Một số vấn đề về kế toán sáng tạo trong doanh nghiệp
Kế toán sáng tạo đang ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Việc áp dụng kế toán sáng tạo có thể là tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào mức độ và mục đích sử dụng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ranh giới giữa kế toán sáng tạo và gian lận kế toán là rất khó xác định. Vì vậy, các nhà quản trị doanh nghiệp cần hạn chế tối đa sử dụng kế toán sáng tạo với mục đích che dấu thông tin thực về tình hình của đơn vị để tránh dẫn đến sai phạm không đáng có.
Một số quan điểm về kế toán sáng tạo
Có nhiều cách định nghĩa và quan điểm khác nhau về kế toán sáng tạo (Creative Accounting). Theo Từ điển Kinh doanh Collins (2007), kế toán sáng tạo là việc ứng dụng khéo léo các phương pháp và công cụ kế toán để đưa ra báo cáo tài chính có lợi cho doanh nghiệp. Với các kỹ thuật nghiệp vụ nhất định, kế toán sáng tạo mang đến ấn tượng tốt cho người xem báo cáo tài chính đặc biệt là các cổ đông. Chuẩn mực kế toán ban hành nhằm giảm bớt việc thực hiện kế toán sáng tạo nhưng thực tế vẫn tồn tại khoảng trống để có thể thực hiện sự can thiệp vào dữ liệu và thông tin kế toán.
Theo từ điển Tài chính Farlex, kế toán sáng tạo được hiểu là hành vi ghi nhận lợi nhuận theo cách riêng khiến cho báo cáo tài chính của doanh nghiệp trở nên đẹp hơn so với thực chất trong khi hành vi đó vẫn đảm bảo tuân thủ theo chuẩn mực kế toán. Như vậy, có thể thấy về cơ bản kế toán sáng tạo vẫn hợp pháp vì nó vẫn tuân thủ chuẩn mực. Về thực tế thì kết quả phản ánh trên báo cáo tài chính đã được biến hóa và thổi phồng hơn so với giá trị thực.
Naser, K. (1993) định nghĩa về kế toán sáng tạo là sự biến hóa các con số thực trong báo cáo tài chính sang những con số mà người thực hiện mong muốn bằng việc lợi dụng các quy định có sẵn và hoặc phớt lờ một số hay tất cả những quy định đó.
Charles W. Mulford và Eugene E. Comiskey (2011) đưa ra khái niệm về kế toán sáng tạo là sự lựa chọn có chủ ý các quy định kế toán nhằm thao túng lợi nhuận để nó trở nên đẹp hơn thực tế và đáp ứng nhu cầu của các nhà quản lý.
Ở Việt Nam, hành vi này thường được gọi là quản trị lợi nhuận. Đây được hiểu như là việc áp dụng một cách sáng tạo và linh hoạt các kỹ thuật trong kế toán hay còn gọi là thủ thuật để biến tấu thông tin trên báo cáo tài chính nhằm mang đến những điều có lợi hơn cho doanh nghiệp.
Theo Hussein và cộng sự (2013), việc thực hiện kế toán sáng tạo sẽ có động cơ khác nhau tùy thuộc vào đặc thù của mỗi doanh nghiệp trong từng thời kỳ nhất định. Thông thường, các công ty cổ phần thường áp dụng kế toán sáng tạo để cải thiện kết quả kinh doanh hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư, đẩy giá cổ phiếu cao hơn từ đó làm tăng giá trị của doanh nghiệp. Còn đối với các công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân thì thường thực hiện kế toán sáng tạo với mục tiêu nhằm giảm thiểu số thuế phải nộp.
Như vậy, tựu chung lại có thể hiểu kế toán sáng tạo là một quá trình trong đó kế toán thực hiện việc điều chỉnh các con số trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp để làm thay đổi số liệu lợi nhuận thông qua hành vi điều chỉnh chi phí, doanh thu bằng các công cụ kế toán. Để thực hiện được điều đó kế toán sẽ phải vận dụng linh hoạt các kiến thức và kinh nghiệm có được về các chuẩn mực, nguyên tắc, phương pháp kế toán.
