Tỉnh Quảng Nam:

Không "xài" hết vốn đầu tư công, trách nhiệm thuộc về ai?

Theo Trịnh Dũng/ Báo Quảng Nam

Kế hoạch giải ngân đạt đến 95 - 100% vốn đầu tư công năm 2021 (kể cả vốn 2020 kéo dài) chắc chắn không thể thực hiện được trong năm nay. Trách nhiệm thuộc về ai, xử lý như thế nào để không trở thành “căn bệnh mãn tính”, lưu cữu nhiều năm là chuyện đáng để bàn.

Hồ chứa nước Lộc Đại (Quế Sơn) là một trong những dự án đầu tư không đạt tiến độ giải ngân do vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: T.D
Hồ chứa nước Lộc Đại (Quế Sơn) là một trong những dự án đầu tư không đạt tiến độ giải ngân do vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: T.D

Không thể đạt tiến độ!

Cuối tháng 6, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt tiến độ (dưới 50%). Kể từ đó, dày đặc trong các báo cáo của chính quyền, cơ quan quản lý luôn xuất hiện cụm từ ngữ “cắt, điều chuyển hoặc trả vốn về ngân sách trung ương và địa phương”.

Một điều khá bất ngờ, chưa có tiền lệ trong lịch sử đầu tư công Quảng Nam là thay vì cố tình găm giữ vốn, hầu hết chủ đầu tư đều đề xuất xin giảm, cắt, điều chuyển... để có hy vọng gia tăng tỷ lệ giải ngân cho các dự án.

Thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Nam cho thấy, từ ngày 1/7/2021, UBND tỉnh đã quyết định điều chuyển hơn 1.081 tỷ đồng vốn đầu tư năm 2021, bao gồm 576,7 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài tỉnh vay lại năm 2021 đã cắt giảm.

Cụ thể: nguồn vốn ngân sách trung ương 294,9 tỷ đồng (kế hoạch vốn 2020 kéo dài 14,844 tỷ đồng) và nguồn ngân sách tỉnh 998,361 tỷ đồng (kế hoạch vốn 2020 kéo dài 138,149 tỷ đồng).

Thế nhưng, nỗ lực cắt giảm hay điều chuyển cũng không trở thành xung lực cho tiến độ giải ngân. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, tính đến ngày 12/11, tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 59,3% (bao gồm các dự án trung ương quản lý).

Sở Kế hoạch - Đầu tư cho hay, các dự án do địa phương quản lý đã giải ngân 62,8%/tổng số vốn đầu tư năm 2021. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2021 đã giải ngân 60,3% so kế hoạch vốn giao đầu năm, đạt 63,7% so với kế hoạch vốn 2021 sau khi điều chỉnh. Kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài cũng không khá hơn, khi chỉ đạt 60,8%.

Ông Trần Xuân Vinh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam nói, không thể đổ lỗi cho cơ chế, chính sách. Các chủ đầu tư phải xem lại trách nhiệm của mình khi không thể giải ngân hết vốn. Tại sao cũng cơ chế, chính sách ấy, nhưng các tỉnh, thành hay địa phương, ban quản lý khác lại có tỷ lệ giải ngân cao.

Có thể thấy tốc độ giải ngân mấy tháng qua đã tăng nhanh hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm, nhưng vẫn còn nhiều địa phương không chuyển biến đáng kể. Phước Sơn, Nam Trà My, Núi Thành, Tam Kỳ là ví dụ cụ thể, khi 4 địa phương này chưa đạt đến tỷ lệ 50% giải ngân.

Tại phiên họp giải ngân vốn đầu tư công ngày 19/11 mới đây, ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói, trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư. Các địa phương phải xem lại cách điều hành của mình như thế nào khi không thể tiêu hết vốn. Như với Núi Thành (chỉ đạt 39%), ông Quang đặt thẳng vấn đề tại sao không có thêm khối lượng.

“Nếu thấy không thể giải ngân được thì cắt hay điều chuyển cho dự án khác có khối lượng, không giữ vốn để làm gì. Hay tất cả công trình của huyện chẳng có dự án nào có khối lượng để tiêu tiền?” - ông Quang nói.

