Xuất khẩu gạo nhộn nhịp ngay đầu năm, tạo hướng "chia lửa" cho các thị trường chính

Theo Nguyễn Huyền/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Ngày 6/2, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu lúa gạo đều mở cửa khai trương mua vào, chuẩn bị cho một năm mới với nhiều tín hiệu sôi động từ các thị trường nhập khẩu. Số khác thì chuẩn bị giao hàng cho các đơn hàng còn dư trong năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày mở cửa khai trương đầu năm Nhâm Dần 2022 thị trường chưa định hình nên giá mua gạo nguyên liệu của các doanh nghiệp vẫn không thay đổi so với thời điểm cuối năm, tuy nhiên hầu hết doanh nghiệp đều đẩy mạnh mua vào.

Nhộn nhịp đầu năm mới

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, ngày 6/2 mở cửa khai trương, ngoài việc đẩy mạnh mua vào gạo nguyên liệu thì công ty cũng đang xuất khẩu các đơn hàng đã có sẵn, một đơn hàng đi châu Phi và một đơn hàng đi Trung Quốc.

Lô hàng xuất khẩu đi châu Phi là gạo đóng túi loại 5 kg/túi, giá 545 USD/tấn, còn lô hàng đi Trung Quốc đóng bao lớn loại 50 kg/bao, giá bán 510 USD tấn.

Thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu gạo nhưng thương nhân Trung Quốc đang chờ, vì họ tính toán đến giữa tháng 2 khi Việt Nam vào thu hoạch rộ vụ Đông Xuân, nguồn cung dồi dào giá lúa gạo giảm mới chịu mua vào. Tuy nhiên rất khó có thể đoán định được thị trường vì mấy năm qua khi vào thu hoạch rộ giá lúa gạo không giảm mà lại tăng cao.

“Theo tôi vụ Đông Xuân này giá gạo xuất khẩu sẽ không giảm vì nhiều khách hàng đang có nhu cầu nhập khẩu và họ đang chờ doanh nghiệp Việt Nam mở cửa kinh doanh lại sau thời gian nghỉ Tết để tiếp cận, và đã có nhiều khách hàng tiếp cận với doanh nghiệp Việt Nam”, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, ngày 6/2, mở cửa khai trương công ty mua vào gạo lứt OM 5451 giá 8.500-8.600 đồng/kg, gạo Đài thơm 8 (ĐT8) giá 8.700-8.800 đồng/kg, bằng giá công ty mua vào trước khi đóng cửa nghỉ Tết.

“Đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ Đông Xuân - vụ lúa chính trong năm cho chất lượng lúa gạo rất tốt và đến khoảng 15/2/2022 sẽ thu hoạch rộ. Công ty đang đẩy nhanh tiến độ thu mua lúa gạo để giao mấy trăm container (cont) hàng của năm 2021 chưa giao xong, và chuẩn bị chân hàng cho năm 2022, khi chân hàng trong kho tương đối chúng tôi mới quyết định bán ra.

Hiện giá lúa gạo trên thị trường vẫn còn thấp hơn so với vụ Đông Xuân năm ngoái, do chúng ta vừa nghỉ Tết xong quay lại mở cửa kinh doanh nên giao dịch còn chậm, đa phần là giao dịch trong nước còn giao dịch quốc tế có lẽ phải qua mùng 10 tháng Giêng âm lịch mới có nhiều, và tôi tin giá lúa Đông Xuân năm nay sẽ bằng hoặc cao hơn năm ngoái”, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV nhận định.

Trung Quốc thay đổi chính sách cấp quota gạo

Các thị trường chính của gạo Việt Nam hiện vẫn là Philippines và Trung Quốc.

Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết, trước đây, cứ vào đầu năm Trung Quốc sẽ công bố hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam nhưng từ năm 2021 họ đã thay đổi cách cấp hạn ngạch.

Theo đó, mỗi quý Chính phủ Trung Quốc sẽ cho các thương nhân đấu thầu nhập khẩu gạo một lần để nắm tình hình và nhu cầu nhập khẩu gạo trong quý, sau đó cộng các yếu tố như biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt... vào để định lượng quota nhập khẩu gạo từ Việt Nam, và mỗi quý cũng chỉ cấp vài trăm ngàn tấn gạo. Với cách làm này mỗi năm quota nhập khẩu gạo của Trung Quốc có thể chỉ 500 - 600 ngàn tấn/năm nhưng có khi lên cả triệu tấn/năm.

