Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang chậm tiến độ

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Mặc dù đã đạt được một số chuyển biến song nhìn một cách tổng thể, việc sắp xếp và cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2013 (Theo Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”) đến nay còn chậm, chưa gặt hái nhiều thành công và phía trước vẫn còn nhiều thách thức về các vấn đề hiệu quả kinh tế, khả năng cạnh tranh, bài toán thoái vốn, quản trị DN, nhất là tính minh bạch của khu vực này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Kết quả chưa đáp ứng yêu cầu 
 
Nhìn lại quá trình tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2013 cho thấy, chuyển biến đáng kể nhất là tổng lợi nhuận toàn khối có xu hướng tăng lên (năm 2011 lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tăng khoảng 22,4% so với năm 2010; năm 2012 tăng khoảng 12,6% so với năm 2011; năm 2013 tăng 13% so với năm  2012) nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có xu hướng giảm xuống (năm 2012 tăng trưởng lợi nhuận mặc dù đạt mức 12%, thấp hơn con số 27% của năm 2011 và 23,1% của năm 2010), chưa tương ứng với xu hướng tăng quy mô vốn và quy mô vốn chủ sở hữu ở các DNNN.
 
Báo cáo Kiểm toán Nhà nước về kết quả kinh doanh năm 2012 ở 27 tập đoàn, tổng công ty với 271 DN cũng điểm mặt có 23/27 tập đoàn/tổng công ty kinh doanh có lãi, trong đó dẫn đầu về giá trị lợi nhuận là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) 53.833 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông quân đội 19.793 tỷ đồng năm 2011; Tập đoàn Cao su Việt Nam 11.773 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam 8.646 tỷ đồng; Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam 8.632  tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 3.268 tỷ đồng. Không chỉ có vậy, ngay cả những tập đoàn làm ăn thua lỗ trong năm 2011 như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng đã bắt đầu kinh doanh có lãi trở lại trong năm 2012 và 2013. Hay như Tổng công ty công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tổng công ty truyền thông đa phương tiện, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, (Vinaline) thua lỗ trong các năm trước, sau khi thực hiện tái cơ cấu đã bắt đầu có lãi trong năm 2013.
 
Về quy mô, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng tài sản ước tính khoảng 2.392.274 tỷ đồng năm 2012, tương đương 81% GDP của Việt Nam cùng năm. Các số liệu về tổng tài sản cũng cho thấy, năm 2011 tổng tài sản các tập đoàn, tổng công ty đã tăng 15% so với năm 2010, trong đó các khoản nợ mới đóng góp đến 79% và vốn chủ sở hữu đóng góp 21%. 
 
Như vậy, mặc dù số lượng DNNN trong quá trình tái cơ cấu có giảm xuống, nhưng nhìn chung cơ cấu tài sản và vốn chủ sở hữu tiếp tục tăng lên. Bên cạnh đó, sự đóng góp của vốn chủ sở hữu vào sự tăng trưởng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có xu hướng tăng lên đã làm cho hệ số nợ ở các DNNN có xu hướng giảm xuống, từ 1,61 năm 2011 xuống còn 1,29 năm 2012. Điều này phản ánh cấu trúc nguồn vốn của các DNNN nói chung đã được cải thiện.
 
Tuy nhiên, dù có những chuyển biến tích cực về hệ số nợ ở các DN, song quy mô nợ ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn lên đến 1.348.752 tỷ đồng tương đương với khoảng 46% GDP của Việt Nam trong năm 2012 (2.950.684 tỷ đồng). Dư nợ của một số tập đoàn đến cuối năm 2012 tương đối lớn như: PVN là 124.499 tỷ đồng; Vinaline là 31.681 tỷ đồng; đặc biệt, số dư nợ của EVN đã tăng từ 103.194 tỷ vào thời điểm cuối năm 2012 lên đến 144.000 tỷ đồng vào 31/9/2013.
 
Bất cập lớn hơn cả là quá trình tái cơ cấu DNNN diễn ra chậm chạp. Theo ước tính, cả giai đoạn 2011 - 2013 chỉ có khoảng 170 DN được CPH (tương đương khoảng 57 DN/năm), thấp hơn so với tốc độ CPH bình quân giai đoạn 2001-2011 (ước tính khoảng 300 DN/năm). So với kế hoạch đặt ra, năm 2012 hoạt động CPH chỉ hoàn thành được 37% kế hoạch và năm 2013 chỉ hoàn thành 43% kế hoạch.
 
Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung - quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, quá trình tái cơ cấu các DNNN chỉ mới đang ở giai đoạn bắt đầu, chưa tạo ra được nhiều thay đổi về chất và phân bố lại nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của DN. Cũng theo ông Cung, việc áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hầu như chưa có chuyển biến, kể cả trong tư duy, quan niệm và hành động chính sách. 
 
Đưa ra dẫn chứng cụ thể là Vinashin, Vinaline, EVN được bổ sung vốn rất nhiều nhưng hiệu quả hoạt động rất thấp, hay như VNPT cũng có nhiều vấn đề..., GS.. TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN FDI phân tích nguyên nhân dẫn đến hiệu quả thấp trong tái cơ cấu DN giai đoạn vừa qua một phần là do quá trình này chưa huy động được trí tuệ của các chuyên gia pháp luật, kinh tế, công nghệ, mà dựa phần lớn vào hệ thống hành chính của các bộ chủ quản. Bên cạnh đó do thị trường chứng khoán giảm sút, việc bán cổ phần gặp khó khăn, những DN CPH có quy mô vừa hoặc lớn còn nhiều vấn đề tồn tại về tài chính. Cũng không phủ nhận một nguyên nhân quan trọng nữa là sự thiếu chủ động, tích cực của chính những lãnh đạo DNNN.

