Nước ngoài gia tăng điều tra chống bán phá giá với hàng Việt

Theo Tú Uyên/plo.vn

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực phòng vệ thương mại của Việt Nam trong bối cảnh EVFTA có hiệu lực.

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đang áp dụng đối với sản phẩm gỗ ván ép của Trung Quốc được nhập khẩu từ Việt Nam.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đang áp dụng đối với sản phẩm gỗ ván ép của Trung Quốc được nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, các biện pháp phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu có xu hướng gia tăng. Tính đến tháng 6-2020, Bộ đã xử lý 176 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Riêng trong sáu tháng đầu năm, Bộ đang xử lý 13 vụ phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam. Và sáu vụ việc có khả năng bị điều tra trong thời gian tới.

Đáng chú ý, dù chiếm tỷ lệ nhỏ 4% trong tổng số vụ việc phòng vệ thương mại (bị điều tra bảy vụ) nhưng mức độ điều tra với các sản phẩm gỗ đang có xu hướng tăng. Tính trong cả giai đoạn 2007-2017 chỉ có ba vụ nhưng từ 2018 đến nay đã có bốn vụ.

Cụ thể vào ngày 17/6, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đang áp dụng đối với sản phẩm gỗ ván ép của Trung Quốc được nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là sản phẩm gỗ ván dán cứng, gỗ ván dán dùng trong trang trí và một số loại gỗ ván phủ veneer.

Theo đó, Bộ khuyến nghị các doanh nghiệp tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của Mỹ. Đồng thời, chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý, số liệu để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về thông tin, chứng minh nguồn gốc nguyên liệu...

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu trong nước nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đây cũng là giải pháp lâu dài để ứng phó với các cuộc điều tra “chống lẩn tránh” đang ngày càng gia tăng hiện nay.