Lợi nhuận cao, khối ngoại đóng thuế thấp

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tạo ra lợi nhuận lớn nhất trong các thành phần kinh tế, nhưng tỷ lệ đóng góp ngân sách lại thấp nhất vì được ưu đãi nhiều loại thuế. Việc doanh nghiệp FDI nhận ưu đãi khủng như vậy có công bằng với các thành phần kinh tế khác?

Khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất nhưng tỷ lệ đóng góp cho ngân sách lại thấp nhất. Nguồn: Internet
Khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất nhưng tỷ lệ đóng góp cho ngân sách lại thấp nhất. Nguồn: Internet

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra lợi nhuận lớn cho nền kinh tế, lớn hơn khu vực còn lại là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp ngân sách lại thấp hơn nhiều.

“Lỗ hổng” trong thu hút FDI?

Năm 2016, các doanh nghiệp FDI tạo ra hơn 327.400 tỷ đồng lợi nhuận (chiếm hơn 45,9% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quân 17,3%/năm giai đoạn 2010 – 2016.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI đóng góp ngân sách nhà nước thấp nhất trong các thành phần kinh tế, chỉ với 250.900 tỷ đồng năm 2016, tăng bình quân 16,9% giai đoạn 2010 – 2016.

Trong khi đó, năm 2016, các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra hơn 188.100 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 26% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp nhưng đóng góp cho ngân sách lớn nhất với 434.700 tỷ đồng, tăng 17%/năm trong giai đoạn 2010 – 2016. 

Lý giải điều này, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê), cho biết các doanh nghiệp FDI sản xuất trong các ngành công nghệ cao, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số năm kể từ năm đầu tiên có ghi nhận doanh thu như Samsung Bắc Ninh, Thái Nguyên hay các doanh nghiệp Nhật Bản, Mỹ…

Ví dụ, bình quân thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nước nộp 20 – 30%, trong khi doanh nghiệp FDI lại được hưởng ưu đãi, đóng cao nhất trong 30 năm chỉ bằng 1/2 doanh nghiệp trong nước phải đóng. 

“Đây là chính sách thu hút đầu tư FDI chứ không phải năng lực đóng góp ngân sách của họ thấp hơn. Khi hết thời hạn ưu đãi, các doanh nghiệp này sẽ đóng góp ngân sách theo điều kiện bình thường”, ông Thúy cho biết. 

Ngoài ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao được miễn thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng. Một số địa phương cũng có chính sách miễn giảm các loại thuế với thời gian linh hoạt.

Ông Thúy cho biết trước đây, Bộ Kế hoạch & Đầu tư quản lý chung cấp phép cho các dự án FDI, nhưng hiện giờ đã phân cấp cho địa phương nên các tỉnh, thành có những chính sách ưu đãi khác nhau để thu hút vốn FDI. Có những dự án FDI ở tỉnh này không được nhưng khi sang tỉnh khác lại được ủng hộ cho ưu đãi tốt hơn.

Do vậy, ông Thúy cho rằng thời gian tới cần kiểm soát chặt chẽ hơn, không để các tỉnh, thành vượt khung trong ưu đãi FDI, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh với doanh nghiệp trong nước.

Thừa nhận đang có nhiều bất cập về ưu đãi thuế, trong đó tình trạng chi phí thuế, ưu đãi không hợp lý tích tụ 20 năm nay, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết Bộ Tài chính vừa qua công bố thuế cho thấy khu vực FDI nộp trên 37.000 tỷ đồng nhưng thuế được miễn giảm trên 35.000 tỷ đồng. Đó là kết quả trượt giá của chi phí ưu đãi thuế sau 20 năm. Chưa kể, đây còn là nguy cơ chuyển giá, là ưu đãi theo chu kỳ thuế. 

Theo đó, Bộ Tài chính đang xây dựng Luật chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu. “Chính phủ đã đồng ý cho Bộ Tài chính là thành viên thứ 100 của Diễn đàn chống xói mòn nguồn thu (BEPS) để có phương án hiệu quả hơn, qua đó phát triển cơ sở thuế”, ông Tuấn cho biết. 

