Thị trường gạo xuất khẩu sẽ nhộn nhịp vào dịp cuối năm

Theo Nguyễn Huyền/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Các tháng cuối năm vào đúng dịp thu hoạch vụ Thu Đông cũng là thời điểm nhu cầu nhập khẩu gạo từ các nước gia tăng. Ngoài khách hàng truyền thống Phillipines, năm nay có cả khách hàng đến từ Trung Quốc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo thống kê mới đây của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong 9 tháng đầu năm nay sụt giảm cả khối lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020. 

Cụ thể, cả nước xuất khẩu 4,573 triệu tấn gạo, với gần 2,42 tỷ USD, giá trung bình 529 USD/tấn, giảm 8,3% về lượng, giảm 1,2% về kim ngạch nhưng giá tăng 7,8%. 

Trung Quốc tăng quota nhập khẩu gạo từ Việt Nam

Trong đó, Philippines - thị trường tiêu thụ nhiều nhất gạo xuất khẩu của Việt Nam, với 1,825 triệu tấn, trị giá 935,91 triệu USD, giá trung bình 512,6 USD/tấn, tăng nhẹ 0,9% về lượng, tăng 11% về kim ngạch và tăng 10% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 39,92%/ tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước.

Tiếp đến là thị trường Trung Quốc tăng rất mạnh 46,7% về lượng, tăng 25,3% về kim ngạch nhưng giảm 14,6% về giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 845.571 tấn, tương đương 423,9 triệu USD, giá trung bình 501 USD/tấn; chiếm 18,48%/ tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước.

Sở dĩ xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc có mức tăng ngoạn mục vì vào tháng 7/2021, nước này đã nâng quota gạo Việt Nam lên hơn 1 triệu tấn so với mức quota hồi đầu năm 2021 là 450 ngàn tấn, nên các thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh mua gạo từ Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết qua tháng 11 thị trường có lẽ sẽ tốt hơn, đặc biệt nhu cầu đến từ khách hàng Philippines vì thông thường vào các tháng cuối năm là mùa mưa bão của quốc gia này và họ có nhu cầu mua gạo để tăng dự trữ. 

Đối với thị trường Trung Quốc, đầu năm 2021 lượng quota gạo nước này dành cho Việt Nam là 450.000 tấn, đến tháng 7 Trung Quốc đã nâng lên hàng triệu tấn nên thương nhân Trung Quốc đã đẩy mạnh mua vào, và phần lớn họ mua nếp còn gạo thì mua không bao nhiêu vì lúc đó giá gạo nếp rất rẻ.

Giá gạo Việt Nam tăng cao do chi phí vận chuyển 

“Thương nhân Trung Quốc rất am hiểu thị trường lúa gạo Việt Nam nên loại nào có giá thấp nhất họ sẽ mua, lúc đó giá nếp vỏ trên thị trường chỉ từ 4.300-4.500 đồng/kg. Đến giữa tháng 11/2021, nông dân ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp và An Giang sẽ thu hoạch rộ vụ Thu Đông, trên thị trường sẽ có nhiều người mua, người bán khi đó sẽ định hình được giá lúa gạo và lúa nếp. Tôi hy vọng giá nếp tốt lên để người nông dân bớt khổ vì mùa lúa nếp vừa qua giá nếp sụt giảm mạnh bà con đã lỗ rất nặng nề”, ông Đôn chia sẻ.

Nhận định thị trường gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm, giám đốc công ty Việt Hưng cho biết, gạo IR 50404 loại 5% tấm đang ở mức cao và dao động từ 430 - 435 USD/tấn, trong khi đó gạo 5% tấm Thái Lan giá 404 - 408 USD/tấn, gạo 5% tấm Ấn Độ giá 368-372USD/tấn.

Giá gạo IR 50404 tăng là do Cục dự trữ quốc gia đẩy mạnh mua vào, sau khi Chính phủ cho xuất kho gạo dự trữ cấp phát cho người dân trong mùa COVID-19. Đối với các dòng gạo cao cấp như Jasmine, Đài thơm 8 cũng tăng giá trong khi giá gạo Thái Lan lại xuống, khách ngoại chưa mua nhiều nên giao dịch chậm.

“Gạo Việt Nam giao dịch khá chậm do khách hàng có tâm lý chờ giá giảm một chút mới chịu mua vào, vì họ cho rằng nếu gạo Việt Nam cứ treo giá cao thì mua gạo Thái Lan sẽ có lợi hơn. Để tăng tính cạnh tranh gạo Việt Nam cần phải được điều chỉnh giá chứ nếu cứ ở mức cao sẽ rất khó bán.  

Do chuỗi cung ứng bị đứt gãy chi phí vận chuyển tăng, và chi phí giữa vận chuyển giữa các địa phương cũng có chênh lệch với nhau nên mặt bằng giá không đồng nhất, đôi khi giá gạo vùng này tăng cao nhưng vùng khác lại tăng không nhiều, còn thương lái, nhà máy và doanh nghiệp thì cộng mọi chi phí vào giá thành khiến giá gạo xuất khẩu tăng cao”, ông Đôn phân tích. 

Có nguồn hàng đảm bảo chất lượng sẽ chủ động trong kinh doanh

Dự báo, vào giữa tháng 11 nhu cầu từ khách hàng Philippines có thể sẽ tốt hơn, kế đến khách Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đang vào mùa thu hoạch lúa nên họ chưa mua vào, qua vụ Trung Quốc sẽ tăng mua cũng là thời điểm cận Tết nguyên đán, mỗi khi khách hàng Trung Quốc mua thì sẽ mua với số lượng lớn làm cho thị trường náo loạn.

Dự báo là vậy nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều không dám ký hợp đồng giao xa, vì ký hợp đồng giao xa có nhiều rủi ro. Theo Giám đốc này, do tình hình bất ổn trong thời gian qua nên các doanh nghiệp gạo đều không muốn ký bán giao xa, chỉ có những doanh nghiệp bán đi châu Phi mới ký hợp đồng giao xa. Tuy nhiên, họ cũng đang gặp nhiều khó khăn do cước tàu tăng quá mạnh mà vẫn ít có tàu chịu đi Châu Phi.

“Đoán trước thị trường nào sẽ cần loại gạo gì tôi mua vào và dự trữ trong kho lạnh, khi nào khách hàng cần mua thì bán. Gạo trữ trong kho lạnh hơn một năm chất lượng vẫn đảm bảo, khách hàng thấy gạo được dự trữ trong điều kiện tốt chất lượng gạo đảm bảo thì họ rất thích. Đối với các doanh nghiệp không đầu tư kho lạnh thì áp lực bán ra là rất lớn, nếu trong 3 tháng không bán được thì chất lượng gạo xuống cấp rất nhanh.

Tiền đầu tư cho một kho lạnh cũng khá cao nhưng lợi nhuận từ việc đầu tư này sẽ rất lớn, và doanh nghiệp có nguồn hàng chất lượng đảm bảo sẽ luôn chủ động trong vấn đề kinh doanh”, Giám đốc Việt Hưng khẳng định.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến ngày 7/10/2021, các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long vụ Thu Đông 2021 xuống giống được 695 ngàn ha/700 ngàn ha diện tích kế hoạch, đã thu hoạch được 210 ngàn ha với năng suất 5,47 tấn/ha.