Tại sao nhiều ngân hàng trung ương châu Á chưa cắt giảm lãi suất?


Nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) châu Á đang hành động chậm hơn NHTW các khu vực khác trong việc cắt giảm lãi suất.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (POBC) quyết định tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản. Ảnh: Reuters
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (POBC) quyết định tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản. Ảnh: Reuters

Đầu năm nay, hầu hết các NHTW tại châu Á đều muốn hạ lãi suất để thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Nhưng các chuyên gia nhận định, rất khó để các NHTW châu Á tự cắt giảm lãi suất trước Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), trừ một số NHTW.

FED đã tiến hành cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang xuống còn 4,75%-5% trong nỗ lực đưa nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm.

Động thái này của FED đã mang lại nhiều dư địa hơn cho các NHTW châu Á trong việc đưa ra quyết định tương tự. Tuy nhiên, nhiều ý kiến dự đoán, ở thời điểm này, các NHTW châu Á sẽ không vội hạ lãi suất.

"Các NHTW châu Á có thêm dư địa để cắt giảm lãi suất, nhưng họ không cần phải cắt giảm", Qian Wang, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Vanguard, một công ty quản lý đầu tư của Hoa Kỳ, cho biết và nhấn mạnh các NHTW châu Á sẽ theo dõi chặt chẽ động thái của FED và các biến động bên ngoài. Vì vậy, họ muốn hành động với tốc độ chậm hơn.

Các yếu tố bên ngoài có thể gây ra biến động bao gồm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu và 60% thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu ông tái đắc cử Tổng thống Mỹ.

Adarsh ​​Sinha, đồng Giám đốc chiến lược tỷ giá và ngoại hối châu Á tại BofA Global Research, cho biết ông kỳ vọng hầu hết các NHTW của các nước ASEAN sẽ bước vào chu kỳ cắt giảm lãi suất chậm dần.

"GDP của ASEAN dự kiến ​​sẽ tăng 4,7% vào năm tới, mặc dù có thể con số này sẽ vượt trội hơn", ông Adarsh ​​Sinha cho biết và nhấn mạnh nếu chỉ xét về triển vọng tăng trưởng, khu vực châu Á đang cho thấy tín hiệu tương đối tích cực.

Chuyên gia này cũng dự đoán, các NHTW ASEAN sẽ hạ lãi suất không quá 0,25 điểm phần trăm, chậm hơn so với mức dự báo đối với FED.

Malaysia là một trường hợp ngoại lệ trong số các nước ASEAN. Ông Sinha kỳ vọng NHTW Malaysia sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 3% vào năm tới, với lý do lạm phát và tăng trưởng kinh tế ổn định. "Không có lý do gì để họ phải tính đến việc cắt giảm lãi suất", ông nhận định.

Ấn Độ là một quốc gia châu Á khác sẽ không vội hạ lãi suất. Các nhà kinh tế của HSBC dự báo Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) sẽ duy trì lãi suất ở mức 6,5% trong tháng tới. Tuy nhiên, nếu giá thực phẩm và dầu giảm, sẽ tạo động lực để RBI hạ lãi suất vào tháng 12 tới.

Với Trung Quốc, ngược lại với kỳ vọng của thị trường, thứ Sáu tuần trước, PBOC quyết định tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức 3,35% với các khoản vay kỳ hạn 1 năm và 3,85% với khoản vay kỳ hạn 5 năm. Tuy nhiên, hồi tháng 7, cơ quan này đã hạ lãi suất repo ngược kỳ hạn 7 ngày xuống còn 1,7% để thúc đẩy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại

“PBOC cần hạ lãi suất. Bởi vì, hầu hết các chỉ số kinh tế Trung Quốc đang chứng kiến sự suy giảm qua các tháng. Vì vậy, tôi cho rằng áp lực giảm phát đang dai dẳng và có xu hướng gia tăng”, chuyên gia Qian Wang của Vanguard nhận xét.

CPI tháng 8 của Trung Quốc tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo. Theo bà Wang, trong các nhóm hàng hóa, chỉ có thực phẩm tăng giá, còn giá các mặt hàng ngoài thực phẩm và dịch vụ, cùng lạm phát cơ bản đều giảm. Điều này cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc.

Chuyên gia này cũng nhận định đồng USD sẽ vẫn mạnh trong năm nay và năm sau. Kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 1-1,5% trong năm sau, thấp hơn mức dự báo 2% được đưa ra trước đó.

“Trong bối cảnh này, FED sẽ không cần hạ lãi suất quá mạnh tay. Dù sức mạnh của nền kinh tế ít nhiều sẽ sụt giảm, nhưng sức mạnh của đồng USD sẽ không giảm mạnh”, bà Wang lưu ý.

Theo Cẩm Anh/Diendandoanhnghiep.vn