Tận dụng "cơ hội vàng" kết nối ngành công nghiệp hỗ trợ

Theo Hà Xuyên/thoibaokinhdoanh.vn

Để tăng cường thêm cơ hội và tạo đà kích thích sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ, chúng ta cần nhiều hơn nữa những hoạt động xúc tiến cơ hội hợp tác đầu tư, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, cách thức sản xuất, phát triển cho các doanh nghiệp nội địa và các doanh nghiệp nước ngoài.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ đang ngày càng được Chính phủ Việt Nam chú trọng, ưu tiên, đặc biệt trong giai đoạn từ 2015 đến nay. Nguồn: Internet.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ đang ngày càng được Chính phủ Việt Nam chú trọng, ưu tiên, đặc biệt trong giai đoạn từ 2015 đến nay. Nguồn: Internet.

Đó là ý kiến của của PGS.,TS. Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đưa ra tại Hội thảo “Kết nối ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước với khu vực FDI – Thực trạng, thách thức và giải pháp” được tổ chức chiều 4/9 tại Hà Nội.

Thách thức cho doanh nghiệp

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến 20/8/2019, ước tính vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 11,96 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 107,95 tỷ USD, tăng 4,6%, chiếm 69,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 96,15 tỷ USD, tăng 4,8%, chiếm 68,6% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Xuất siêu của khu vực FDI đạt 21,8 tỷ USD, trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,4 tỷ USD.

Vốn đăng ký mới, tăng thêm và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 22,63 tỷ USD, bằng 92,9 so với cùng kỳ năm 2018. Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) có 5235 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 9,51 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai thương vụ M&A lớn nhất phải kể đến SK Group mua cổ phiếu Vingroup và Vincommerce có giá trị 1 tỷ USD; KEB Hana Bank mua cổ phần BIDV trị giá 885 triệu USD.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế có nhiều kết quả tích cực, song mức độ tham gia và hưởng lợi của doanh nghiệp (DN) trong nước chưa đạt như kỳ vọng. Thực trạng chung là các DN trong nước chưa cải thiện mạnh mẽ khả năng tham gia xuất khẩu trực tiếp, nhất là trong các ngành chế tạo.

Việc xuất khẩu gián tiếp thông qua cung ứng sản phẩm đầu vào cho khu vực FDI vẫn còn là một thách thức không nhỏ đối với DN trong nước. Công nghiệp hỗ trợ chưa phát huy được mạnh mẽ vai trò đáng lẽ phải đạt được trong điều kiện một quốc gia đang thực hiện quá trình công nghiệp hóa như Việt Nam.

Theo PGS.,TS Phan Đăng Tuất, thực tế này đặt ra không ít thách thức cho DN trong nước nếu muốn tham gia và tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng của DN FDI, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra nhiều thay đổi nhanh, mạnh mẽ ở mọi khía cạnh và các công đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ đang ngày càng được Chính phủ Việt Nam chú trọng, ưu tiên, đặc biệt trong giai đoạn từ 2015 đến nay.

Công nghiệp hỗ trợ có cơ hội lớn kết nối vào chuỗi giá trị
Công nghiệp hỗ trợ có cơ hội lớn kết nối vào chuỗi giá trị
 

Làm sao để tận dụng cơ hội?

Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có xu hướng căng thẳng tác động đến kinh tế toàn cầu, dòng FDI đổ vào Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ kỷ lục. Theo GS.,TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: “Nếu chúng ta không tận dụng “cơ hội vàng” bây giờ thì sẽ không bao giờ tận dụng được nữa”.

Từ góc độ DN, ông Nguyễn Vũ, đại diện công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Sản xuất Minh Tâm, đặt ra vấn đề: việc tiếp cận vốn FDI từ đâu là tiềm năng và phù hợp với DN công nghiệp hỗ trợ?

Trả lời băn khoăn này, ThS. Nguyễn Đình Tiến, chuyên gia Dự án kết nối DN nhỏ và vừa của Cơ quan Hợp tác quốc tế Mỹ (USAID), cho biết hiện nay có rất nhiều định chế, tổ chức tài chính ở trong và ngoài nước sẵn sàng hỗ trợ cho DN công nghiệp hỗ trợ. Để tiếp cận được các nguồn vốn đó, DN cần tự nâng cao năng lực và tham gia chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, PGS., TS Phan Đăng Tuất gợi ý 3 giải pháp hấp thụ FDI hiệu quả, gồm: Các thương vụ M&A, thông qua các tổ chức giới thiệu kết nối, các DN nước ngoài xây dựng nhà máy tại Việt Nam và DN công nghiệp hỗ trợ làm việc cho họ.

Chất lượng và hiệu quả thu hút FDI như trình độ công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa, lao động qua đào tạo luôn được coi là vấn đề quan trọng thì hiện đã có phương án thực hiện, có mô hình thành công, nhất là DN FDI với DN Việt Nam liên kết theo chuỗi giá trị.

Gs.Ts Nguyễn Mại nhấn mạnh: “Để bảo đảm các mục tiêu chất lượng được thực hiện nhanh, cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi nhà đầu tư theo hướng gắn kết quả thực hiện cam kết chứ không chỉ dựa vào quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư”.

Theo đó, các cơ quan nhà nước phải hướng dẫn, theo dõi, giám sát hoạt động kinh doanh của các DN FDI để phát hiện các tình huống vi phạm pháp luật, chỉnh đốn và xử lý kịp thời nhằm bảo đảm đúng cam kết của nhà đầu tư.