Gạo Việt Nam trước vận hội mới

Theo Lục Tùng/laodong.vn

Việc nhiều quốc gia đồng loạt hạ giá gạo xuất khẩu đã vô tình mở ra cơ hội mới cho gạo Việt Nam tăng tốc vươn ra biển lớn với tâm thế mới.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã khởi sắc trở lại.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã khởi sắc trở lại.

Áp lực từ “ông lớn”

Với việc chiếm 2/3 thị phần giao dịch gạo toàn cầu, Ấn Độ được xem là “ông lớn” của thị trường gạo thế giới. Vì vậy, mọi động thái của quốc gia này có ảnh hưởng lớn đến các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Năm 2022, với việc duy trì giá xuất gạo từ 334-386 USD/tấn, Ấn Độ đã hạ giá bán thấp hơn gạo Việt Nam 70-80USD/tấn. Đây là thách thức lớn trong bối cảnh giá nhiều loại vật tư đầu vào như xăng dầu, phân bón liên tục tăng. Đặc biệt là 2 năm gần đây do ảnh hưởng chiến tranh.

Tuy nhiên, trên thực tế người trồng lúa ở Ấn Độ vẫn có lợi nhuận do Chính phủ nước này áp dụng chính sách hỗ trợ. ThS. Nguyễn Phước Tuyên - nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp - cho biết, nông dân Ấn Độ được tài trợ phân bón giá rẻ (URE 1.631 đồng/kg; DAP  7.610 đồng/kg).

Chỉ tính trong tài khóa 2022-2023, Chính phủ Ấn Độ đã chi 14 tỷ USD để hỗ trợ chênh lệch giá phân bón cho nông dân. Chưa hết, Ấn Độ còn áp giá thu mua lúa tối thiểu tương đương 5.980 đồng/kg và sau đó mua 20 triệu tấn gạo hỗ trợ cho người nghèo. Điều này không chỉ khiến cho gạo Ấn Độ giành lợi thế sân nhà mà còn giành lợi thế ngay trên quốc gia là “đối thủ”. Cụ thể là Việt Nam, năm 2021 nhập khẩu 1,8 triệu tấn gạo và dự báo năm 2022 sẽ nhập trên 1 triệu tấn.

Biến “nguy” thành “cơ”

Trước những lợi thế của “cường quốc” xuất khẩu gạo, theo các chuyên gia, Việt Nam nên tận dụng cơ hội này làm thế mạnh cho riêng mình. Thay vì cạnh tranh trực tiếp với gạo giá rẻ của Ấn Độ, Việt Nam nên “mở cửa” đón nhận vào phục vụ cho nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản trong bối cảnh giá lúa mì và bắp tăng cao.

“Cách làm này không chỉ giảm áp lực đầu vào cho chăn nuôi, thủy sản, mà còn giúp Việt Nam có thêm cơ hội để tập trung trồng và xuất khẩu gạo ngon với giá cao” - ThS. Nguyễn Phước Tuyên nhấn mạnh.

Theo ThS. Nguyễn Phước Tuyên, dù người trồng lúa Thái Lan cũng được Chính phủ áp dụng 2 mức hỗ trợ, nhưng với lợi thế về chất lượng, gạo Việt Nam có được lợi thế từ sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Cụ thể, nông dân Thái Lan nhận 2 gói hỗ trợ từ Chính phủ: Hỗ trợ bảo đảm thu nhập cho nông dân trồng lúa tương đương 4 triệu đồng/ha và hỗ trợ bảo hiểm (giá lúa thơm Hom Mali 10.200 đồng/kg và lúa thường 6.800 đồng/kg...), nhưng gạo Việt với chất lượng đã được khẳng định trong đời sống, các loại gạo từ giống lúa ST và LT28 được bày bán trên các kệ hàng tại siêu thị, cửa hàng tại Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU), Hoa Kỳ và Canada...

Tuy còn ở mức khiêm tốn, nhưng điều này đã hé lộ hướng đi mới cho gạo Việt trên đường vươn ra biển lớn. Quả bóng nằm chân nhà chức trách.