5 vấn đề then chốt để tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030

Theo Vũ Long/laodong.vn

Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030 cần tập trung giải quyết 5 vấn đề cốt lõi mang tính bao trùm.

Vấn đề chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững đang được Việt Nam quyết tâm theo đuổi. Ảnh: Vũ Long
Vấn đề chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững đang được Việt Nam quyết tâm theo đuổi. Ảnh: Vũ Long

Nhằm cụ thể hóa chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, ngày 22/7/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 với 4 mục tiêu quan trọng: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. 

Các đại biểu đánh giá vai trò của chuyển đổi năng lượng trong tăng trưởng xanh. Ảnh: N.Vân
Các đại biểu đánh giá vai trò của chuyển đổi năng lượng trong tăng trưởng xanh. Ảnh: N.Vân

Liên quan tới chiến lược này, tại Hội thảo tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh” sáng 17/8, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng để hiện thực hóa được các mục tiêu về chuyển đổi năng lượng và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết, thì vấn đề lớn nhất ở đây chính là nguồn lực thực hiện. Bà Ngọc cũng nêu ý kiến về 5 vấn đề liên quan đến quá trình chuyển dịch năng lượng trong thời gian tới:

Thứ nhất, cần tính toán kỹ lưỡng lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ hai, quá trình chuyển dịch năng lượng cần giảm thiểu tối đa tác động tới các nhóm và đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó đặc biệt lưu ý đến tác động của tăng giá điện đối với các hộ gia đình nghèo và việc chuyển đổi, mất việc làm của người lao động trong các ngành, lĩnh vực chẳng hạn từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Thứ ba, quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan từ trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân.

Thứ tư, quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững muốn thành công cần phải có sự cam kết hỗ trợ về mặt tài chính/kỹ thuật thực sự từ các quốc gia phát triển.

Thứ năm, trong quá trình triển khai chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững cần thực thi có hiệu quả công tác đánh giá, kiểm tra, giám sát và các chế tài liên quan để hạn chế, cắt giảm đầu tư và có lộ trình thay thế, đóng cửa các cơ sở sản xuất ô nhiễm, hạ tầng phát thải nhiều carbon.