Tận dụng cơ hội từ thách thức

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Việc thực hiện cam kết xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và đàm phán, ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) sẽ tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp Việt tham gia vào các chuỗi sản xuất, cung ứng, chuỗi giá trị trong khu vực cũng như toàn cầu. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp nước ta trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đánh giá của Bộ Công thương, việc thực hiện cam kết xây dựng AEC và đàm phán, ký kết FTAs sẽ mang lại nhiều cơ hội đa dạng hóa thị trường, ngành cũng như sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp Việt. Do vậy, doanh nghiệp trong nước có thể chủ động lựa chọn các thị trường, ngành hay sản phẩm mà bản thân có lợi thế cạnh tranh hoặc ít đối thủ cạnh tranh để sản xuất và xuất khẩu trên cơ sở tận dụng cơ hội từ thuế nhập khẩu và các rào cản thương mại được cắt giảm hay xóa bỏ. Mặt khác, khi tham gia AEC và FTAs, chi phí nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước có thể dễ dàng tiếp cận nguồn nguyên liệu hơn, góp phần làm giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. AEC và FTAs cũng tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp Việt tham gia vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong khu vực cũng như toàn cầu.

Việc thực hiện cam kết trong khuôn khổ AEC và FTAs cũng sẽ góp phần tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào nước ta. Bởi, các cam kết mở cửa là cơ sở thuận lợi và có tính bảo hộ an toàn cao hơn cho hoạt động đầu tư của các nước thành viên, và sẽ có tác động trực tiếp đến đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực trong nước. Hơn nữa, triển vọng phát triển hoạt động thương mại và vai trò cửa ngõ của nước ta trong nhiều khu vực FTA khác nhau, đặc biệt là AEC, sẽ gián tiếp thu hút các doanh nghiệp nước ngoài gia tăng đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng trong nước. Chắc chắn, như chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã và sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, là nguồn tạo việc làm tích cực và quan trọng cho nền kinh tế nước ta.

Ngoài ra, với phạm vi tự do hóa và mức độ cam kết sâu rộng hơn, bao gồm cả các lĩnh vực phi truyền thống, một số FTA thế hệ mới, điển hình là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà nước ta đang tham gia đàm phán hay FTA giữa Việt Nam - châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), đã tích lũy các kinh nghiệm, tập quán và thông lệ thực hành tối ưu trên thế giới về hoạt động kinh doanh, đầu tư, sẽ hướng đến việc tạo ra các khuôn khổ mới và phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta hiện nay. Đây là những khía cạnh cần sự chủ động của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập.

Tuy nhiên, quá trình hội nhập cũng như việc tham gia AEC, FTAs cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp nước ta. Cụ thể, doanh nghiệp trong nước sẽ phải chịu sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh mạnh từ doanh nghiệp nước ngoài. Nếu không chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ sẽ gặp không ít khó khăn. Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về hội nhập kinh tế thương mại quốc tế Trần Quốc Khánh cho rằng, quá trình tự do hóa thương mại diễn ra quá nhanh sẽ dẫn đến tình trạng phá sản và thất nghiệp ở các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu. Để tận dụng các điều kiện ưu đãi trong FTAs, doanh nghiệp trong nước phải đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng hàng hóa, chịu sức ép phải tuân thủ các điều khoản quy định về các hàng rào kỹ thuật trong thương mại, về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ...

Để có thể tận dụng hiệu quả từ AEC và FTAs và thực thi đầy đủ các cam kết, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi những quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ cho phù hợp với các thỏa thuận. Việc điều chỉnh các quy định, chính sách sẽ tạo áp lực, đòi hỏi các doanh nghiệp linh hoạt hơn, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cụ thể, tránh bị động khi các quy định trong nước thay đổi. Đồng thời, ban hành các chính sách tăng cường phổ biến, hướng dẫn và có giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước hoạt động hiệu quả tại các thị trường đã ký kết FTA. Tận dụng các điều kiện ưu đãi trong AEC và FTAs, doanh nghiệp trong nước cần chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh, bền vững với môi trường, từng bước đồng bộ hóa sản phẩm, dây chuyền sản xuất nhằm thỏa mãn những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng hàng hóa, các hàng rào kỹ thuật trong thương mại, về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ.