Tỉnh Bình Dương:

Phát triển các cụm công nghiệp theo hướng bền vững

Theo Tiểu My/Báo Bình Dương

Thời gian qua, Sở Công thương tỉnh Bình Dương đã nỗ lực lớn để triển khai một số chính sách hỗ trợ đầu tư, xây dựng cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh song song với phương án phát triển CCN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp thuộc Cụm công nghiệp Thanh An (huyện Dầu Tiếng). Ảnh: TM
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp thuộc Cụm công nghiệp Thanh An (huyện Dầu Tiếng). Ảnh: TM

Kiểm tra, khảo sát

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 15 CCN với tổng diện tích hơn 960 ha, trong đó 10 CCN đang hoạt động, tỷ lệ lắp đầy 67,4%. Cụ thể, CCN An Lập đang thực hiện thủ tục về đất đai; 3 CCN Phước Hòa, Tam Lập 2, Long Tân đang thực hiện các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; CCN Tân Hiệp - Vĩnh Hòa chưa thực hiện đầu tư.

Hiện các CCN đang thực hiện thủ tục thành lập, gồm: Phước Hòa (diện tích 66,62 ha, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo), Tam Lập 2 (diện tích 50 ha, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo); Long Tân (diện tích 50 ha, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng). Các CCN An Thạnh, Bình Chuẩn, Tân Đông Hiệp, Tân Hiệp - Vĩnh Hòa 1 đang được đề xuất điều chỉnh ra khỏi quy hoạch.

Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Bình Dương, tình hình đầu tư, phát triển hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh đã có những tín hiệu khả quan. Năm 2021, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung, đưa một số CCN ra khỏi danh mục. 9 tháng năm 2021, Sở Công thương đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức khảo sát, nắm tình hình tiến độ, kết quả khắc phục những tồn tại về kết cấu hạ tầng tại các CCN Thanh An, Uyên Hưng, Tam Lập.

Sở Công thương cũng tham mưu UBND tỉnh Bình Dương ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế phối hợp quản lý CCN, quyết định thành lập hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, Sở Công thương đã tổng hợp và góp ý dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình về bộ tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư, lấy ý kiến về dự thảo quyết định quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn; phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện thủ tục thành lập các CCN theo quy định. Ngoài ra, sở còn phúc đáp xin chủ trương quy hoạch và làm chủ đầu tư xây dựng các CCN An Bình, An Bình 2 tại xã An Bình, huyện Phú Giáo.

Cụ thể, đối với CCN Tam Lập 2, sở đã gửi văn bản đến UBND huyện Phú Giáo về hoàn thiện hồ sơ theo quy định; đồng thời đôn đốc, tổng hợp ý kiến và thông báo thẩm định hồ sơ thành lập. Đối với CCN Thành Phố Đẹp, đến nay sở đã lấy ý kiến chuyên ngành Sở Kế hoạch và Đầu tư về hồ sơ, báo cáo bổ sung, giải trình về việc thành lập. Sở cũng đã lấy ý kiến xác minh hoàn thành nghĩa vụ về thuế sau khi nhận sáp nhập và chuyển nhượng cổ phần của Công ty CP B.B Đại Minh… làm cơ sở trả lời cho những kiến nghị của doanh nghiệp.

Sở Công thương tiến hành làm việc với UBND huyện Dầu Tiếng về việc thành lập CCN Long Tân, hỗ trợ, hướng dẫn chủ đầu tư CCN Thanh An hoàn thiện hồ sơ hạ tầng kỹ thuật theo quy định; lấy ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường về pháp luật đất đai liên quan để thành lập CCN Long Tân; phúc đáp Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng về việc bổ sung quy hoạch đất để thực hiện dự án CCN An Điền, xin chấp thuận cho công ty làm chủ đầu tư dự án.

Đối với các vướng mắc của CCN Phú Chánh 1, Sở Công thương tổ chức họp để xem xét, cho ý kiến chuyên ngành về phương án xử lý đối với việc tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh đi qua CCN, tạo điều kiện cho nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục về hạ tầng. Đến nay, sở đã tham mưu và báo cáo UBND tỉnh giải quyết.

Chọn nhà đầu tư có năng lực

Cùng với nỗ lực của sở ngành, các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo… cũng tích cực trong việc đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ khó khăn và mời gọi các nhà đầu tư có năng lực để phát triển CCN. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết công tác đầu tư kết cấu hạ tầng CCN được huyện quan tâm đúng mức, quyết tâm thu hút được các nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh để thực hiện.

Thời gian tới, huyện Dầu Tiếng sẽ tăng cường phối hợp với Sở Công thương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục thẩm định thành lập, bổ sung, điều chỉnh và mở rộng các CCN đủ điều kiện; đồng thời mời gọi đầu tư vào các CCN bằng nhiều hình thức khác nhau; ưu tiên các dự án đầu tư được khuyến khích phát triển, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng khoa học công nghệ hiện đại, đi vào chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

UBND các huyện có quy hoạch, phát triển CCN thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư, hiệu quả hoạt động, bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, hiệu quả sử dụng đất và tuân thủ quy định của pháp luật, nhất là pháp luật bảo vệ môi trường, đất đai, xây dựng.

Hiện nay, UBND huyện Dầu Tiếng nỗ lực hỗ trợ, thúc đẩy nhà đầu tư triển khai xây dựng CCN An Lập; hoàn chỉnh hồ sơ trình tỉnh thành lập CCN Long Tân; phối hợp với Sở Công thương rà soát, định hướng để lập phương án phát triển của ngành công thương tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.