Các yếu tố tác động đến mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp Việt Nam
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ và đẩy mạnh ứng dụng phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến xây dựng đô thị thông minh… đã đặt ra rất nhiều yêu cầu cần phải đổi mới với các doanh nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Bằng phương pháp nghiên cứu định tính, định lượng với sự trợ giúp của phần mềm SPSS20, bài viết này phân tích các yếu tố tác động đến mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số tại các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời đề xuất một số gợi ý.
Đặt vấn đề
Chuyển đổi số (Digital Transformation) trong thời đại internet bùng nổ, đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, mô tả việc ứng dụng công nghệ (digitalize) vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp (DN). Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện (transformation) cách thức mà một doanh nghiệp hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.
Ngày nay, thuật ngữ “chuyển đổi số” đã dần trở nên quen thuộc đối với công chúng. Các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số sẽ trở thành xu hướng bắt buộc đối với các DN trong thời đại toàn cầu hóa và internet bùng nổ. Chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược là, nếu đứng ngoài cuộc thì các DN sớm hay muộn cũng sẽ thất bại.
Theo khảo sát năm 2018 của IDC, chuyển đổi số đang trở thành chiến lược tại các doanh nghiệp, tổ chức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Gần 90% doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số với các bước khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu, cho tới bắt đầu triển khai, thực hiện. Hơn 30% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát xem chuyển đổi số là vấn đề sống còn, xác nhận hiệu quả trên nhiều khía cạnh như thấu hiểu khách hàng, tăng năng suất lao động, tăng tốc sáng tạo...
Theo nghiên cứu của Microsoft năm 2017 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2017, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP của cả khu vực là khoảng 6%, năm 2019 là 25% và dự kiến năm 2021 là 60%. Kết quả nghiên cứu của McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của Mỹ là khoảng 25%, Brazil là 35%, còn ở các nước châu Âu khoảng 36%. Các nghiên cứu này cho thấy, khả năng tác động của chuyển đổi số đối với tăng trưởng GDP là rất lớn. Vậy, các DN Việt Nam đã sẵn sàng cho chuyển đổi số để đón đầu xu thế và phát triển trong thời đại mới hay chưa là vấn đề đặt ra cần có lời giải.
Một số khái niệm cơ bản về chuyển đổi số và số hóa
Chuyển đổi số
Rất khó có được một định nghĩa rõ ràng và cụ thể về chuyển đổi số, bởi vì quá trình áp dụng chuyển đổi số sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau. Tác giả liệt kê và hệ thống hóa lại các định nghĩa về chuyển đổi số đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng như sau:
Theo Gartner (Prentice 2017): Chuyển đổi kinh doanh kỹ thuật số là một nỗ lực để tạo ra các nền tảng được kết nối và dòng doanh thu công nghiệp mới. Đây là hành trình kỹ thuật số có sự tham gia theo đuổi dòng doanh thu mới, sản phẩm/dịch vụ và mô hình kinh doanh. Nó được ưa chuộng bởi các DN phải thích ứng với một ngành công nghiệp bị gián đoạn, hoặc những DN muốn phá vỡ ngành công nghiệp của họ.
Theo Microsoft, chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo ra những giá trị mới.
Công ty cổ phần FPT cho rằng, chuyển đổi số trong tổ chức, DN là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang DN số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn, Internet vạn vật, điện toán đám mây... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.
Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.
Như vậy, để có thể định nghĩa ngắn gọn và dễ hiểu thì chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một DN, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của DN đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các DN, đòi hỏi các DN phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.
Số hóa
Theo Nguyễn Thành Phúc (2018): “Số hóa” là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số. Còn “chuyển đổi số” là khi có dữ liệu được số hoá, chúng ta sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác.
Theo Wikipedia, số hóa là quá trình chuyển đổi thông tin trên giấy và các quy trình thủ công thành định dạng kỹ thuật số, trong đó thông tin được tổ chức thành các bit và byte. Giống như quét một bức ảnh hoặc chuyển đổi một báo cáo giấy thành PDF. Dữ liệu không bị thay đổi - nó chỉ đơn giản được mã hóa theo định dạng kỹ thuật số.