Tác động của kế toán sáng tạo
Kế toán sáng tạo sẽ tác động đáng kể đến các bên liên quan trong đó có cả tác động tích cực và tiêu cực.
Xét về góc độ tích cực: Về bản chất thì kế toán sáng tạo không phải là hành vi tiêu cực. Nó được thực hiện với mong muốn mang đến cái nhìn tốt đẹp hơn về lợi nhuận của công ty, từ đó giúp cho các nhà đầu tư có thể đưa ra được các quyết định hiệu quả. Bên cạnh đó, kế toán sáng tạo cũng mở ra cách nhìn mới để các nhà quản trị có thể đạt được mục tiêu mong muốn của mình. Kế toán sáng tạo nếu được áp dụng tích cực thì nó phản ánh khả năng sáng tạo và linh hoạt của kế toán, vừa đảm bảo tính hợp pháp mà vẫn hướng tới được mong muốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu nó được thực hiện với động cơ nhằm tạo ra thông tin sai lệch để đánh lừa người khác thì nó sẽ trở nên tiêu cực.
Xét về góc độ tiêu cực: Nếu kế toán sáng tạo được thực hiện với mục đích không tích cực thì nó sẽ là công cụ cho những kẻ tham nhũng hoặc những người đang muốn dấu thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị. Một số hành vi tiêu cực có thể kể đến như doanh nghiệp cố ý khai khống chi phí, giảm bớt doanh thu để giảm lợi thuận từ đó giảm số thuế phải nộp cho nhà nước. Hành vi này sẽ tác động tiêu cực đến việc thu thuế của nhà nước, lợi nhuận được hưởng của các cổ đông, việc đưa ra quyết định của các nhà đầu tư và còn ảnh hưởng đến cả người lao động… từ đó tác động xấu đến nền kinh tế đất nước nói chung. Ngoài ra, khi doanh nghiệp che dấu kết quả kinh doanh thực tế để các nhà đầu tư tin tưởng nhưng sau đó nếu không hoạt động hiệu quả thì sự thua lỗ sớm muộn cũng sẽ bị lộ tẩy. Khi đó, doanh nghiệp sẽ đánh mất niềm tin đối với những người quan tâm đến đơn vị và sẽ giảm uy tín của doanh nghiệp.
Một số thủ thuật kế toán sáng tạo
Đối với báo cáo thu nhập: Báo cáo thu nhập hay còn gọi là báo cáo kết quả kinh doanh là một tài liệu quan trọng có tác động lớn đến quyết định của các nhà đầu tư. Những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, lợi nhuận cao thì sẽ có lợi trong việc thu hút các nhà đầu tư. Chính vì vậy nhiều đơn vị đã cố tình điều chỉnh con số thực tế theo hướng có lợi nhằm làm đẹp báo cáo tài chính. Kế toán sáng tạo trong trường hợp này có thể thực hiện điều chỉnh lợi nhuận từ giao dịch không thường xuyên thành lợi nhuận hoạt động. Các nhà đầu tư khi đánh giá lợi nhuận của doanh nghiệp cần phải xem xét kỹ phần thuyết minh để biết được lợi nhuận này được ghi nhận gồm những khoản nào từ đó sẽ có cái nhìn chính xác và cụ thể hơn.