Phải công bằng với doanh nghiệp tư nhân

Bình luận về chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các đặc khu kinh tế đang được xây dựng, chuyên gia Phạm Chi Lan đánh giá tiềm năng phát triển của các đặc khu kinh tế Việt Nam còn tùy thuộc chính sách thực tế đưa ra như thế nào.

Bà Lan nêu quan điểm: “Tôi ngần ngại khi chính sách hiện nay dường như dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp FDI đầu tư vào đặc khu hơn như ưu đãi cho thuê đất 99 năm – thời gian quá dài như vậy có nghĩa doanh nghiệp FDI đã có quyền sở hữu mảnh đất đó. Cũng như giảm thuế, tăng ưu đãi cho các dự án đầu tư casino, resort quá lớn”.

Theo bà Lan, lâu nay, chúng ta ngần ngại chưa muốn đầu tư phát triển casino vì có lý do. “Thu hút người nước ngoài vào du lịch để đánh bạc nhưng đằng sau một dự án casino sẽ kéo theo nhiều tệ nạn, hệ lụy đi kèm. Việt Nam cần công nghệ, cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo chứ chúng ta không cần thu hút quá nhiều nguồn lực đầu tư vào casino, resort – đây chỉ là phương tiện dành cho người giàu. Trong khi đó, người nghèo còn chưa tiếp cận được đất đai để ở, doanh nghiệp muốn có đất xây dựng nhà máy chế biến còn khó khăn”, bà Lan nói. 

Cùng với đó, liên quan tới việc phát triển doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết số doanh nghiệp thành lập mới cả nước năm 2017 đạt kỷ lục từ trước đến nay với 126.859 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với năm 2016. Tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 là 1.295 nghìn tỷ đồng, tăng 45,4% so với năm 2016. 

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm 2016. Nếu tính cả 1.869 nghìn tỷ đồng của hơn 35,2 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2017 là 3.165 nghìn tỷ đồng. 

Theo Tổng cục Thống kê, dù số doanh nghiệp thành lập mới cao như trên nhưng năm 2017, tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động (không bao gồm các doanh nghiệp đã đăng ký chưa đi vào hoạt động, các doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký) là 561.064 doanh nghiệp, tăng 11,1% so với năm 2016. Đây là những doanh nghiệp đang hoạt động và có đóng thuế. 

Ông Thúy đánh giá: Nhìn chung, số doanh nghiệp thành lập mới đang có xu hướng tăng cao trong 2 năm qua, trên 110.000 doanh nghiệp mỗi năm. Nguyên nhân là do Chính phủ, các cấp tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nhanh về lập mới doanh nghiệp. 

Bà Lan cho rằng kết quả đạt được trong năm 2017 là nhờ cải cách môi trường kinh doanh, tuy nhiên, năm 2018 cần thúc đẩy đồng bộ và mạnh mẽ, đặc biệt là khâu thực thi. 

Theo bà Lan, năm 2017, môi trường kinh doanh Việt Nam được thăng hạng tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Ngân hàng Thế giới (WB) nhờ ban hành văn bản mới tốt hơn. Chẳng hạn, thước đo của WB là văn bản mới đưa ra sẽ tạo thuận lợi gì cho doanh nghiệp nhưng họ không biết ở Việt Nam còn một vấn đề cần phải lưu ý là có khoảng cách lớn giữa văn bản và thực hiện.

“Do vậy, cần thúc đẩy mạnh mẽ thực thi cam kết của các Bộ, chấm dứt tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Cấp trên có quyết tâm cải cách mạnh nhưng dàn bên dưới là hàng triệu cán bộ công chức làm việc ở các bộ ngành khác nhau chưa thực hiện được các yêu cầu cải cách. Do đó, cải thiện thực chất cho điều kiện hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp chưa có được nhiều như kỳ vọng”, bà Lan nói.