Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông

PV.

Ngày 10/11/2015, tại Vĩnh Phúc, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác khuyến nông và Tuyên dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong hoạt động khuyến nông giai đoạn 2011 – 2015. Đây là sự kiện nhằm chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (14/11/1945 - 14/11/2015).

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia- TS.Phan Huy Thông báo cáo và phát biểu tại Hội nghị.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia- TS.Phan Huy Thông báo cáo và phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia TS.Phan Huy Thông cho biết, trong 5 năm qua 2011-2015), Bộ NN&PTNT phê duyệt 139 dự án khuyến nông Trung ương. Trong đó, Trung tâm chủ trì, triển khai thực hiện được 57 dự án, chiếm 41%.

Cụ thể, về lĩnh vực trồng trọt – lâm nghiệp, dự án sản xuất hạt giống lúa lai F1 (giai đoạn 2011 – 2013, 2014 – 2016) với diện tích 4.530 ha, năng suất bình quân các tổ hợp đạt 26 - 28 tạ/ha, cung ứng cho sản xuất khoảng 12.000 tấn hạt giống lúa lai F1. 5 dự án sản xuất cây ăn quả, 06 dự án về cây công nghiệp đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, gia tăng hiệu quả sản xuất cũng như lợi ích xã hội.

Chăn nuôi thú y chủ trì và quản lý 15 dự án, đến nay 15/15 dự án triển khai toàn quốc đều có kết quả nghiệm thu khá và đạt. Thủy sản có 6 dự án được triển khai, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của tàu, giảm chi phí, các mô hình đã tạo bước đột phá mới trong lĩnh vực khai thác thủy sản…

Bên cạnh đó, các địa phương đã triển khai xây dựng được gần 4.000 mô hình với khoảng 7.500 các điểm trình diễn, hỗ trợ 200.000 hộ nông dân áp dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mới vào sản xuất.

Tuy nhiên, theo ông Phan Huy Thông hoạt động khuyến nông trên cả nước còn gặp một số hạn chế. Ví dụ như mô hình tổ chức khuyến nông các cấp chưa thống nhất và cơ chế phối hợp hoạt động chưa chặt chẽ. Chính sách hỗ trợ, đầu tư cho khuyến nông ở các địa phương chưa đồng bộ. Hầu hết các địa phương chưa thực hiện đầu tư và quản lý khuyến nông theo chương trình, dự án. Hoạt động tư vấn dịch vụ còn hạn chế…

Ông Thông nhấn mạnh, trong thời kỳ hội nhập, giai đoạn 2016 - 2020 mục tiêu trọng tâm của khuyến nông là nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông nhằm thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ đẩy mạnh xây dựng và triển khai có hiệu quả các dự án, mô hình khuyến nông; tập trung sản xuất các sản phẩm chiến lược, chủ lực có lợi thế cạnh tranh và có công nghệ tiên tiến, có thị trường tốt. Nhân rộng các mô hình, gương sản xuất giỏi, cac điển hình tiên tiến, đồng thời đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền để người dân nắm bắt và áp dụng. Song song đó, tăng cường và đổi mới hoạt động đào tạo huấn luyện cả về phương pháp và nội dung. Mở rộng nội dung và nâng cao chất lượng tư vấn, dịch vụ khuyến nông.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng biểu dương các trung tâm khuyến nông, trạm khuyến nông, cán bộ khuyến nông giỏi địa phương sâu sát với thực tiễn sản xuất, được chính quyền địa phương các cấp và bà con nông dân đánh giá cao như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp... đã có thành tích tỏng việc hướng dẫn bà con nông dân áp dụng kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa trong trong sản xuất, triển khai sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn…

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định, trong thời gian tới, “Sản xuất nông nghiệp và nông sản hàng hóa của Việt Nam sẽ phải tuân thủ theo các quy định, thông lệ của quốc tế. Hệ thống khuyến nông Việt Nam phải là lực lượng xung kích, chủ lực để triển khai các nhiệm vụ quan trọng này.”, Thứ trưởng nói.

Đồng tình với nhiệm vụ quan trọng mà khuyên nông phải thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh một số nội dung mà Trung tâm cần thực hiện. Trước tiên, hoạt động khuyến nông phải bám sát chủ trương tái cơ cấu của ngành và xây dựng nông thôn mới để xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông có hiệu quả. Đầu tư phải trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực đầu tư cho các sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ và những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển; lựa chọn các tiến bộ khoa học công nghệ có khả năng bứt phá và có sức lan tỏa mạnh, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên phạm vi rộng về chất lượng và hiệu quả kinh tế, bền vững về môi trường.

Tiếp theo là cải tiến, đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động theo cách tiếp cận mới, kết hợp giữa khuyến nông kỹ thuật với khuyến nông kinh tế - thị trường; kết hợp giữa khuyến nông truyền thống và khuyến nông hiện đại; kết hợp giữa khuyến nông trung ương và khuyến nông địa phương; kết hợp giữa khuyến nông Nhà nước và khuyến nông ngoài nhà nước, giữa trong nước và quốc tế để huy động nhiều nguồn lực và tranh thủ kinh nghiệm, phương pháp khuyến nông nhằm nâng cao hiệu quả; cần tránh cách làm theo lối mòn, hoặc mang tính hành chính, xa rời thực tế.

Ba là chủ động tiếp cận, nắm bắt những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến có hiệu quả, có sức lan tỏa nhanh, những mô hình tổ chức quản lý sản xuất hiệu quả để chuyển giao vào sản xuất, phục vụ bà con nông dân.

Đặc biệt là tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và đề xuất bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách khuyến nông theo Nghị định 02/2010/NĐ-CP và các văn bản liên quan cho phù hợp với sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tình hình mới…

Cùng ngày, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã trao tặng Bằng khen của Bộ NN&PTNT cho 10 tập thể và 13 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông giai đoạn 2011 - 2015 đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ban Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã trao tặng Giấy khen cho 49 tập thể và 37 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông giai đoạn 2011 – 2015.