Lại điều chuyển, cắt, giảm vốn

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ tài chính 2021. Các chủ đầu tư một lần nữa cam kết cố gắng giải ngân vốn hết mức có thể, khi các thủ tục về đầu tư, đấu thầu hay giải phóng mặt bằng... đã hoàn tất.

Ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành thừa nhận năng lực địa phương yếu kém nên dù đã rà soát dự án nào không đủ khả năng thực hiện thì điều chuyển, nhưng không thể đạt tỷ lệ giải ngân tốt, chỉ mới dừng lại việc tạm ứng hoặc thanh toán một ít công trình có khối lượng. Sẽ cố gắng giải ngân, được chừng nào hay chừng ấy và số vốn không giải ngân địa phương xin điều chuyển hoặc trả về ngân sách, trong số 770 tỷ đồng vốn đã giao.

Ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam cho hay, nhiều dự án đã hoàn thành tư vấn, đấu thầu xây lắp... sẽ phấn đấu giải ngân hết vốn vào 31/1/2022. Ban đã rà soát xem xét (tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng) dự án nào giải ngân được thì để lại, dự án nào không thể thì sẽ xin giảm vốn.

Cắt, điều chuyển, trả vốn là những phương án được tiếp tục thực hiện. Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tự rà soát và điều chuyển vốn sang dự án khác để đạt tỷ lệ giải ngân, nếu không tỉnh cũng sẽ buộc phải cắt hay điều chuyển.

Ông Nguyễn Hưng - Trưởng phòng Quy hoạch tổng hợp Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, sở đã đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh giảm thêm 117,548 tỷ đồng nguồn ngân sách trung ương và 142,875 tỷ đồng nguồn ngân sách tỉnh. Dự kiến sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm và điều chuyển thêm hơn 24,114 tỷ đồng.

Cắt giảm hay điều chuyển vốn sẽ lại gia tăng tỷ lệ giải ngân, nhưng cũng chỉ là giải pháp nhất thời và cũng không dễ thực hiện khi vẫn còn quá nhiều dự án không có khối lượng.

Lượng vốn đầu tư công còn quá lớn (hơn 3.000 tỷ đồng) buộc phải giải ngân hết trong năm nay là điều không thể thực hiện được khi còn đến 11 chủ đầu tư cấp tỉnh có tỷ lệ giải ngân dưới 50% và hàng trăm dự án rải rác khắp Quảng Nam không thể giải ngân được đồng nào.

Dịch bệnh, thiên tai là bất khả kháng. Con người không thể kiểm soát được thì các yếu tố quyết định cho việc giải ngân vốn đầu tư công nhanh hay chậm, yếu hay mạnh đều nằm trong tay điều hành của cơ quan quản lý và các chủ đầu tư: kế hoạch phân bổ sớm, các ban quản lý, chủ đầu tư chuyên nghiệp, giải phóng mặt bằng hay quyết định tự mình điều chuyển, đề xuất cắt giảm để đạt tiến độ giải ngân. Nhưng tại sao năm nào cũng không thực hiện được? Thậm chí 2021 chỉ cho phép giải ngân trong vòng 1 năm cũng bất thành.

Không thể không đặt lên bàn nghị sự, quy rõ trách nhiệm thuộc về ai và xử lý thế nào? Khi một ai để đọng vốn nhà nước, có bị khiển trách, xử phạt hay cách chức? Khi địa phương hay ngành xin dự án, xin bổ sung quy hoạch, vì lợi ích chung, tỉnh có từ chối hay lại xuê xoa nể nang chấp nhận?

Tỉnh Quảng Nam có mạnh tay cắt bỏ dự án công trình đầu tư dàn trải và kém hiệu quả hay lại nhắm mắt cho qua?... Nếu không thay đổi, không chỉ vốn ngân sách có nguy cơ “bị mất” mà còn mất cả lòng tin của người dân về năng lực điều hành của các cơ quan công quyền!