Có gì mới trong chính sách của ông Joe Biden với châu Á?

Theo Thanh Trần/nhadautu.vn/Nikkei Asian Reviews

Các nhà phân tích nhận định rằng Joe Biden khó có khả năng đảo ngược hoàn toàn đường lối chính sách của Donald Trump về các vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến châu Á.

 Joe Biden khó có khả năng đảo ngược hoàn toàn đường lối chính sách của Donald Trump về các vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến châu Á.  Ảnh: Nikkei
Joe Biden khó có khả năng đảo ngược hoàn toàn đường lối chính sách của Donald Trump về các vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến châu Á. Ảnh: Nikkei

Đối với thương mại và biến đổi khí hậu, Joe Biden sẽ thực hiện một số chính sách mới không chỉ để tái thiết Mỹ với các cam kết cùng các đồng minh và hiệp ước quốc tế, mà còn khuyến khích sự hợp tác với các đối thủ như Trung Quốc.

Vào ngày thứ Năm, ông Biden đã tìm cách củng cố mối quan hệ với các đồng minh châu Á quan trọng, thông qua các cuộc gọi đàm thoại đầu tiên với các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Thương mại

Đối với châu Á, câu hỏi đặt ra là liệu ông Biden có đưa Mỹ trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không. Một 'cuộc chiến' căng thẳng tại Quốc hội có thể sẽ loại trừ TPP khỏi danh sách ưu tiên của Joe Biden.

11 quốc gia thành viên khác đã ký thỏa thuận mà không có Mỹ vào tháng 3 năm 2018 (hiệp định có hiệu lực vào tháng 12 năm đó).

Việc tái gia nhập dưới thời chính quyền Joe Biden sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho các nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Nhật Bản và Singapore và cũng có thể khuyến khích các quốc gia không phải thành viên khác xem xét gia nhập.

Mặc dù vậy, việc đàm phán lại các điều khoản và điều kiện trong TPP có thể là rủi ro đối với các thành viên hiện tại.

Nhưng với việc Joe Biden dự kiến ​​sẽ ưu tiên các vấn đề trong nước, chẳng hạn như cuộc chiến chống COVID-19 và đảm bảo việc làm cho người Mỹ, một thỏa thuận thương mại có thể không được hiện thực hóa sớm.

"Chúng tôi sẽ không đàm phán bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào trước khi đảm bảo được các nền tảng quan trọng trong nước", cương lĩnh Đảng Dân chủ được phê duyệt vào tháng 8 nêu rõ.

Nick Marro, chuyên gia về thương mại toàn cầu tại Economist Intelligence Unit, cho biết trong một ghi chú: "Chúng ta sẽ khó có thể thấy bất kỳ động thái mạnh mẽ nào của Mỹ đối với việc gia nhập CPTPP trong thời gian tới".

Chiến thắng bầu cử của ông Joe Biden đang khiến ngành công nghệ toàn cầu nói chung thở phào nhẹ nhõm. Giới chuyên gia cho rằng ông sẽ có thể xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc và mang lại sự ổn định rất cần thiết cho các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này.

Ankit Panda, thành viên cấp cao của Carnegie Endowment for International Peace cho biết: "Tôi mong đợi việc nới lỏng thuế quan, trong khi vẫn duy trì các biện pháp phi thuế quan và đặc biệt tập trung vào chuỗi cung ứng và sở hữu trí tuệ".

Biến đổi khí hậu

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden đã cam kết quay trở lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trong ngày đầu tiên nắm quyền. Tuy nhiên, các quốc gia châu Á không cần phải quá lo sợ về mức thuế carbon.

Ngay cả khi đảng của ông giành lại quyền kiểm soát ở cả hai viện của Quốc hội, Joe Biden vẫn sẽ phải đối mặt với sự phản đối của các ngành công nghiệp như ô tô trong việc đàm phán một mức thuế có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp trong nước.

Mary Alice Haddad, giáo sư nghiên cứu về môi trường tại Đại học Wesleyan, cho biết: "Chính quyền Joe Biden sẽ hướng tới các chính sách dễ dàng hơn mà đôi bên cùng có lợi".

Đối với ông Biden, điều dễ thực hiện nhất lúc này chính là xây dựng lại Cơ quan Bảo vệ Môi trường và khôi phục các quy định mà Donald Trump đã bỏ ngỏ.

Kế hoạch chống lại biến đổi khí hậu của ông Joe Biden đưa ra khi tranh cử tổng thống Mỹ là sẽ đầu tư 1.700 tỷ USD trong hơn 10 năm, với lợi suất đòn bẩy trị giá hơn 5.000 tỷ USD. Thêm vào đó, 400 tỷ USD cũng sẽ được đổ vào các công tác nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, tạo đà cho Mỹ tiến lên trên đường đua năng lượng sạch toàn cầu. 

Kế hoạch này sẽ là một đòn bẩy cần thiết để phát triển cũng như quảng bá công nghệ xanh của Mỹ tại các khu vực như châu Á.

Điều này sẽ mở ra cánh cửa để Mỹ hợp tác với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc, một dự án chưa có dấu hiệu chậm lại bất chấp nhiều năm bị Washington chỉ trích.

Giáo sư Haddad nhận định rằng: "Đó là một thiết lập đôi bên cùng có lợi khi các công ty Mỹ có công nghệ và mong muốn có những thị trường lớn hơn, trong khi Trung Quốc lại có thị trường và nhu cầu".