Giá gạo xuất khẩu tăng là xu hướng tất yếu

Theo An Hòa/nhadautu.vn

Với chi phí đầu vào tăng, nhu cầu của thị trường tăng, nguồn cung giảm, theo dự báo từ các chuyên gia kinh tế, với những "dữ liệu" đầu vào như thế thì giá gạo xuất khẩu trong những tháng cuối năm khó có thể không tăng.

 Dự báo xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều yếu tố thuận lợi trong cả năm 2022. Ảnh LT
Dự báo xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều yếu tố thuận lợi trong cả năm 2022. Ảnh LT

Nhu cầu tăng, nguồn cung giảm

Ngày 8/9, Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các loại gạo xuất khẩu. Lý do mà quốc gia này phải hạn chế xuất khẩu gạo là do nhiều khu vực sản xuất lúa gạo trong nước đang bị ảnh hưởng của thiên tai, lượng mưa thiếu hụt làm sản lượng giảm mạnh, đe dọa đến an ninh lương thực của quốc gia.

Gạo Ấn Độ hiện xuất khẩu đến 150 quốc gia và chiếm hơn 40% gạo xuất khẩu toàn cầu. Trong những năm qua gạo Ấn Độ luôn cạnh tranh với gạo Thái Lan, Việt Nam, Pakistan Myanmar ở phân khúc phẩm cấp trung bình. Năm 2021, Ấn Độ đã xuất khẩu 21,5 triệu tấn gạo, nhiều hơn tổng số gạo của bốn nước xuất khẩu lớn gồm Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Thương mại Phước Thành IV, trong giai đoạn 2017 – 2018, Ấn Độ chỉ xuất khẩu khoảng 8 – 9 triệu tấn gạo/năm, khi đó giá gạo xuất khẩu của Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên, vào năm 2021, khi Ấn Độ đưa sản lượng gạo xuất khẩu lên trên 21 triệu tấn thì giá gạo trên thị trường bị sụt giảm mạnh.

"Có thể nói Ấn Độ là đối thủ rất "nặng ký" trong cạnh tranh xuất khẩu gạo ở phân khúc phẩm cấp trung bình. Việc cường quốc xuất khẩu gạo này áp thuế 20% đối với các loại gạo xuất khẩu sẽ làm cho giá gạo Ấn Độ đắt hơn gạo của nhiều quốc gia xuất khẩu khác, đây cũng là cơ hội để gạo Việt Nam lấy lại thị trường mà trước đây bị gạo Ấn Độ lấn áp", ông Thành nhận định.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), động thái mới nhất đáng chú ý từ thị trường gạo thương mại toàn cầu là việc Chính phủ Thái Lan quyết định chi khoảng 4 tỷ USD trợ cấp giá và tạm trữ lúa gạo nhằm không để nông dân phải bán gạo giá rẻ vào đầu mùa vụ. Ủy ban Quản lý và Phụ trách Quốc gia về lúa gạo Thái Lan cũng cho biết hiện nay giá thành sản xuất gạo của Thái Lan đã tăng gần gấp đôi so với 1 năm trước từ 130 USD/tấn lên 260 USD tấn nên nếu không có sự trợ giá và hỗ trợ tạm trữ thì nông dân sẽ bán ồ ạt khiến giá lúa gạo càng sụt giảm hơn, ảnh hưởng đến thu nhập của gần 5 triệu nông hộ.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Indonesia cũng cho biết, sản lượng lúa 8 tháng đầu năm 2022 của quốc gia này chỉ đạt 49,82 triệu tấn, giảm 5 triệu tấn so với mục tiêu 54,89 triệu tấn cho năm 2022.

Tương tự, Pakistan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ tư thế giới, dự báo sản lượng sản xuất giảm khoảng 10% trong năm 2022.

Trong khi đó, báo cáo tháng 8 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 512,4 triệu tấn, giảm 2,3 triệu tấn so với dự báo trước đó và giảm 1,2 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022 do sản lượng giảm tại Ấn Độ, Bangladesh và châu Âu.

