Tác động từ môi trường marketing đến hoạt động của doanh nghiệp

Nguyễn Hà - Thu Trang

Để vượt qua khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tiễn; các kế hoạch kinh doanh cần có sự linh hoạt theo diễn biến của môi trường marketing.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Môi trường marketing nội bộ

Marketing nội bộ là việc phát triển một chiến dịch marketing dài hạn hướng tới thị trường nội bộ trong doanh nghiệp, chiến dịch này có sự tương đồng và phù hợp với chương trình marketing nhắm tới thị trường bên ngoài gồm các khách hàng và các đối thủ cạnh tranh của công ty. Bao gồm:

Chiến lược marketing: Cần phải xây dựng được sự cam kết thực hiện chương trình marketing đối với mọi thành viên trong doanh nghiệp, nhất là trong thời gian khó khăn của đại dịch COVID-19.

Nhân lực: Trong tình trạng dịch bệnh COVID-19 đã làm cho nguồn nhân lực trong doanh nghiệp giảm đáng kể. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp làm tốt việc truyền thông giá trị sản phẩm và văn hóa doanh nghiệp đến mỗi nhân viên, bản thân nhân viên đó sẽ trở thành một marketer giúp truyền thông doanh nghiệp một cách chân thực nhất. Mỗi khách hàng không chỉ trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ của công ty dựa trên giá trị vật chất, mà còn ở chính người truyền tải sản phẩm/dịch vụ đó. Mỗi nhân viên của công ty - khi tương tác với khách hàng - đều sẽ làm tăng hoặc giảm giá trị của sản phẩm/dịch vụ cung cấp

Nguồn vốn: Trong thời điểm đại dịch COVID-19, việc sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng không nhỏ dẫn tới ảnh hưởng tới doanh thu của các doanh nghiệp. Việc tiết kiệm và phân bổ nguồn tài chính hợp lý, hạn chế các chi phí không cần thiết và cần tái tạo nguồn tài chính từ nhiều nguồn khác nhau. Để các doanh nghiệp tiếp tục tồn tại và phát triển không thể thiếu sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức tín dụng thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp hiện nay.

Nguồn nguyên vật liệu: Lường trước những khó khăn trong khâu vận chuyển do ảnh hưởng  của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã chủ động các phương án dự phòng nguyên liệu cho sản xuất, gia tăng tìm kiếm nguồn cung vật tư, nguyên liệu từ các DN trong nước nằm ngoài vùng dịch để duy trì sản xuất, không để xảy thiếu hụt nguyên liệu đầu vào. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tiến hành rà soát, sàng lọc lại lượng hàng có sẵn trong kho, từ đó nghiên cứu cải tiến để sử dụng, bảo đảm duy trì sản xuất.

Môi trường marketing bên ngoài doanh nghiệp

Các doanh nghiệp nên nghiên cứu các yếu tố môi trường markeing vĩ mô để có chính sách và biện pháp thích ứng chứ khó thay đổi chúng. Nghiên cứu các yếu tố môi trường vi mô nhằm mục tiêu học tập được những kinh nghiệm tốt của đối thủ cạnh tranh, có thể sử dụng hoạt động của họ trong quá trình làm marketing trên thị trường. Phân tích các yếu tố nội bộ để xác định điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp, điều kiện để thực hiện chiến lược và biện pháp marketing (phân tích SWOT) là cơ sở để lựa chọn chiến lược.  

Môi trường vi mô của hoạt động marketing là tổng thể các tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động marketing của doanh nghiệp.

Khách hàng: Hành vi của khách hàng đã thay đổi với tốc độ chưa từng có trong và sau đại dịch. Trong giai đoạn “bình thường mới”, nắm bắt hành vi người tiêu dùng được coi là một trong những thách thức kinh doanh lớn và khó lường nhất. Sự thay đổi này buộc tất cả doanh nghiệp phải hành động để thích ứng, tồn tại và tăng trưởng. Trước tiên, tương tác khách hàng yêu cầu những động thái thiết thực dành cho hai nhóm năng lực, bao gồm: Tập trung vào khách hàng Truyền thông, tiếp thị ứng biến linh hoạt.

