Châu Âu e ngại "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc

Theo Minh Phương/doanhnhansaigon.vn

Các công ty châu Âu có thể mất khoảng 900 tỷ USD từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ cho sáng kiến "Vành đai, Con đường", vốn được mệnh danh là con đường tơ lụa mới, do Trung Quốc khởi xướng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sáng kiến "Vành đai, Con đường" cho phép Trung Quốc xây dựng một loạt cơ sở hạ tầng, như đường, cảng, ống dẫn dầu, đập thủy điện tại 65 quốc gia.

Thế nhưng, đại sứ các nước châu Âu tại Trung Quốc cảnh báo rằng kế hoạch của Trung Quốc xây dựng 3 hành lang thương mại kết nối châu Á và châu Âu có thể gây tổn thương đến lợi ích thương mại của Liên minh Châu Âu (EU).

Sáng kiến này không phải hướng tới mục đích thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế toàn cầu cũng như "có lợi cho đôi bên" như Bắc Kinh tuyên bố, mà đó là công cụ để mở rộng ảnh hưởng chính trị và hiện diện quân sự của Trung Quốc.

Khi đưa ra sáng kiến "Vành đai, Con đường", Trung Quốc hứa rằng, các quốc gia có tuyến đường thương mại chạy qua đều được hưởng lợi ích rất lớn. Song, các đối tác thương mại chính với Trung Quốc đều tỏ ra nghi ngờ mục tiêu chiến lược này của Bắc Kinh. Nguyên nhân, các công trình của Trung Quốc xây dựng đến đâu thì thường các công ty nhà nước của họ hưởng lợi đến đấy.

Ông Thomas Eder - chuyên gia về Trung Quốc của Viện Nghiên cứu Mercator ở Đức - khẳng định: "Hiện tại, các công ty tư nhân châu Âu đang cạnh tranh rất vất vả với các công ty quốc doanh của Trung Quốc, nơi vốn được bơm nguồn tài chính dồi dào từ các ngân hàng nhà nước của họ.

Thậm chí, trước khi có kế hoạch về "Vành đai, Con đường", EU đã chứng kiến sự suy giảm thương mại với Trung Quốc. Các công ty châu Âu không có hy vọng tìm được lợi nhuận từ Con đường tơ lụa mới. Vì Bắc Kinh chưa bao giờ che giấu tham vọng mở rộng sự hiện diện và lợi ích cho các công ty nhà nước của họ vươn ra thị trường nước ngoài để thâu tóm công nghệ và nguyên liệu thô”.

Nhìn về thị trường Trung Quốc, các lãnh đạo EU thường than phiền Trung Quốc chưa bao giờ mở rộng cửa cho các công ty nước ngoài. Bất chấp việc Trung Quốc thường mạnh miệng cam kết sẽ cải cách thị trường theo hướng minh bạch, công bằng, nhưng các công ty nước ngoài luôn gặp bất lợi trong thương mại và lép vế trong việc tham dự đấu thầu các công trình do Chính phủ Trung Quốc đầu tư.

Ở chiều ngược lại, ông Danien Tobin - giáo sư Trường Đại học London - tin rằng, EU ở phía cuối Con đường tơ lụa mới sẽ hưởng lợi khi nó được hoàn thành. Bằng chứng là nhiều công ty lớn của EU đang hiện diện ở những quốc gia mà dự kiến Con đường tơ lụa mới chạy qua vẫn đang kinh doanh tốt.

"Các công ty Trung Quốc có thế mạnh ở lĩnh vực xây dựng nhưng các công ty châu Âu có lợi thế rất lớn về công nghệ, tài chính" - ông Tobin nói.

Đứng trước các cảnh báo tiêu cực với Con đường tơ lụa mới từ báo cáo của các đại sứ châu Âu, Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc cho biết, EU luôn chào đón sự hợp tác, nhưng cần có sự trao đổi 2 chiều một cách tích cực hơn. Có nghĩa rằng, Bắc Kinh cần mở cửa thị trường trong nước nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong tuyên bố của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc có đoạn: "Sự thành công của sáng kiến "Vành đai, Con đường" chỉ dựa trên thị trường mở, thương mại cân bằng, minh bạch và có qua có lại. Do đó, chúng tôi kỳ vọng có một "sân chơi" minh bạch giữa các công ty Trung Quốc và các doanh nghiệp châu Âu, mà nếu không có các yếu tố này thì nguồn tài chính cho xây dựng Con đường tơ lụa mới chỉ đổ sông đổ biển".

Một mối quan ngại khác được chỉ ra trong báo cáo của các đại sứ EU là sự không đoàn kết giữa các nước châu Âu, do sức hấp dẫn các khoản đầu tư của Trung Quốc. Theo ông Thomas Eder, Trung Quốc đang rất thành công trong việc chia rẽ mối liên kết giữa các nước EU.

Hungary và Hy Lạp là 2 nước từ chối ký vào các tuyên bố của EU về việc phản đối sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc. Hungary và Hy Lạp sợ làm phật lòng các nhà đầu tư Trung Quốc vì có thể mất đi các khoản đầu tư béo bở vào hệ thống hạ tầng, như đường sắt, đường cao tốc, nhà máy điện.

Nhưng nhiều khi đó là cái bẫy, vì Trung Quốc đang bị nhiều nước chỉ trích tạo ra bẫy nợ cho các nước trong Con đường tơ lụa mới. Sri Lanka là một thí dụ khi đã chào đón quá nhiều đầu tư từ Trung Quốc và không trả được nợ, buộc phải gán nợ bằng việc cho thuê cảng chiến lược Hambantota trong 99 năm.

Tuy nhiên, ông Danien Tobin cho rằng, thay vì chỉ trích Trung Quốc, các thành viên EU nên có biện pháp cụ thể cho các khoản đầu tư từ sáng kiến "Vành đai, Con đường" để có thể hưởng lợi.