Tầm quan trọng của việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố
Luôn ý thức vai trò, trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền, chống khủng bố và tài trợ khủng bố, giai đoạn từ năm 2015-2020, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Tại phiên họp tổng kết Chương trình đánh giá đa phương của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa, tài trợ khủng bố (APG) đối với Việt Nam, ngày 15/11/2019 tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống rửa tiền với Đoàn APG, Phó Thủ tướng khẳng định: Việt Nam coi đánh giá đa phương của APG là cơ hội giúp Việt Nam có thêm những giải pháp phù hợp trong cơ chế phòng, chống rửa tiền, chống khủng bố và tài trợ khủng bố. Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ tiếp tục, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các nội dung sau: (i) hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và quy trình, thủ tục liên quan đến chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; (ii) tăng cường hợp tác quốc tế; (iii) làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cơ quan nhà nước và người dân; (iv) tăng cường công tác thanh tra, giám sát tuân thủ và điều tra tài chính song song với điều tra tội phạm nguồn.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, kể từ khi nhận được thông báo của APG tại Hội nghị thường niên lần thứ 20 của APG vào tháng 7/2017, Việt Nam đã bắt tay vào chuẩn bị cho đánh giá đa phương của APG đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam. Với sự hỗ trợ của World Bank, Việt Nam đã thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố; trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động đánh giá đa phương của APG đối với Việt Nam.
Ngày 30/4/2019, Thủ tướng Chính đã phủ phê duyệt Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 và kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020 (ban hành kèm Quyết định số 474/QĐ-TTg) và phê duyệt kế hoạch tổng thể phục vụ cho đánh giá đa phương của APG vào tháng 11/2019 (ban hành kèm theo Quyết định số 475/QĐ-TTg ngày 30/4/2019). Đánh giá đa phương của APG đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam được thực hiện thông qua đánh giá việc đáp ứng các yêu cầu về tuân thủ kỹ thuật đối với 40 khuyến nghị và tính hiệu quả của 11 mục tiêu trực tiếp của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), việc đánh giá sẽ diễn ra một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, do đó công tác chuẩn bị của Việt Nam là hết sức quan trọng.
Mặc dù việc chuẩn bị cho đánh giá đa phương là một khối lượng công việc rất lớn và là một thách thức đối với Việt Nam nhưng Ngân hàng Nhà nước xác định đây cũng là một cơ hội lớn giúp Việt Nam đánh giá đúng thực trạng, xác định được điểm mạnh, điểm yếu trong cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của mình từ đó có những giải pháp phù hợp đảm bảo cho sự phát triển ổn định, lành mạnh, an toàn và bền vững trên cơ sở tuân thủ các khuyến nghị của FATF có hiệu quả.
“Theo quy trình đánh giá đa phương của APG và phương pháp luận của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế FATF, ngoài đánh giá tính tuân thủ kỹ thuật, APG còn đánh giá tính hiệu quả đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam có thể thấy rằng, vòng đánh giá đa phương lần này đối với các quốc gia thành viên của APG nói chung và đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam nói riêng thực sự có nhiều thách thức hơn so với đợt đánh giá đa phương trước đây. Do đó, việc chuẩn bị cho đánh giá là một thách thức không nhỏ đối với cả khu vực công và khu vực tư”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định.
Nguyên tắc và quy trình đánh giá đa phương của APG là tăng cường sự hiểu biết của các cán bộ tham gia về Phương pháp luận đánh giá, đặc biệt về tuân thủ kỹ thuật; tăng cường sự hiểu biết của các cán bộ tham gia về những yêu cầu thông tin để đánh giá tính hiệu quả và tăng cường sự hiểu biết của các cán bộ tham gia về những yêu cầu đối với đợt đánh giá đa phương tại Việt Nam.