Phương pháp nghiên cứu
Bài viết này sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Nghiên cứu định tính là việc tác giả tìm đọc các tài liệu có liên quan đến chuyển đổi số, số hóa; Chắt lọc và hệ thống lại các khái niệm, định nghĩa và mối liên hệ giữa số hóa và chuyển đổi số; Sau đó, tìm hiểu mục tiêu, nhu cầu, nội lực và khả năng năng của DN, những thuận lợi, khó khăn, môi trường kinh doanh bên trong và bên ngoài của DN để xây dựng mô hình nghiên cứu sơ bộ. Sau khi có được mô hình nghiên cứu sơ bộ, tác giả trao đổi với các chuyên gia là đồng nghiệp và bạn bè đang làm việc tại các DN để hiệu chỉnh và cho ra mô hình nghiên cứu ban đầu. Từ mô hình nghiên cứu ban đầu tác giả tiến hành xây dựng bảng câu hỏi khảo sát.
Nghiên cứu định lượng được tiến hành khảo sát số liệu từ thực tế DN dưới sự trợ giúp của các sinh viên đang đi thực tập tốt nghiệp và làm đồ án học phần. Sau khi có được số liệu tác giả tiến hành thực hiện việc chọn lọc và phân tích dữ liệu thông qua phần mềm SPSS20.
Kết quả nghiên cứu
Từ mô hình nghiên cứu ban đầu (Hình 1), tác giả tiến hành khảo sát thực tế tại DN. Tổng số phiếu phát ra là 120, tổng số phiếu thu vào là 111 đạt 92,5%.
Sau khi có số liệu khảo sát, tác giả tiến hành kiểm định thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha.
Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha (Bảng 1) cho thấy, tất cả các thang đo đều có hệ số Cronbach’s Alpha > 0.6 và hệ số tương quan biến tổng (Corrected Item -Total Correlation) > 0.3. Sau khi thực hiện kiểm định Cronbach’s Alpha tác giả phân tích nhân tố khám phá EFA để đảm bảo độ tin cậy của thang đo. Kết quả sau 3 lần phân tích EFA nêu chi tiết tại Bảng 2 và Bảng 3.
Bảng 2 cho thấy, kết quả kiểm định Bartlett’s giữa các biến trong tổng thể có mối tương quan với nhau (mức ý nghĩa sig = 0.000 (0.5 <KMO<1.0). Tổng phương sai trích là 79.023% có nghĩa là giải thích được 79,023% sự biến thiên của dữ liệu.
Như vậy, sau ba lần phân tích EFA đã loại bỏ 6 biến là MT1, MT2, MT3, KT1, KT2, KT3 (Bảng 3). Với hệ số tải nhân tố của các biến = 0.3 tương ứng cỡ mẫu 111 là phù hợp. Hệ số KMO = 0.733 sig = 0.00 < 0.05 cho thấy phân tích EFA là thích hợp. Tiếp đó, tác giả tiến hành phân tích hồi quy để xác định mức độ tác động của các biến độc lập đối với biến phụ thuộc để đưa ra các giải pháp khả thi. Kết quả phân tích hồi quy (Bảng 4).
Với R2 hiệu chỉnh bằng 0,981 tham số này giải thích rằng với 4 biến độc lập đưa vào phân tích có ảnh hưởng 98,1% sự thay đổi của biến phụ thuộc, còn lại 1,9% là do các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên.
Bảng 5 ANOVA giá trị sig của kiểm định F = 0.000 < 0.05 như vậy, mô hình hồi quy tuyến tính được xây dựng phù hợp với tổng thể.