Nhà cung cấp: Sự tăng giá hay khan hiếm các yếu tố đầu vào trên thị trường có thể ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động marketing của doanh nghiệp dẫn đến hoạt động kinh doanh cũng bị ảnh hưởng. Đại dịch COVID-19 tạo nên một khó khăn lớn từ bước cung cấp nguyên vật liệu và việc phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Hầu hết, mọi hoạt động xuất nhập khẩu đều bị trì trệ khiến nhiều ngành nghề bị tê liệt. Nhưng đối với những doanh nghiệp có chuỗi tự cung tự cấp hoặc có nhà cung cấp trong nước thì việc đó lại là lợi thế.

Đối thủ cạnh tranh: Cạnh tranh trực tiếp hay gián tiếp thì đối thủ cạnh tranh đều là mối đe dọa đối với sự tồn tại của mọi doanh nghiệp. Họ luôn tìm cách để thu hút các khách hàng của mình, do vậy đòi hỏi DN luôn cần xác định các đối thủ cạnh tranh, thường xuyên theo dõi họ để điều chỉnh chiến lược marketing cạnh tranh phù hợp .

Các trung gian marketing: Trong bối cảnh nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng, các công ty không thể chỉ dựa vào các hoạt động thương mại, buôn bán thông thường tại các cửa hàng để nhanh chóng tiếp cận với khách hàng và quảng bá sản phẩm của mình. Trung gian marketing hay còn gọi là trung gian bán hàng là mọi cá nhân, tổ chức. Tham gia vào mối liên kết giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng trong việc phân phối sản phẩm thông qua các phương thức.

- Môi trường kinh tế: Nền kinh tế cấu thành các yếu tố ảnh hưởng đến sức mua và mô hình chi tiêu của khách hàng. Khi nền kinh tế gặp khủng hoảng, nhà quản trị marketing cần tiến hành các bước cần thiết để thay thế sản phẩm, giảm chi phí và vượt qua những trở ngại. Sự trì trệ kinh tế thế giới do dịch COVID-19 mang lại, Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn; Căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Iran, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục cắt giảm lãi suất, nhiều nước châu Âu đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã đe dọa chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng.

Môi trường chính trị pháp luật: Chính phủ đưa ra các biện pháp thiết thực để ngăn chặn dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cho người dân như thực hiện cách ly xã hội, đóng cửa các địa điểm tụ tập đông người như quán bar, rạp chiếu phim. Điều này góp phần kiểm soát dịch bệnh nhưng cũng gây nên sức ép rất lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh. Chính phủ đã sẵn sàng các gói hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách tài khóa và tiền tệ trong thời gian qua. Vấn đề là doanh nghiệp phải tận dụng sự hỗ trợ đó như thế nào cho hiệu quả để duy trì, phục hồi và phát triển.

Môi trường văn hóa xã hội: Văn hóa - xã hội ảnh hưởng đến các quyết định mang tính chiến lược như lựa chọn lĩnh vực/mặt hàng kinh doanh, nhãn hiệu, màu sắc, kiểu dáng, kênh phân phối, quảng cáo...

Để thu hút được nhiều khách đến cửa hàng của bạn trên các sàn thương mại điện tử, ngoài những việc cơ bản như cung cấp hình ảnh, thông tin, sử dụng các bài viết tối ưu cho tìm kiếm sản phẩm thì bạn sẽ cần chú ý một số  then chốt quan trọng sau: Thiết lập các sản phẩm dẫn giá tốt để thu hút khách hàng, Có một chính sách giá tốt hợp lý cho sản phẩm chủ đạo.

Điều chỉnh lại chiến lược marketing online phù hợp với hiện tại, tối ưu lại toàn bộ nội dung, thông điệp trên website, fanpage và các mẫu quảng cáo. Tối ưu lại toàn bộ trải nghiệm người dùng trên website hay trên các kênh truyền thông khác, vì đây là thời điểm chắt chiu từng khách hàng một, tăng cường các hoạt động chăm sóc khách hàng trong giai đoạn này.

 Xây dựng, tạo lập nguồn vốn cho doanh nghiệp dựa trên các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quản lý dòng tiền tối ưu nhất, cần có chính sách cắt giảm ngân sách theo thứ tự ưu tiên, tối ưu hóa bộ máy, dây chuyền sản xuất, tập trung phân phối nguồn vốn phục vụ cho sản xuất.