Đối với bảng cân đối kế toán: Các nhà quản trị hầu hết đều mong muốn thổi phồng giá trị tài sản để làm cho số liệu của doanh nghiệp trở nên đẹp hơn và hấp dẫn các nhà đầu tư hơn. Một số thủ thuật thường được sử dụng trong kế toán sáng tạo đối với bảng cân đối kế toán để làm tăng giá trị tài sản như ghi nhận thấp hơn khoản dự phòng đối với nợ xấu, trì hoãn việc ghi giảm giá trị tài sản, đẩy nhanh tiến độ ghi nhận doanh thu, ghi nhận thấp hơn giá trị hao mòn tài sản… Bên cạnh đó, trong một số trường hợp nhà quản trị muốn giảm lợi nhuận thì sẽ ghi nhận tài sản có giá trị thấp hơn so với thực tế. Một số thủ thuật có thể được áp dụng như: Trích lập cao các khoản dự phòng, Chuyển ngoài bảng tài sản cho thuê thài chính, Không vốn hóa tài sản vô hình, Ghi giảm các khoản nợ phải thu đã cho các các tổ chức tài chính, ghi giảm quá mức tài sản ngắn hạn và dài hạn…
Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn mong muốn các nhà đầu tư không thấy được sự khó khăn mà mình đang gặp phải nên sẽ ghi nhận thấp các khoản nợ phải trả. Một số thủ thuật được áp dụng như: Các khoản nợ phải trả dài hạn ngoại bảng, Ghi nhận thấp nghĩa vụ về tiền lương và các khoản phải trả sau khi người lao động nghỉ hưu, Hoặc là ghi nhận doanh thu quá mức…
Đối với báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ rất dễ là nơi tồn tại nhiều thủ thuật của kế toán sáng tạo. Xem xét kỹ báo cáo tiền tệ có thể giúp phát hiện kịp thời những hành vi gian lận, sai sót. Nhiều doanh nghiệp rất dễ phân loại sai luồng tiền và thường tăng dòng tiền thuần của hoạt động kinh doanh thông thường. Việc này thường được thực hiện bằng cách chuyển dòng tiền ra của hoạt động kinh doanh thông thường sang hoạt động động đầu tư. Ngoài ra, kế toán cũng có thể sẽ chuyển dòng tiền vào của hoạt động đầu tư sang hoạt động kinh doanh thông thường. Khi đó người đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ yên tâm và cảm thấy có triển vọng đầu tư khi thấy hoạt động kinh doanh thông thường tốt.
Xuất phát từ điều này thì các nhà đầu tư khi xem xét báo cáo tài chính của doanh nghiệp cần phải xác định rõ dòng tiền nào từ hoạt động kinh doanh. Đồng thời, cần xem xét tổng quát cả doành tiền hoạt động đầu tư, hoạt động tài chính và dòng tiền tự do.
Một số vấn đề đặt ra đối với kế toán sáng tạo
Việc áp dụng kế toán sáng tạo trong một số trường hợp sẽ mang đến tác động tích cực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần phải lưu ý là ranh giới giữa kế toán sáng tạo và gian lận, sai phạm là rất mong manh. Nếu việc vận dụng không phù hợp, không mang ý tích cực thì sớm muộn doanh nghiệp sẽ dễ dẫn đến vướng vào vòng lao lý hoặc đi đến phá sản.
Đối với các nhà đầu tư, khi xem xét báo cáo tài chính của một doanh nghiệp thì cần nghiên cứu thật kỹ các chỉ tiêu và xem kỹ phần thuyết minh. Cần tham khảo các thủ thuật cơ bản của kế toán sáng tạo từ đó sẽ biết cách phát hiện những gian lận nếu có. Chỉ khi phân tích được vấn đề và số liệu thực thì các quyết định đầu tư mới thực sự hiệu quả.
Khi hoạt động sản xuất kinh doanh đang có nhiều thuận lợi và sức khỏe tài chính doanh nghiệp thực sự tốt thì việc vận dụng khéo léo kế toán sáng tạo có thể là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển tốt hơn.
Ngược lại, khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì các nhà quản lý cần phải chủ động có kế hoạch, biện pháp khắc phục những tồn tại thay vì lạm dụng kế toán sáng tạo để che dấu sự thật, bởi kế toán sáng tạo không thể giúp doanh nghiệp giải quyết được vấn đề thực sự. Sớm muộn kết quả thực tế sẽ bị phát hiện và khi đó doanh nghiệp có thể sẽ phải trả giá rất đắt cho hành vi của mình.