Bảng 6 Coefficients giá trị sig của các biến đều nhỏ hơn 0.05 nghĩa là các biến đều có ý nghĩa thống kê trong mô hình. Hệ số hồi quy chuẩn hóa Beta đều mang dấu dương (+) có tác động tỷ lệ thuận đến biến phụ thuộc. Giá trị VIF của tất cả các biến độc lập đều bằng 1.000 < 2.000 nên không có hiện tượng đa cộng tuyến.
Từ những phân tích trên, có được phương trình hồi quy chuẩn hóa như sau:
Y = 4.042 x 10-17 + 0.947X1 + 0.266X4 + 0.099X2 + 0.069X3 + ε
Trong đó:
X1: Tổ chức đổi mới kinh doanh kỹ thuật số
X2: Mô hình kinh doanh nền tảng
X3: Các công nghệ đột phá
X4: Con người và văn hóa DN
ε: Sai số ngẫu nhiên
Trong mô hình trên, hằng số 4.042 x 10-17 là một số có giá trị rất nhỏ, xem như bằng 0. Như vậy, mô hình hồi quy của nghiên cứu này được thể hiện như Hình 2.
Kết luận và hàm ý chính sách
Yếu tố nào có giá trị tuyệt đối càng lớn thì mức độ ảnh hưởng càng cao. Từ mô hình phân tích hồi quy (Hình 2) có thể thấy, yếu tố “Tổ chức đổi mới kinh doanh kỹ thuật số” có tác động lớn nhất đến việc sẵn sàng chuyển đổi số của DN (0.947); kế tiếp là yếu tố “Con người và văn hóa DN” (0.266); kế tiếp là yếu tố “Mô hình kinh doanh nền tảng” (0.099) và cuối cùng là yếu tố “Các công nghệ đột phá” (0.069).
Như vậy, tổ chức đổi mới kinh doanh kỹ thuật số liên quan đến khả năng quản lý đổi mới của DN. DN cần xây dựng cho mình một chương trình đổi mới toàn diện, có lộ trình phù hợp với từng mục tiêu cụ thể của DN cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
Con người và văn hóa DN liên quan đến hành trình chuyển đổi số của DN, vì thế DN cần phải xây dựng một nền văn hóa chấp nhận rủi ro để đổi mới và phát triển; Luôn luôn vận dụng và hoàn thiện các kỹ năng, kỹ thuật số mạnh mẽ và hiện đại.
Mô hình kinh doanh nền tảng liên quan đến chiến lược chuyển đổi số của DN. DN phải lập cho mình một kế hoạch chiến lược cho các mô hình kinh doanh nền tảng, xác định được đây là mô hình kinh doanh cốt lõi trong tương lai, là một phần quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số của DN.
Các công nghệ đột phá liên quan đến các sáng kiến chuyển đổi số của DN. DN phải thường xuyên sử dụng các công nghệ nền tảng, cũng như các công cụ hỗ trợ và khả năng chuyển đổi tiếp theo trong tương lai để phục vụ các ứng dụng kinh doanh kỹ thuật số của doanh nghiệp một các xuyên suốt, có hệ thống, mang tính kế thừa và sẵn sàng tạo đột phá.
Nghiên cứu này được thực hiện trên một nhóm nhỏ các DN theo hình thức ngẫu nhiên và dựa trên sự thuận tiện của việc lấy mẫu, không đại diện cho một lĩnh vực kinh doanh hoặc ngành nghề cụ thể nào. Vì vậy, kết quả của nghiên cứu chỉ mang tính chất tham khảo, không mang tính khẳng định hoặc làm cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo.
Tài liệu tham khảo:
1. Đinh Phi Hổ, Võ Văn Nghị, Trần Phước (2019), Nghiên cứu định lượng trong Kế toán - Kiểm toán. NXB Tài chính;
2. Đinh Bá Hùng, Tô Ngọc Hoàng Kim (2017), Nghiên cứu khoa học trong kinh tế - xã hội & hướng dẫn viết luận văn. NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
3. Đinh Phi Hổ (2014), Phương pháp nghiên cứu kinh tế và viết luận văn thạc sỹ. NXB Phương Đông