Vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài tăng mạnh do đâu?

Theo Linh Nga/diendandoanhnghiep.vn

Dư địa và tiềm năng thị trường quốc tế còn rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư vươn ra thị trường nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo thông tin mới công bố từ Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2021, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 677,3 triệu USD, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 270,8 triệu USD, chiếm gần 40% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt gần 152,1 triệu USD, chiếm 22,5%; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 98,4 triệu USD, chiếm 14,5%.

Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng đầu tư mạnh vào lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ, thương mại cho thấy sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc dần chuyển hướng đầu tư này sẽ đóng góp rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế số. Các doanh nghiệp Việt sẽ học hỏi và đem những thành tựu khoa học kỹ thuật mới về áp dụng trong nước, đồng thời "phổ biến" rộng rãi thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cũng theo số liệu thống kê, trong 11 tháng, đã có 52 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 244,5 triệu USD, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, có 19 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 432,8 triệu USD, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.

Như vậy, so với thống kê tháng liền trước, Việt Nam đã có thêm 4 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn tăng thêm hơn 26,2 triệu USD.

Hiện có 22 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Trong đó: Hoa Kỳ là nước dẫn đầu với 305,3 triệu USD, chiếm 45,1% tổng vốn đầu tư; Campuchia với 89,4 triệu USD, chiếm 13,2%; Israel với 71,6 triệu USD, chiếm 10,6%; Canada 57,6 triệu USD, chiếm 8,5%; Lào 47,8 triệu USD, chiếm 7,1%; Pháp, Đức, Hà Lan cùng đạt 32 triệu USD, chiếm 4,7%.

Trong kỳ, vốn đầu tư điều chỉnh tăng mạnh do có dự án của Vingroup tại Hoa Kỳ điều chỉnh tăng 300 triệu USD; dự án Công ty TNHH Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương tại Campuchia tăng 76 triệu USD và 01 dự án của Vinfast tại Đức tăng 32 triệu USD.

Trên thực tế, vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đã bùng nổ từ cuối quý 1/2021 và tiếp tục được đẩy mạnh các tháng tiếp theo. Trong sự đột biến này, dòng vốn đầu tư Vingroup ra nước ngoài chiếm một tỷ lệ rất quan trọng.

Bên cạnh dự án tại Hoa Kỳ tăng thêm 300 triệu USD, Vingroup còn có 3 dự án đầu tư sang Pháp, Hà Lan, Canada với vốn đầu tư mỗi dự án là 32 triệu USD và 01 dự án 20,5 triệu USD tại Singapore với mục tiêu kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị viễn thông, điện tử, đồ gia dụng, ô tô.

Đánh giá về bức tranh đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng số vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam tăng lên cho thấy các nhà đầu tư Việt Nam vẫn nhìn thấy rất nhiều cơ hội ở bên ngoài. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đầu tư vào những thị trường truyền thống quen thuộc mà còn đầu tư vào những thị trường lớn, có trình độ công nghệ, khoa học kỹ thuật cao như: Mỹ, Canada, châu Âu...

Đây được đánh giá là tín hiệu tốt, cho thấy chất lượng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam đang dần được cải thiện. Bên cạnh đó, trình độ đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam cũng có sự chuyển biến về chất, khi lĩnh vực đầu tư chuyển hướng từ lĩnh vực nông nghiệp với giá trị gia tăng thấp sang lĩnh vực dẫn đầu là công nghệ tạo cơ hội lớn cho hoạt động liên kết, nhập khẩu công nghệ về ứng dụng phục vụ phát triển trong nước.

Để khuyến khích, tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, trong thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách về hoạt động doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam ban hành. Đến nay, hệ thống chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài ngày càng hoàn thiện, trong đó đáng chú ý là việc ban hành Luật Ðầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã có những sửa đổi, bổ sung tạo cơ hội thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đầu tư ra nước ngoài giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng khả năng hội nhập quốc tế.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kiến nghị Chính phủ giao cơ quan chức năng rà soát, đánh giá xu hướng đầu tư ra nước ngoài đối với một số lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đầu tư của cá nhân, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để có giải pháp quản lý và xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Đồng thời, thúc đẩy đàm phán, sớm ký kết các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với các nước có nhiều hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam hoặc đối tác tiềm năng nhằm tạo khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy hợp tác đầu tư thuận lợi, an toàn và hiệu quả.