Đối với các nhà đầu tư, khi xem xét báo cáo tài chính của một doanh nghiệp thì cần nghiên cứu thật kỹ các chỉ tiêu và xem kỹ phần thuyết minh. Cần tham khảo các thủ thuật cơ bản của kế toán sáng tạo từ đó sẽ biết cách phát hiện những gian lận nếu có. Chỉ khi phân tích được vấn đề và số liệu thực thì các quyết định đầu tư mới thực sự hiệu quả. Nếu chỉ nhìn qua các số liệu trên báo cáo tài chính mà đã đưa ra quyết định đầu tư thì rất dễ bị các doanh nghiệp che đậy kết quả kinh doanh thực sự của họ.
Từ thực tế và ảnh hưởng của kế toán sáng tạo cũng đặt ra cho các công ty kiểm toán và các kiểm toán viên cần phải nâng cao trách nhiệm của mình trong việc xác nhận tính trung thực và hợp lý của các báo cáo tài chính doanh nghiệp. Khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm cần phải thẳng thắn trao đổi, tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp chứ không nên bỏ qua và kết hợp với đơn vị để làm đẹp số liệu thực. Các công ty kiểm toán cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp để đem lợi lợi ích thực sự cho doanh nghiệp. Chỉ như vậy thì hoạt động kiểm toán mới thực sự có ý nghĩa, giá trị và có thể tồn tại, phát triển bền vững trong môi trường đầy cạnh tranh hiện nay.
Kết luận
Có nhiều quan điểm khác nhau về kế toán sáng tạo. Nhiều người ủng hộ áp dụng kế toán sáng tạo nhưng cũng không ít người phản đối điều đó. Điều đó xuất phát từ tác động hai mặt của kế toán sáng tạo. Nó có thể mang đến ảnh hưởng tích cực nhưng cũng có thể có những tác động tiêu cực đến các bên liên quan.
Trong thực tế hiện nay xuất hiện nhiều hành vi cố tình thao túng báo cáo tài chính để đạt được mục đích riêng. Đó hoàn toàn không phải là kế toán sáng tạo mà là gian lận. Nhiều người ngụy biện cho hành vi gian lận của mình là áp dụng kế toán sáng tạo nhưng điều đó là hoàn toàn không đúng. Ranh giới giữa kế toán sáng tạo với gian lận dường như rất mong manh.
Kế toán sáng tạo không phải là phạm pháp nhưng nó lại dễ bị rơi vào vùng nguy hiểm. Nếu khi những giá trị thật bị thổi phồng, bóp méo quá nhiều về tổng thể thì sẽ bị coi là phạm pháp. Chính vì vậy khi áp dụng kế toán sáng tạo cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện thận trọng để tránh vướng vào những hành vi vi phạm với quy định của pháp luật.
Tài liệu tham khảo:
Đào Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Bích Liên, Nguyễn Thị Mai Hiền (2019), Tác động của Kế toán sáng tạo trong doanh nghiệp và một số vấn đề đặt ra, Tạp chí Tài chính;
Trần Thị Cẩm Thanh (2016), Kế toán sáng tạo: Tích cực hay tiêu cực, Tạp chí Kế toán Kiểm toán;
Đặng Thị Bích Ngọc (2020), Kế toán sáng tạo và một số vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Công thương;
Nguyễn Thị Hương Liên, ThS. Đào Thị Ngân (2017), Nghiên cứu mức độ sử dụng kế toán sáng tạo tại các doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và Kinh doanh;
Charles W. Mulford, Eugene E. Comiskey, The Financial Numbers Game: Detecting Creative Accounting Practice, March 2011;
Farlex (2017), The Farlex Financial Dictionary: Business and Investing Terms Explained, Farlex International;
Naser K., (1993), Creative financial accounting: Its nature and use, Prentice Hall;
Hussein, H.N., Kasim, N., Aurumugam V. (2013), “A Review of Creative Accounting Practices and its Area, Technique and Ways of Prevention”, International Journal of Science and Research (IJSR).