Tái cơ cấu nền kinh tế: Phải rõ mục tiêu cụ thể
(Tài chính) Mức tăng trưởng ngày càng ổn định, cho thấy dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế. Đây là đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.
Tuy nhiên, kết quả giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại cho thấy, GDP có tăng nhưng so với kế hoạch 5 năm sẽ không hoàn thành mục tiêu đề ra. Những lo lắng về "tốc độ" cũng như kết quả của công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế đã được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập, phân tích trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 1/10.
"Ngại" cổ phần hóa
Nhìn lại quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu thừa nhận có tâm lý "ngại" cổ phần hóa, tái cấu trúc hoạt động của tổng giám đốc các công ty, tập đoàn nhà nước. "Thực chất, doanh nghiệp biết là việc phải làm, phải sắp xếp lại nhưng đây là việc rất mệt mỏi nên có chuyện né tránh" - Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cho biết.
Đánh giá sâu hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhận xét: Thời gian qua, cân đối cung cầu hàng hóa bảo đảm; cân đối lương thực tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu an ninh lương thực; cán cân vãng lai, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư liên tục 3 năm liền, nhưng vẫn còn ngổn ngang những việc chưa làm được. Điển hình là một số địa phương vẫn nhận thức chưa đầy đủ về tái cơ cấu, đồng nhất tái cơ cấu với chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Cá biệt, có nơi còn chưa phê duyệt đề án tái cơ cấu kinh tế để tạo đà cho các cơ quan liên quan thực hiện mà chỉ ban hành đề án theo lĩnh vực cụ thể; chưa chấp hành đầy đủ về bố trí vốn. Đặc biệt là tình trạng điều chỉnh quyết định đầu tư dự án diễn ra phổ biến, việc phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ chưa có lộ trình rõ ràng. Đáng lo ngại hơn, tốc độ tăng năng suất lao động Việt Nam còn thấp so với mục tiêu kế hoạch đề ra và thuộc nhóm năng suất lao động thấp nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương...
Từ kết quả giám sát, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 sẽ không đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội (6,5-7%) mà khả năng thực hiện chỉ đạt khoảng 5,8%. Sụt giảm này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Trước bức tranh còn màu xám, nhiều đại biểu dự phiên thảo luận đặt câu hỏi: Phải chăng động lực và năng lực cải cách của nền kinh tế ít nhiều đang bị suy yếu?
Không thể vội vàng
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu khẳng định không hẳn như lo ngại của một số ĐBQH. Chuyển đổi cơ cấu cả nền kinh tế cần có thời gian. Thực tế, chúng ta bắt tay vào tái cơ cấu doanh nghiệp từ sau khi có nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Đến nay, việc thực hiện mới 2 năm, chưa kể thời gian đầu triển khai bị chậm so với dự kiến bởi còn phải nghiên cứu, làm báo cáo, lập đề án. Nếu chỉ nhìn ở con số 36 doanh nghiệp đã sắp xếp lại thì có thể lo lắng, nhưng cần hiểu đó là giai đoạn "dò đường". Sắp tới, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu kiến nghị, tái cơ cấu doanh nghiệp phải tiến hành ở cả thị trường chứng khoán, bảo hiểm. Tất cả các tập đoàn, tổng công ty sau cổ phần hóa đều phải lên sàn chứng khoán, công khai minh bạch hoạt động, thu hút vốn.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quan điểm của Bộ với Đoàn giám sát không có gì mâu thuẫn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mức tăng trưởng kinh tế ngày càng ổn định và tăng dần, nhưng Đoàn giám sát khẳng định so với kế hoạch 5 năm sẽ không hoàn thành mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5 - 7% là không sai. "Căn cứ nghị quyết của Quốc hội, điều hành lạm phát cố gắng ở mức dưới 7%. Hiện, chỉ số này ở xung quanh mức 5%, giúp ổn định vĩ mô. Song, có mặt trái thì doanh nghiệp hoạt động khó khăn…" - Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải.
Cùng chung quan điểm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá, các kiến nghị trong báo cáo giám sát rất sát thực. Tuy nhiên, tái cơ cấu là một quá trình thường xuyên, liên tục. Đối với ngành ngân hàng quan trọng là phải bảo đảm an toàn hệ thống trong tầm kiểm soát. Giai đoạn đầu của tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước tích cực xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp khác nhau. Hiện tượng ngân hàng thương mại gặp khó khăn thanh khoản, các ngân hàng cạnh tranh chạy đua lãi suất đã giảm.
Phải rõ trách nhiệm
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền phân tích, tái cơ cấu là đổi mới mô hình hoạt động. Quan trọng là cần đánh giá kỹ hiệu quả hoàn thiện về chính sách, đổi mới mô hình như: Việc thành lập Công ty Mua bán nợ xấu, tái cơ cấu Vinalines, Vinashin. Hay, Quốc hội khóa trước đã có ý kiến nhận định nền kinh tế của chúng ta nhỏ bé thế mà cứ ra ngõ là gặp ngân hàng. Bây giờ, qua quá trình tái cơ cấu, kết quả thế nào? Cũng theo ông Nguyễn Đình Quyền, vấn đề cần quan tâm là làm gì để thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp, trách nhiệm của từng cấp trước những thiếu sót trong quá trình tái cơ cấu thế nào? Đáng lẽ, kết quả giám sát cũng phải chỉ rõ vấn đề này để từ đó tìm giải pháp tháo gỡ triệt để.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đề nghị ngành ngân hàng phải làm rõ Công ty Mua bán nợ xấu hoạt động thế nào, thiếu cơ chế gì, tại sao mua 56.000 tỷ đồng nợ xấu nhưng mới bán được có 1.600 tỷ đồng. "Hình như chúng ta rất ngại nói về trách nhiệm, nặng nhất cũng chỉ phê bình là chưa thể hiện quyết tâm cao" - ông Phan Trung Lý phân tích.
Cho ý kiến về những vấn đề nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý Đoàn giám sát "gia công" thêm báo cáo, bởi "trách nhiệm phải rõ mới chuyển biến". Báo cáo giám sát cũng phải phân tích đầy đủ kết quả đạt được về tình hình tái cơ cấu, những mặt hạn chế và chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến các hạn chế này. Với các bộ, ngành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, cần làm rõ từ nay đến năm 2015 đặt ra mục tiêu tái cơ cấu cụ thể như thế nào? Chủ trương, giải pháp nào để triển khai? "Nên bỏ công thức viết là cơ bản tán thành với báo cáo giám sát. Nếu không sẽ rất khó thực hiện"- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.