nghệ. Quỹ HTX nên ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chức năng hỗ trợ HTX. Nên có nguồn kinh phí lãi suất thấp hoặc không lãi suất cho HTX đầu tư máy móc, trang thiết bị, công nghệ. Nguồn khác là từ ngân hàng. Cần có gói vay đặc thù cho HTX.

Ban Chỉ đạo phát triển KTTT, HTX TP. Bến Tre cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục quan tâm thực hiện chính sách khuyến khích phát triển của KTTT. Theo Phó chủ tịch UBND TP. Bến Tre Nguyễn Trúc Lâm, UBND tỉnh, Liên minh HTX tỉnh cần ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù cho KTTT, HTX về ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển. Ban hành hướng dẫn thực hiện việc khoanh nợ, xóa nợ thuế đối với các HTX thành lập trước khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực nhưng không còn hoạt động thuộc diện giải thể.

Đặc biệt, có chính sách ưu đãi về đất đai phù hợp để các HTX có điều kiện thuê đất làm trụ sở làm việc. Có cơ chế, chính sách miễn giảm thuế cho các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trong 3 năm đầu, vì đa phần các HTX này gặp nhiều khó khăn.

Sở Công Thương Bến tỉnh Tre hỗ trợ tạo điều kiện để HTX tham gia kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, liên kết hợp tác với doanh nghiệp lớn nhằm giải quyết đầu ra sản phẩm của HTX.

Các HTX cần chủ động quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu sâu các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Từ đó, HTX mạnh dạn đề xuất giải pháp, tiếp cận chính sách. Cán bộ quản lý HTX các cấp, từ cấp ủy đến chính quyền cần có sự vào cuộc thường xuyên, kịp thời nắm bắt khó khăn của các mô hình KTTT trên địa bàn mình quản lý để có hướng dẫn, giải pháp hỗ trợ đúng lúc, xác đáng.