Năm 2021, Trung Quốc dự kiến cấp quota nhập khẩu gạo Việt Nam là 600 ngàn tấn nhưng sau đó bổ sung lượng quota lên cả triệu tấn. Chính phủ Trung Quốc làm như vậy là để đảm bảo an ninh lương thực cũng đồng thời bảo vệ người trồng lúa trong nước.

Nhận định về thị trường lúa gạo vụ Đông Xuân 2021 - 2022, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho rằng giá lúa gạo vụ Đông Xuân này sẽ bằng hoặc cao hơn chứ không thấp hơn so với vụ Đông Xuân năm ngoái, vì nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước đang tăng cao. Hiện gạo Việt Nam đang có những bộ giống tương đối phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của nhiều thị trường khác nhau.

Ví dụ người tiêu dùng Philippines rất chuộng gạo ĐT 8 và OM 18, hay đối với châu Âu hay Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông… Việt Nam đều có những bộ giống phù hợp với thị hiếu của từng thị trường trong khi các nước khác không có, nên các nhà nhập khẩu thường chọn mua gạo Việt Nam.

Đa dạng hóa cơ cấu giống lúa, tăng xuất khẩu vào các thị trường ngách giá cao

Trước đây Hàn Quốc phải mua gạo của Nhật Bản hay gạo của Trung Quốc hoặc Mỹ, bây giờ họ mua gạo của Việt Nam vì có giống lúa phù hợp với người tiêu dùng nước này.

Vẫn theo ông Thành, với việc đa dang cơ cấu giống lúa đặc chủng, chất lượng cao giúp nông dân bán được giá cao so với các giống lúa hạt dài nhưng vẫn rẻ hơn so với các nước khác nhờ giá gạo Việt Nam khá cạnh tranh.

Ví dụ Đài Loan, Hồng Kông đang tăng nhập khẩu gạo lứt với mức giá tương đối cao, nhưng vì gạo lứt thường bị vướng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên các nước nhập khẩu kiểm soát rất gắt gao.

Hiện nay, gạo trắng hạt dài xuất khẩu khoảng 500 USD/tấn nhưng Công ty Phước Thành IV đang xuất khẩu gạo lứt đi Đài Loan với giá 600 USD/tấn, nhưng bù lại công ty phải đáp ứng được 372 chỉ tiêu của nước này đối với gạo lứt. Thật ra, giá 600 USD/tấn đối với Việt Nam thì cao như nếu khách hàng đi mua các nước khác thì phải từ 700 - 800 USD/tấn.

Để đáp ứng được 372 chỉ tiêu trên Công ty phải nghiên cứu tìm vùng trồng riêng để quản lý và kiểm soát chặt chẽ vấn đề sử dụng thuốc BVTV của người nông dân.

Nếu tăng xuất khẩu các loại gạo đặc chủng vào các thị trường lẻ, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan và Trung Đông mỗi thị trường mỗi năm vài chục ngàn tấn và châu Âu 80.000 tấn. Đặc biệt, năm ngoái xuất khẩu gạo sang thị trường Hồng Kông đạt gần 84.000 tấn gạo… sẽ giảm được áp lực xuất khẩu gạo lên các thị trường chính.

“Nếu chỉ tập trung xuất khẩu gạo với khối lượng lớn vào một vài thị trường, khi các thị trường này giảm mua nông dân trồng lúa gặp khó khăn, nhưng nếu đa dạng hóa cơ cấu gạo xuất khẩu và chia nhỏ thị trường sẽ giúp xuất khẩu gạo ổn định hơn, giá bán lại cao còn người nông dân không bị áp lực khi trúng mùa mất giá.

Từ khi Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu ra đời thay thế cho NĐ 109 đã tạo điều kiện cho thương nhân xuất khẩu các loại gạo đặc chủng, số lượng nhỏ được thuận lợi hơn.

Bởi có một số Việt kiều và những thương nhân xuất khẩu các mặt hàng khác như cà phê, tiêu…, nếu khách hàng của họ có nhu cầu mua 5-10 cont gạo cũng có thể xuất được nhờ có sẵn mối quan hệ nên thanh toán, thanh khoản các thứ đều thuận lợi”, Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV nêu quan điểm.