Những bất cập cần hoàn thiện

Để thực hiện được mục tiêu tái cơ cấu đã đặt ra trong kế hoạch  phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, các chuyên gia cho rằng, trước hết, trong giai đoạn 2014-2015, sứ mệnh của các nhóm DNNN cần được xác định rõ hơn; mục tiêu, tiến độ CPH cũng cần được điều chỉnh; quan trọng là các nhà tư vấn, các nhà khoa học cần được huy động tham gia vào quá trình này để nhìn nhận, đánh giá khách quan về vấn đề phát sinh hay tồn tại. Bên cạnh đó, ngoài việc xác định lĩnh vực hoạt động, Nhà nước cần phải xác định rõ các khoản đầu tư của nhà nước và khả năng tham gia của các DN tư nhân để phân nhóm/sắp xếp lại DN. 
 
Thời gian qua, việc chuyển quyền sở hữu các DN về các Bộ chuyên ngành đã làm cho hoạt động này sâu sát hơn, giải quyết được tốt hơn các vấn đề cụ thể trong quá trình tái cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên, phân cấp các Bộ và các UBND cấp tỉnh thực hiện quyền sở hữu nhà nước tại các DN chỉ nên được coi là phương án quá độ vì nó có một số nhược điểm trong dài hạn.

Thứ nhất, sự chồng chéo về vai trò của các cơ quan này (vừa sở hữu vừa quản lý nhà nước đối với các DN) sẽ không tránh khỏi thiên vị DNNN, phân biệt đối xử đối với các DN thuộc các thành phần khác trong công tác quản lý nhà nước.

Thứ hai, việc phải đảm bảo thêm nhiệm vụ thực hiện sở hữu nhà nước đối với các DN (hoặc các khoản đầu tư của nhà nước vào các DN) sẽ làm cho hoạt động của các cơ quan quản lý trở nên quá phức tạp và kém hiệu quả do thiếu chuyên nghiệp. Để khắc phục 2 yếu điểm này, cần nghiên cứu thành lập mới một cơ quan thực hiện quyền sở hữu nhà nước đối với các DN, có thể tạm gọi tên là Uỷ ban quốc gia về DNNN, trực thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm gánh vác việc quản lý.
 
Cũng để kiểm soát tính hiệu quả trong hoạt động của DNNN, trong năm vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2013/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước. Tuy nhiên, phần lớn các chỉ tiêu được ban hành chỉ tập trung phản ánh các khía cạnh tài chính của DN, trong khi sự kém hiệu quả về mặt tài chính hoặc sự xấu đi của cấu trúc nguồn vốn lại chưa được xem xét trách nhiệm liên quan nên những thất thoát về vốn thường được biện minh bằng các sứ mệnh như phục vụ an ninh lợi ích quốc gia, cung cấp dịch vụ công cộng, hoặc thực hiện những cần đối lớn của nền kinh tế. Đây thực sự là khiếm khuyết mà để hoàn thiện, đòi hỏi các cơ quan thực hiện quyền sở hữu nhà nước tại các DN cần được tổ chức lại căn cứ theo từng nhóm sứ mệnh. 
 
Mặt khác, tiến trình CPH vừa qua cho thấy, các nguồn vốn tư nhân chưa thể nhanh chóng thay thế được nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào DN trong thời gian ngắn. Điều này xuất phát từ thực tế các khoản tiết kiệm tư nhân hiện nay rất hạn hẹp do nhiều DN kinh doanh không có lãi, tiền lương đang có xu hướng giảm xuống trong mấy năm gần đây, trong khi quy mô tài sản của các DNNN là khá lớn; hơn nữa hoạt động quản lý còn thiếu chuyên nghiệp, đặc biệt là tính công khai minh bạch, dẫn đến tài sản DN có thể bị định giá dưới giá trị, ảnh hưởng không tốt đến giá trị tài sản quốc gia. Vì vậy, để hạn chế thất thoát tài sản nhà nước, nâng cao hiệu quả quá trình tái cơ cấu, việc thoái vốn nhà nước ra khỏi các DNNN không nên quá vội vàng.
 
Mục tiêu và tiến độ thoái vốn của Nhà nước ra khỏi các DN cũng nên được xác định thông qua giá trị thoái vốn, thay vì chỉ thông qua số lượng DN được thoái vốn như hiện nay. Theo đó, cần phân biệt rõ ràng giữa thoái vốn (tư nhân hóa) và CPH. CPH DN là thay đổi mô hình quản lý DN nhằm tăng tính công khai minh bạch, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động; trong khi thoái vốn là quá trình thực hiện phân bổ lại nguồn lực nhà nước. Vì vậy, CPH có thể thực hiện trước, nhưng thoái vốn có thể được thực hiện từ từ. Phương án này sẽ góp phần đạt được các mục tiêu nâng cao năng lực quản trị, tính công khai, minh bạch và hiệu quả của các DNNN, đồng thời tránh được sự thất thoát vốn của nhà nước trong quá trình tái cơ cấu .