Cùng với sản lượng giảm, tồn kho cuối kỳ trong niên vụ 2022-2023 được điều chỉnh giảm 4,2 triệu tấn xuống còn 178,5 triệu tấn. Trong khi đó, dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 lên mức kỷ lục 518,7 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với dự báo trước và tăng hơn 2 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022.

Sản lượng giảm khiến giá gạo tại nhiều nước tăng cao. Do đó, nhiều quốc gia nhập khẩu gạo đã tranh thủ tăng dự trữ để hạ nhiệt giá gạo nội địa. Đây được xem là cơ hội lớn cho các quốc gia xuất khẩu gạo đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

Cơ hội cho gạo Việt Nam

Động thái mới của thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam là mới đây thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice" của Tập đoàn Lộc Trời có mặt tại Hà Lan, Đức, Pháp và được bày bán tại hệ thống siêu thị hàng đầu châu Âu - Carrefour; gạo ST25 mang thương hiệu "A An" của Tập đoàn Tân Long chinh phục thị trường Nhật Bản và đã vào được bếp ăn của Văn phòng Nội các Nhật Bản.

Gạo Việt Nam đã tạo được "tiếng vang" trên thị trường gạo toàn cầu là yếu tố tác động tích cực đến thị trường xuất khẩu gạo Việt trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời, xuất khẩu gạo những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu từ thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc cũng sẽ tăng cao.

Nguyên nhân là do, lượng tồn kho ở Philipines đang thấp. Thực tế, trước đó, Cơ quan Thống kê Philippines (PSA) đã báo cáo rằng, tổng lượng gạo tồn kho của nước này tính đến tháng 6 đã giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 2,2 triệu tấn. Và cụ thể báo cáo tháng 8 của USDA cũng đã nâng dự báo nhập khẩu gạo của Philippines - quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới thêm 100.000 tấn so với ước tính trước đó, lên mức kỷ lục 3,2 triệu tấn trong năm nay. Con số này tăng 8,5% so với 2,9 triệu tấn của năm trước.

Với thị trường Trung Quốc, mặc dù chính sách Zero-COVID của nước này đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng, tuy nhiên do nhiều vùng sản xuất lương thực của quốc gia này cũng đang gặp phải thiên tai nên dự báo sản lượng lương thực sụt giảm mạnh, nhu cầu nhập khẩu cũng sẽ tăng. Với tập quán tiêu dùng, nhu cầu sử dụng gạo nếp trong các dịp lễ, tết những tháng cuối năm ở Trung Quốc đang tăng, đây sẽ là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam vì gạo nếp là chủng loại xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này.

Với thị trường EU, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine làm cho lúa mỳ bị thiếu hụt, giá lương thực tăng cao. Trong khi đó, hiện nay châu Âu và các quốc gia ở Nam Mỹ đang gặp tình trạng hạn hán khiến việc sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn. Để bù đắp phần thiếu hụt, các quốc gia châu Âu sẽ dịch chuyển sang mua của Việt Nam và các quốc gia sản xuất gạo.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt 4,7 triệu tấn gạo với tổng kim ngạch trên 2,3 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu gạo sang Philippines gần 2,3 triệu tấn; xuất khẩu gạo sang Trung Quốc hơn 520.000 tấn; xuất khẩu gạo sang Bờ biển Ngà gần 490.000 tấn; xuất khẩu gạo sang Malaysia 34.428 tấn. Đây cũng là 4 thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam nhiều nhất trong 8 tháng đầu năm nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, năm 2022, diện tích gieo trồng lúa đạt trên 7,2 triệu ha như kế hoạch, sản lượng thóc cả năm trên 43 triệu tấn, sản lượng gạo dành cho xuất khẩu đạt khoảng 6,5 – 6,7 triệu tấn.

"Năm nay dự báo xuất khẩu gạo sẽ gặp thuận lợi cả năm, nếu chỉ tính theo mức giá xuất khẩu bình quân 479 USD/tấn trong những tháng đầu năm nay thì kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm 2022 có khả năng đạt khoảng 3,2 - 3,3 tỷ USD", Thứ trưởng Tiến nhận định.