Doanh nghiệp cần chuyển đổi số nhanh để biến nguy thành cơ

Theo Thanh Thanh/congthuong.vn

Đại dịch COVID-19 sẽ còn những ảnh hưởng khó lường, vì thế doanh nghiệp (DN) muốn giữ được chuỗi sản xuất, cung ứng ổn định buộc phải ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào trong sản xuất, kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xu hướng tất yếu

PGS., TS. Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội Tự động hóa TP. Hồ Chí Minh cho biết, các nước trên thế giới rất quan tâm đến chuyển đổi số và họ bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của DN, người lao động, vì khi hiểu rõ về những ưu điểm của chuyển đổi số họ mới tích cực tham gia.

Tại khu vực ASEAN, Singapore đã bắt đầu tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân về CĐS từ hơn 10 năm trước, còn Việt Nam mới được khoảng 4- 5 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước tham gia hội nhập sâu nhanh với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và có hiệu lực. DN muốn nắm bắt được những cơ hội do hội nhập mang lại thì phải nhanh chóng tái cơ cấu sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh, hướng đến nền sản xuất kinh doanh thông minh để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cho đến nay, TP. Hồ Chí Minh được xem là địa phương tiên phong, đầu tiên trong cả nước công bố chương trình chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, giúp hoàn thiện cấu trúc chính quyền điện tử. Thành phố đã công bố Chương trình chuyển đổi số và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố. Đến nay, thành phố đã triển khai trên 1.300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm hơn 40% tổng số dịch vụ công được cung cấp. Ứng dụng công nghệ 4.0 vào giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn hơn 99%.

Từ phía DN, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh - Trần Việt Anh, cho biết thời gian qua Hiệp hội đã thực hiện chương trình chuyển đổi số nhằm tư vấn và hỗ trợ DN vừa và nhỏ trên địa bàn tiếp cận với các gói giải pháp chuyển đổi số với chi phí phù hợp, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh dành khoảng 4 tỷ đồng hỗ trợ cho khoảng 300 DN nhỏ và vừa đăng ký chuyển đổi số tổ chức các chương trình tư vấn, tập huấn hướng dẫn DN lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số phù hợp.

Theo ông Nguyễn Phước Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật tự động ETEC (DN hàng đầu trong lĩnh vực tự động hóa công nghiệp tại Việt Nam) kinh nghiệm cho thấy khi thực hiện chuyển đổi số DN đã thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để hỗ trợ xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi số cho phù hợp và hiệu quả. Trong sản xuất có thể liên kết với một số hiệp hội, DN FDI để được hỗ trợ. Vì đây là chương trình đang được nhiều hiệp hội, DN FDI hỗ trợ thực hiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN để cùng tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm.

Đẩy nhanh chuyển đổi số

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động toàn diện đến tất cả các mặt đời sống kinh tế xã hội thì chuyển đổi số là cơ hội để biến nguy thành cơ. Do đó, đặt ra yêu cầu thành phố phải nỗ lực nhiều hơn đưa chương trình chuyển đổi số trở thành một nhân tố quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép - PGS., TS. Lê Hoài Quốc chia sẻ.

Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội DN Cơ khí điện TP. Hồ Chí Minh cho hay, hiện gần 100% DN FDI đang áp dụng chuyển đổi số trong các nhà máy sản xuất công nghiệp. Gần đây, nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đưa ra tiêu chí chọn nhà cung ứng sản phẩm đầu vào phải có nhà máy sản xuất chuyển đổi số. Còn những DN FDI không đưa ra tiêu chí trên nhưng cũng sẽ ưu tiên và tin tưởng đặt hàng những DN có nhà máy sản xuất ứng dụng công nghệ 4.0.

Để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số nhất là trong khu vực DN vừa và nhỏ cần hỗ trợ các DN về thông tin, đào tạo và đặc biệt là hỗ trợ về tài chính để chuyển đổi số. Về phía DN cần phải tìm hiểu kỹ hơn về chuyển đổi số để phù hợp với đặc thù của DN mình. Vì thế, chính quyền thành phố cần giúp các DN hiểu rõ hơn cần phải làm gì khi chuyển đổi số. Ngoài việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho chuyển đổi số cần hướng dẫn cho các DN ứng dụng chuyển đổi số sao cho hiệu quả nhất, nhanh chóng nhất, cũng như giới thiệu cho các DN nhỏ và vừa các gói hỗ trợ uy tín, các đối tác uy tín về ứng dụng chuyển đổi số - ông Trần Việt Anh chia sẻ.

Theo kinh nghiệm từ những DN đã thực hiện thành công chuyển đổi số tại thì các DN muốn chuyển đổi số phải có đội ngũ am hiểu về lĩnh vực này, chọn được đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, có nguồn lực về tài chính. Các DN nhỏ nguồn vốn có hạn nên tìm thêm nguồn lực bên ngoài như kêu gọi hợp tác đầu tư, vay vốn ngân hàng, tham gia các chương trình hỗ trợ từ các quỹ, hiệp hội… DN cần có chiến lược, sự đầu tư đúng đắn cũng như ưu tiên ứng dụng các công nghệ mới để đem lại hiệu quả và gia tăng lợi nhuận cho DN. Điều quan trọng là tư duy lãnh đạo cùng lộ trình phát triển công nghệ phải rõ ràng, kết hợp với việc bồi đắp năng lực nhân viên để thích nghi với sự chuyển mình của DN.