Lợi ích lớn từ chỉ dẫn địa lý

Theo Quỳnh Nga/congthuong.vn

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, đến nay, Việt Nam đã bảo hộ 69 chỉ dẫn địa lý (CDĐL) quốc gia và 6 CDĐL của nước ngoài. Hơn 10 năm qua, số CDĐL quốc gia được bảo hộ đã tăng 3,5 lần. Đặc biệt, 34 tỉnh/thành phố đã có CDĐL được bảo hộ; 11 tỉnh/thành phố có từ 2 CDĐL trở lên, gồm: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn, Tiền Giang, Bình Thuận, Bạc Liêu, Đồng Nai, Hà Giang, Quảng Nam.

Việc cấp chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều khía cạnh khác nhau.
Việc cấp chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều khía cạnh khác nhau.

Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đang phối hợp tích cực với Cục Chế biến thực phẩm Nhật Bản để đăng ký 3 CDĐL của Việt Nam tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, 39 CDĐL của Việt Nam sẽ được Liên minh châu Âu đồng ý bảo hộ khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.

Về cơ cấu sản phẩm được bảo hộ CDĐL, 47% sản phẩm là trái cây, 23% sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp, 12% thủy sản, 8% gạo, còn lại các sản phẩm khác. Trong đó, có 5 sản phẩm không phải là thực phẩm được bảo hộ: Nón lá Huế, thuốc lào Tiên Lãng, thuốc lào Vĩnh Bảo, cói Nga Sơn và hoa mai vàng Yên Tử. Như vậy, đa phần các sản phẩm được bảo hộ CDĐL của Việt Nam là các sản phẩm tươi sống và nguyên liệu...

Trên cơ sở tổng hợp các đánh giá của các địa phương về thực trạng quản lý CDĐL sau khi được nhà nước bảo hộ cho thấy hiệu quả rõ rệt. Đó là, quá trình bảo hộ CDĐL cho sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã tác động tích cực và rõ ràng đến nhận thức, sự quan tâm, đầu tư về nguồn lực của các địa phương. Đồng thời, CDĐL đã tác động rõ ràng đến nhận thức của doanh nghiệp, người dân đến danh tiếng, giá trị của các sản phẩm được bảo hộ.

Nâng tầm giá trị

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - khẳng định, việc cấp CDĐL có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều khía cạnh khác nhau, như: Nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp sản xuất nông sản tuân theo quy trình chặt chẽ và đảm bảo chất lượng khi truy xuất nguồn gốc; tăng giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm…

Theo thống kê, giá bán sản phẩm sau khi CDĐL được đăng ký và quản lý tăng từ 20 -100%. Điển hình như chuối ngự Đại Hoàng (Hà Nam) giá bán tăng 100 -130%; bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) tăng 10-15%; cam Cam Cao Phong (Hòa Bình) tăng gần 100%...

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế trong 5 năm gần đây, dù số lượng CDĐL tăng nhanh, nhưng doanh nghiệp chưa khai thác hết được tiềm năng và thế mạnh của CDĐL để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.

Ông Đinh Hữu Phí cho rằng, ở cấp độ địa phương, các cơ quan quản lý chưa có sự phối hợp trong quá trình xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL, từ khâu xây dựng hồ sơ, nộp đơn đăng ký CDĐL, đến quá trình xây dựng hệ thống quản lý và triển khai hoạt động khai thác CDĐL khi đã được bảo hộ.

Do đó, các địa phương cần chú trọng xây dựng kế hoạch nhằm thúc đẩy thị trường, đưa CDĐL trở thành một dấu hiệu người tiêu dùng lựa chọn; tuyên truyền để người dân hiểu rõ giá trị của CDĐL; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường, xử lý các hành vi xâm phạm về CDĐL.

Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ dự kiến đăng ký 10 CDĐL cho các đặc sản địa phương và đăng ký thành công 3 CDĐL của Việt Nam tại Nhật Bản.